Hỗ trợ doanh nghiệp

Trung tâm thương mại: Cái chết được báo trước

Phí mặt bằng, nhân công... cộng với sự cạnh tranh gay gắt của các hình thức bán hàng qua mạng, điện thoại đã đẩy nhiều hệ thống trung tâm thương mại (TTTM) nổi tiếng thế giới tàn lụi nhanh chóng.

 Trung tâm thương mại đầy tiện ích trước kia nay đã bước vào tuổi xế chiều? - Ảnh: Bloomberg

Một thời là “vương quốc” của những TTTM hoành tráng nhất thế giới, nay Mỹ phải dọn dẹp chúng rất nhanh chóng. 

Ở Việt Nam, Parkson Landmark 72 (Hà Nội) đột ngột tuyên bố đóng cửa vô thời hạn hôm 7-1 cũng gây ra nhiều lo lắng. Liệu đây có thật sự là cái chết được báo trước của loại hình kinh doanh này?

Không có gì bất ngờ

Hôm 29-12-2014, Mỹ bắt đầu phá dỡ Randall Park Mall - nơi từng được mệnh danh là TTTM lớn nhất thế giới khi mở cửa vào năm 1976.

Thực chất Randall Park Mall cũng chỉ là một cái tên mới điền vào danh sách những trung tâm mua sắm từng phục vụ giới lao động bị xóa sổ, theo một báo cáo của CNN Money.

Không có gì bất ngờ khi những TTTM chết dần ở Mỹ đang được xem như một giải pháp cấp kỳ cho những rắc rối kinh tế của đất nước.

Các chuyên gia kinh tế đang mổ xẻ để xác định nguyên nhân có phải từ những sai lầm trong chính sách, thậm chí là rối loạn chức năng kinh tế Mỹ.

Nhìn vào châu Á để thấy một câu chuyện phức tạp hơn. Trung tâm mua sắm đang bùng nổ khắp châu Á. Lục địa này đang sở hữu 10 trung tâm thương mại lớn nhất thế giới. Không nói đến quy mô, số lượng mới là điều đáng đề cập.

Hồi tháng 4-2014, CBRE báo cáo trong 39 triệu m2 không gian trung tâm mua sắm đang xây dựng của năm 2013, thì có hơn một nửa là ở Trung Quốc.

 

Chỉ duy nhất Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) được vào danh sách 10 thành phố có nhiều TTTM nhất, ngoài Trung Quốc. Tốp 15 hoàn toàn thuộc về châu Á, thậm chí không có thành phố Bắc Mỹ nào vào top 25.

Macy thu hẹp các trung tâm thương mại - Ảnh: The Straits Times

Nơi cười nơi mếu?

Thứ nhất là nhân khẩu học. Đông Nam Á và Trung Quốc đang đô thị hóa nhanh chóng, giúp một bộ phận dân cư nông nghiệp thu nhập thấp gia nhập tầng lớp trung lưu.

Chẳng hạn, tỉ lệ đô thị hóa ở Indonesia năm 2000 đạt 38%, và dự kiến tăng lên 60% vào năm 2020. Tháng 6-2014, Bloomberg News ước tính số lượng tầng lớp trung lưu và giàu có Indonesia có thể tăng lên gấp đôi lên 141 triệu người vào năm 2020 - từ mức 74 triệu người của năm 2012.

Quy mô tiêu dùng tiềm năng khổng lồ đó đủ lực hút kéo các nhà bán lẻ đua nhau tham gia thị trường. Tháng 6 năm ngoái, nhà điều hành TTTM lớn nhất Hàn Quốc Lotte công bố sẽ mở bốn mall tại Indonesia vào năm 2018.

Tất nhiên không chỉ mình Indonesia có tiềm năng, CBRE dự báo tầng lớp trung lưu ở châu Á - Thái Bình Dương chạm mốc 1,74 tỉ người vào năm 2020 - gấp ba lần con số năm 2009.

Yếu tố quan trọng tiếp theo là hầu hết những người này đều khao khát văn hóa mua sắm trong TTTM.

Theo khảo sát tiêu dùng 11.000 người ở châu Á - Thái Bình Dương do CBRE công bố tháng 11-2014, số lượng người tiêu dùng châu Á thích mua sắm tại các trung tâm có ít nhất 50 cửa hàng đã chiếm áp đảo.

Những cửa hàng này phải là dạng "độc đáo" (ví dụ thương hiệu điển hình trong TTTM như GAP là đủ chuẩn). Dù mua sắm đường phố truyền thống vẫn được ưa chuộng tại châu Á, nhưng sức hút từ các trung tâm thương mại sạch sẽ, có điều hòa và an ninh thật khó lòng cưỡng lại.

Dĩ nhiên các nhà phát triển trung tâm thương mại châu Á không tránh khỏi sai lầm khi xây nên những khu thương mại ế ẩm. Như trường hợp Parkson Landmark 72 ở Hà Nội đã phải tuyên bố đóng cửa vô thời hạn hôm 7-1 vì kinh doanh không hiệu quả.

Nhưng, TTTM Mỹ biến mất chủ yếu là do thị trường bão hòa khi chúng xuất hiện quá dày đặc ở mọi ngóc ngách, vì thế dân Mỹ nghĩ văn hóa mua sắm trong TTTM không còn hay ho như trước.

Châu Á lại không gặp vấn đề như vậy, do đó nhà phân tích Adam Minter thuộc Bloomberg View khẳng định chừng nào các nền kinh tế và người tiêu dùng châu Á tiếp tục tôn sùng một biến thể TTTM mà Mỹ đã hoàn tất vào thế kỷ trước, các công ty sẽ không ngại đổ thêm tiền vào đầu tư.

Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo