Hỗ trợ doanh nghiệp

Trợ lực cho DNNVV: Cần lắm những biện pháp cụ thể và khả thi

Dường như, vẫn còn nhiều vướng mắc giữa chính sách và khâu thực thi, nên doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vẫn kêu khó, trong khi năm 2015 được đánh giá là thời điểm Việt Nam hội nhập sâu hơn với thế giới và khu vực.

 

Hỗ trợ, hỗ trợ và hỗ trợ

 
Đó có thể là những từ liên tục được nhắc đến những năm gần đây đối với khu vực DNNVV. Thế nhưng, dường như vẫn còn nhiều vướng mắc giữa chính sách và khâu thực thi, nên DNNVV vẫn kêu khó, trong khi năm 2015 được đánh giá là thời điểm Việt Nam hội nhập sâu hơn với thế giới và khu vực.
 
Từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã ban hành rất nhiều chính sách hỗ trợ cho các DN, như: chính sách trợ giúp tài chính, chính sách mặt bằng sản xuất, chính sách đổi mới nâng cao năng lực công nghệ và trình độ kỹ thuật, chính sách xúc tiến mở rộng thị trường, chính sách tham gia các hoạt động mua sắm và cung ứng dịch vụ công, chính sách về thông tin và tư vấn, chính sách trợ giúp phát triển nguồn nhân lực, chính sách vườn ươm doanh nghiệp, chính sách giảm thuế...
 
Năm vừa qua, năm 2014, Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ cho DNNVV, nhất là việc tạo điều kiện cho DN tham gia vào các dự án của Chính phủ. DN phải biết nắm bắt cơ hội, tự xây dựng kế hoạch kinh doanh và nâng cao năng lực quản trị để có thể tiếp nhận được những điều kiện tốt và phù hợp với mình.
 
Song, doanh nghiệp khó và khó
 
Sự khó khăn của doanh nghiệp vẫn đang ngày càng thể hiện rõ qua số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động và giải thể cao.
 
Năm 2014 vẫn tiếp tục chứng kiến sự tăng lên về số lượng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động và giải thể cao.
 
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh trong năm 2014 của cả nước là 9.501 doanh nghiệp, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 58.322 doanh nghiệp, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 11.723 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 46.599 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
 
Điều đáng nói là, không chỉ gia tăng về số lượng, mà ngầm hiểu quy mô của các doanh nghiệp bị phá sản năm 2014 đều lớn hơn so với những năm trước. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Việt Nam (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội), năm 2012 có 54.261 doanh nghiệp phá sản, năm 2013 có 60.737 doanh nghiệp phá sản, tăng 11,9% so với năm 2012 và đến 6 tháng đầu năm 2014, số lượng doanh nghiệp phá sản được ghi nhận là 33.454 doanh nghiệp, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2013.
 
Còn trong 2 tháng đầu năm 2015, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh của cả nước cũng lại tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, với 2.055 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp giải thể phần lớn là những doanh nghiệp có quy mô vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng. Điều này phần nào cho thấy rằng, nhờ có sức đề kháng và hoạch định chiến lược kinh doanh tốt hơn, những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn thường có độ ổn định và sức chống chọi với khó khăn cao hơn so với các doanh nghiệp nhỏ.   
 
Ngoài ra, trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động của cả nước là 14.040 doanh nghiệp, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: 4.794 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn, 9.246 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ đóng mã số doanh nghiệp hoặc không đăng ký.
 
Nguyên nhân do đâu?
 
Nguyên nhân chủ yếu được lý giải  là do các DNNVV gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. DNNVV đang thiếu vốn, việc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN còn chậm và chưa đều khắp. DNNVV chiếm tới hơn 80% số lượng DN và là lực lượng quan trọng của nền kinh tế.
 
Song, hiện nay, DN đang ở trong giai đoạn tự thân vận động, chưa được sự hỗ trợ thích đáng và cụ thể từ phía Nhà nước, về mặt bằng, vốn cho sản xuất, kinh doanh, giảm hàng tồn kho. Nếu DNNVV phải chịu lãi suất ngân hàng cao như hiện nay thì sẽ khó tồn tại được.
 
Vấn đề đặt ra là Nhà nước mặc dù không thiếu những chính sách hỗ trợ, và các chính sách này nhìn chung đã bao quát mọi mặt của doanh nghiệp, song, khi đưa vào thực tế thì còn bất cập.
 
Điển hình như việc khó tiếp cận vốn của DNNVV. Mặc dù Chính phủ đã triển khai những chính sách, chương trình hỗ trợ vốn cho các DNNVV, như: bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ tín dụng.
 
Tuy nhiên, chỉ có một lượng nhỏ các DN tiếp cận được với chính sách này. Phần lớn các DNNVV đều gặp trở ngại vì thủ tục vay quá phức tạp, các DN không có đủ tài sản để thế chấp, lãi suất chưa phù hợp...
 
Cần lắm những biện pháp cụ thể
 
Một trong những biện pháp giúp DNNVV tiếp cận nguồn vốn trong năm 2014 là việc đưa Quỹ phát triển DNNVV vào hoạt động một cách mạnh mẽ.
 
Quỹ tập trung vào các DNNVV có tiềm năng phát triển, có dự án, phương án kinh doanh khả thi và doanh nghiệp nằm trong diện đối tượng ưu tiên, như doanh nghiệp: phụ trợ, chế biến nông sản, xuất khẩu...
 
Quỹ này cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất có ưu đãi so với thị trường, lãi suất sẽ được tính theo lãi suất trung bình của các ngân hàng thương mại lớn nhất.
 
Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 58/2013/QÐ-TTg thay thế Quyết định 193 trước đây về Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV. Theo đó, các địa phương đẩy nhanh thành lập Quỹ tín dụng hỗ trợ DNNVV để có thể bảo đảm nguồn vốn vay hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
 
Thủ tướng đã giao nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ðây là những giải pháp thiết thực, tạo điều kiện cho DNNVV phát triển.
 
Chính phủ hiện nay quan tâm nhất đến vấn đề tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào các dự án, chương trình. Vừa qua, Luật Ðấu thầu cũng có những ưu đãi cho DNNVV có điều kiện tham gia đấu thầu công khai và sẵn sàng dành phần nhất định cho họ nếu bảo đảm được chất lượng hàng hóa, dịch vụ và tiến độ cung cấp. Những giải pháp về chính sách, quy định như vậy, DN rất thuận lợi để có kinh phí, nguồn lực đầu tư.
 
Trong tháng 3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường năng lực đơn vị thực hiện trợ giúp DNNVV.
 
Theo Đề án, trong năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị thực hiện trợ giúp DNNVV cấp Trung ương có chức năng, nhiệm vụ chính: Làm đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện các chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV; kết nối các hoạt động trợ giúp DNNVV của các Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp có trọng điểm; triển khai thực hiện một số chính sách, chương trình trợ giúp phát triển DNNVV; bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ trợ giúp DNNVV.
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ nghiên cứu sửa đổi Thông tư liên tịch số 05/2009/TTLT-BKHĐT-BNV ngày 05/8/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nội vụ, trong đó quy định chức năng, nhiệm vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối trợ giúp phát triển DNNVV trên địa bàn
 
Căn cứ vào nhu cầu trợ giúp DNNVV, khả năng và điều kiện thực tế của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng đề án kiện toàn đơn vị thực hiện trợ giúp DNNVV.
 
 Đối với địa phương có trên 3.000 DNNVV đang hoạt động, thực hiện nâng cấp và củng cố đơn vị trợ giúp DNNVV theo quy định tại Khoản 2, Điều 18, Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV, lựa chọn hình thức đơn vị sự nghiệp có thu hoặc cấp phòng.
 
Đối với địa phương có dưới 3.000 DNNVV đang hoạt động, giao thêm nhiệm vụ trợ giúp DNNVV cho một đơn vị thuộc sở kế hoạch và đầu tư của địa phương.
 
Trong năm 2015, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị thực hiện trợ giúp DNNVV (hoặc cơ quan chủ quản) xây dựng đề án vị trí việc làm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; trên cơ sở tổng biên chế được giao và đề án vị trí việc làm, cơ quan có thẩm quyền sắp xếp và bố trí đủ nhân sự thực hiện trợ giúp DNNVV.
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp DNNVV; thí điểm thực hiện chuyên gia tư vấn trợ giúp DNNVV tại doanh nghiệp.
 
Trong giai đoạn 2016 - 2020 căn cứ vào nhu cầu và khả năng cân đối nguồn thu, các đơn vị thực hiện trợ giúp DNNVV xây dựng phương án bổ sung số lượng cán bộ, nhân viên hàng năm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, một phần số cán bộ do ngân sách nhà nước đảm bảo không tăng so với chỉ tiêu biên chế được giao, số còn lại do cân đối nguồn thu chi trả.
 
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội doanh nghiệp tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng trợ giúp DNNVV; phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia tư vấn trợ giúp DNNVV.
 
Đó là những biện pháp cụ thể được kỳ vọng là giúp DNNVV phát triển bền vững, tự tin bước vào hội nhập khi cánh cửa AEC có thể được mở vào cuối năm nay, năm 2015.
 
 
Theo Kinh tế và Dự báo
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo