Trung Quốc "cứu" gạo, nông dân mừng hết biết
Giá lúa gạo ở ĐBSCL đang tăng khá mạnh do thương lái tăng cường thu mua để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc.
Mừng hết biết vì tưởng...lỗ nặng!
Theo phản ánh của báo Thanh niên, nhiều thương lái từ các tỉnh phía Bắc, trong đó có cả người Trung Quốc đến tận kho để thu mua gạo giá cao hơn thị trường, có bao nhiêu mua bấy nhiêu. Tiêu chuẩn, chất lượng như độ ẩm, loại gạo... chỉ cần xem xét qua loa, thủ tục mua bán rất dễ.
Theo ông Dương Văn Mến, thương lái thu mua lúa gạo ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, chưa năm nào lại thấy lúa hè thu đảo chiều tăng mạnh liên tục như năm nay.
Hồi đầu vụ, giữa tháng 6 giá rớt mạnh từ 300 - 400 đồng/kg xuống còn có 4.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn có 3.800 đồng/kg.
Thế nhưng từ đầu tháng 7 đến nay, giá lúa đảo chiều, liên tục tăng không dừng.
Đến ngày 21/7 đã tăng gần 1.000 đồng/kg, lên 4.700 đồng/kg lúa tươi IR 50404 mua tại ruộng, còn lúa hạt dài là 4.900 - 5.000 đồng/kg. Nếu bán lúa khô, giá cao hơn từ 1.000 - 1.100 đồng/kg, lúa chất lượng cao như Jasmine bán khô lên đến 6.200-6.400 đồng/kg.
Ông Lê Văn Liệt, thương lái mua lúa ở huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) thì cho biết: “Thương lái làm đầu mối cho Trung Quốc đổ xô mua và chấp nhận giá gạo cao hơn hẳn. Chẳng hạn gạo 5% tấm họ sẵn sàng trả từ 10.500 - 11.000 đồng/kg, trong khi giá hiện tại trên thị trường là 9.500 đồng/kg”.
Gia đình nông dân Nguyễn Văn Tiễn ở Hồng Ngự, Đồng Tháp trồng 3ha lúa, năng suất bình quân 6 tấn/ha. Anh vừa bán cho thương lái hơn 17 tấn với giá 4.650 đồng/kg, được hơn 79 triệu đồng, lời trên 20 triệu đồng.
“Bán được giá này, gia đình mừng hết lớn đó. Cứ tưởng lỗ vì đầu vụ mưa gió triền miên, giá rớt thê thảm” – anh Tiễn vui vẻ nói.
Ông Trần Bảo Toàn, Giám đốc DNTN Thanh Lịch (Đồng Tháp), cho biết, giá gạo hàng hóa ở ĐBSCL tăng mạnh, chủ yếu là do các thương nhân đang tập trung đẩy mạnh mua gạo để xuất khẩu sang Trung Quốc, mà phần nhiều trong đó là đi đường tiểu ngạch.
Chủ một doanh nghiệp khác, cũng chuyên cung ứng gạo xuất khẩu, cho biết, riêng ở khu vực cảng Cần Thơ, đang có tới trên 30 tàu đợi lấy gạo để đưa ra Hải Phòng rồi từ đó gạo đi đường bộ lên Lào Cai để sang Trung Quốc.
Các tổng công ty lương thực chỉ là ...con buôn?
Trong khi người nông dân tự "bơi" đầu ra cho hạt lúa, chấp nhận rủi ro khi bán cho thương lái trong nước và Trung Quốc để được giá cao thì trao đổi với Đất Việt trước đó, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn chỉ rõ, các tổng công ty lương thực, nắm hầu hết thị phần xuất khẩu gạo của Việt Nam chính là khuyết tật lớn nhất, trì trệ lớn nhất sau 30 năm đổi mới.
"Việt Nam luôn dẫn đầu trong cuộc chiến giảm giá gạo. Nhà xuất khẩu gạo bán với giá rẻ, đồng nghĩa với việc thu mua của nông dân với giá rẻ. Nông dân không được hỗ trợ công nghệ sau thu hoạch, thương lái ép giá thế nào đều phải bán, nếu không muốn... cho vịt ăn. Hậu quả dễ thấy là người nông dân bị ép giá vô lối, không sống được dù đã cày cuốc vất vả trên mảnh ruộng của mình".
"Trước đây, hoạt động của những tổng công ty này được đánh giá là tốt nhưng hiện nay lại đang phát triển theo cơ chế độc quyền kép: độc quyền thu mua và xuất khẩu lúa gạo, đồng thời là độc quyền của doanh nghiệp nhà nước, là rào cản các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường lúa gạo Việt Nam.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) có quá nhiều quyền trong việc đề xuất chính sách, song lại hoạt động như một doanh nghiệp nhà nước, làm việc phân phối xuất khẩu gạo. Hiệp hội không có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, cũng không quan tâm đến nông dân mà thay vào đó là bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Như vậy, coi như hai Tổng công ty lương thực I và II độc quyền thu mua, Hiệp hội lương thực lại độc quyền phân phối quota xuất khẩu. Ngay cả hợp đồng lúa gạo của nhà nước cũng phải qua tay các đơn vị này, người nông dân không có được cơ hội, tiếp cận với đối tác, doanh nghiệp khác để tạo sự cạnh tranh về giá cả. Hệ quả là lợi ích tạo ra đều về hết tay các đơn vị này, thua thiệt người nông dân phải gánh là đương nhiên", nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn phân tích.
Đồng quan điểm, GS.VS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam cho rằng, hiện Tổng công ty Lương thực miền Nam và miền Bắc đang đóng vai trò con buôn mà chưa nghĩ đến chuyện tạo vùng nguyên liệu, đầu tư tiền vào vật tư, công nghệ… để giải quyết đầu ra cho bài bản.
"Sai lầm chiến lược phát triển nông nghiệp của mình là không đúng, không trúng, đầu tư kiểu giật gấu vá vai. Cứ hô chế biến sau thu hoạch nhưng chả có đầu tư gì. Đến nay đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch mới được 6% trong khi đáng ra phải là 20%. Còn các công ty thì nhảy vào đủ thứ để thu lợi nhuận theo kiểu mì ăn liền", GS.VS Trần Đình Long phân tích.
Ông Long cho rằng, phải tái cấu trúc 2 tổng công ty này như là một doanh nghiệp khoa học kể bao tiêu từ sản xuất đến tiêu thụ chứ không thể làm kiểu đón lõng bán thóc và lấy lãi.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo