Hỗ trợ doanh nghiệp

Trông đợi những chính sách hỗ trợ giảm chi phí cho doanh nghiệp

Chính phủ khẳng định 2018 tiếp tục là năm giảm chi phí cho DN. Vì thế, để những cam kết này đi vào thực tế, các DN mong muốn hành động của các cơ quan quản lý phải đi vào cụ thể, thực chất để đáp ứng đúng và đủ mong muốn, nguyện vọng của DN về cắt giảm chi phí.

Gánh nặng chi phí không chính thức

 Trong một chia sẻ cách đây không lâu, ông Phạm Đình Đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng trung ương các hiệp hội DN Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, vấn đề cải cách hành chính, giảm thủ tục, chi phí cho DN đang có sức ảnh hưởng lớn tới DN. Bởi hiện nay, DN nếu hoạt động kinh doanh tốt thì lợi nhuận chỉ 2-4%/năm, trong khi đó theo khảo sát của VCCI, chi phí không chính thức của DN lên tới 6-8%. Đây là một khó khăn lớn đối với DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.

Một nghiên cứu mới đây do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cho thấy, DN đang chịu rất nhiều chi phí bất hợp lý ngay khi bắt đầu gia nhập thị trường, từ chi phí khởi sự DN; chi phí xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh; chi phí vốn; chi phí khoa học công nghệ; chi phí tuân thủ quy định về an toàn và chất lượng cho đến chi phí tuân thủ quy định về phòng, chống cháy nổ; chi phí thực hiện thủ tục nộp thuế và hoàn thuế… Bên cạnh đó, DN còn gặp phải tình trạng thanh kiểm tra nhiều, chi phí đất đai cao… và cả chi phí không chính thức. Thậm chí, theo các DN và chuyên gia, việc trả chi phí không chính thức còn khá phổ biến và tồn tại ở cả DN lớn và DN nhỏ.

DN còn nhiều khó khăn khi các chi phí vẫn còn cao, thậm chí có nhiều chi phí không chính thức. Ảnh: Hồng Nụ.

Một DN chia sẻ, DN thường xuyên gặp phải khó khăn do gánh nặng về tiền thuê đất, một số địa phương tăng đến 4-5 lần khiến DN khó có thể trụ được khi mở rộng kinh doanh. Vì thế, chuyên gia kinh tế GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, DN lớn chỉ có nhiều tiền hơn thôi chứ không hề tiếp cận đất đai dễ hơn. Nhiều người có đất rồi nhưng chưa nộp tiền sử dụng đất nên không thể sử dụng, trong khi phải cho DN sử dụng thì họ mới kinh doanh có lợi nhuận, từ đó mới thanh toán được kinh phí về đất đai.

Nỗ lực cắt giảm

Từ đầu tháng 2/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết, năm 2017 được chọn là “giảm chi phí cho DN”, năm 2018 sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào vấn đề giảm chi phí cho DN để tác động đối với cộng đồng DN sẽ rõ nét hơn và phát huy các kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã triển khai năm trong 2017. Vì thế, Chính phủ tiếp tục đề ra các nhiệm vụ như: Cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, giảm thời gian thực hiện thủ tục và chi phí hoạt động của người dân, DN; cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với DN, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của DN…

Do đó, thời gian qua, nhiều bộ, ngành đã có những dịch chuyển tích cực, cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Tiêu biểu như Bộ Tài chính với các giải pháp áp dụng công nghệ thông tin, giúp rút ngắn thời gian cũng như chi phi thực thi cho cả cơ quan quản lý và DN. Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, hiện nay, Tổng cục Thuế đã hỗ trợ các DN triển khai thành công hóa đơn điện tử, đến nay đã có gần 3.000 DN sử dụng hình thức này. Việc sử dụng hóa đơn điện tử vừa góp phần giảm thời gian, chi phí về hóa đơn cho DN, vừa góp phần hạn chế các hành vi gian lận, giảm thời gian làm thủ tục hành chính về hóa đơn.

Tuy nhiên, để tạo kết quả thực chất hơn, các DN đều kiến nghị các bộ, ngành cần tìm hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của DN để đưa ra phương án hợp lý. Ông Chu Đình Long, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Dịch vụ Cát Lợi (Hà Nội) kiến nghị, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực nghiên cứu, đề xuất Chính phủ những cơ chế đặc thù, chính sách hỗ trợ về tài chính, đất đai cho DN; bởi những quy định không cụ thể, chung chung nhiều khi khiến các cán bộ, cơ quan quản lý lợi dụng để làm khó DN. Còn theo ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công ty Cổ phần may 9 (Nam Định), các bộ, ngành cần xem xét điều chỉnh cơ chế tiền lương, bảo hiểm để phù hợp với giá nhân công hiện nay; giúp ngành dệt may vượt qua những khó khăn, tránh để một số nước trong khu vực chiếm mất ưu thế về lao động giá rẻ.

 

Bên cạnh những nội dung trên, các DN còn kiến nghị xem xét điều chỉnh, rà soát về chi phí cầu, đường, BOT để giảm chi phí vận tải, logistics. Các DN cũng đề nghị cần cải thiện mạnh mẽ hơn công tác kiểm tra chuyên ngành, bởi việc để một sản phẩm nhiều bộ ngành cùng kiểm tra không chỉ khiến DN bị chậm trễ mà còn khiến chi phí của DN bị đội lên…

Nhưng nhìn chung, có thể thấy rất rõ rằng, những băn khoăn của DN đều được các cơ quan quản lý nhận thấy rõ, bằng chứng là các chỉ đạo về rà soát phí BOT, quyết tâm giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống còn 15% thay vì 30 đến 35% như hiện nay của Chính phủ. Vì thế, các DN hoàn toàn có quyền hy vọng về một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, ít chi phí hơn trong tương lai. 

Nên đọc
Theo Hải quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo