Doanh nghiệp - Doanh nhân

Trước 40 tuổi, đừng làm giàu

Sau hơn 30 năm từng trải với nhiều công việc và các vị trí khác nhau, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh (hay còn gọi là Vinh Coba) đã thành công trong việc nghiên cứu, sáng chế nghệ thuật tranh kính điêu khắc. Bằng ngần ấy năm trải nghiệm, ông thấm thía một câu rằng: “Trước 40 tuổi, đừng nghĩ đến việc làm giàu”.

Tuổi trẻ với nhiều đam mê, hoài bão

Ông Vinh giải thích: Nói rằng đừng làm giàu trước 40 tuổi bởi đó là tuổi trẻ, là quãng thời gian đẹp nhất của đời người. Khi ấy, con người được sống với hoài bão, ước mơ của mình. Đó là thời gian để học hỏi, trải nghiệm, để dấn thân thực hiện những khát vọng của tuổi trẻ. Thế nên lúc còn trẻ, hãy cứ học nhiều, chơi nhiều, đi nhiều, làm nhiều... Đến một ngưỡng tuổi nhất định nào đó, người ta mới tìm được chìa khóa mở cánh cửa thành công của cuộc đời mình.

Kể về tuổi trẻ của mình, ông Vinh cho hay, khi còn trẻ ông có nhiều năng khiếu lắm. Về âm nhạc, đàn ca sáo nhị hầu như cái gì cũng biết. Rồi sau đó là đam mê môn thể thao thể dục dụng cụ. Khi ấy, ông Vinh là một trong chín vận động viên tiêu biểu của tỉnh Hà Sơn Bình (tên gọi của hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình được sát nhập khi đó). Còn năng khiếu vẽ thì khỏi phải bàn, nó dường như ngấm vào trong máu của ông từ bé.

Ngoài ra, từ nhỏ ông rất mê nghiên cứu. Khi còn đang đi học, ông Vinh đã có cho mình một phòng thí nghiệm nhỏ. Có một người anh là giáo viên dạy môn hóa, ông thường đến xin các loại hóa chất và ống nghiệm về để mày mò, tập làm các thí nghiệm.

Không chỉ máu nghệ sĩ, máu kinh doanh cũng đã nhen nhóm trong ông từ khi ông còn rất trẻ. Ông Vinh kể, năm mới tám tuổi, ông đã nhận đi cắt kính hoa dâu cho người Pháp. Mỗi tấm kính lớn ông phải cắt ra làm 18 tấm nhỏ. Người chủ họ trừ hao cho hai tấm cắt chưa chuẩn. Nhưng phần lớn không bao giờ ông Vinh cắt hỏng tấm kính nào. Cứ cắt mỗi tấm kính lớn ông lại được mang về nhà hai tấm nhỏ. Mỗi tấm ông mang về bán được 200 đồng (ở thời điểm đó, 200 đồng là cả một gia tài lớn đối với một đứa trẻ như ông).

Nghệ nhân Vinh Coba say mê với nghệ thuật tranh kính điêu khắc

Nói về chuyện đam mê, ông Vinh hóm hỉnh so sánh: “Mình đam mê công nghệ làm đẹp. Ước mơ đầu tiên là làm tranh sứ. Nhưng cuối cùng lại thành công với tranh kính nghệ thuật. Để có được thành công, mình phải nghiên cứu nhiều, thử mọi cách để theo đuổi đam mê đó. Cũng giống như khi yêu một cô gái, sẽ phải cố gắng nỗ lực rất nhiều để theo đuổi thành công”.

Phá sản là bước đệm để nghiên cứu và thành công

Tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên ngành Tài chính ngân hàng, năm 1983, ông Vinh về làm thanh tra trọng tài kinh tế tỉnh Hà Sơn Bình. Nhưng ông chỉ theo đuổi công việc này trong vài năm ngắn ngủi.

Năm 1985, ông bắt đầu chuyển sang sản xuất, kinh doanh gốm sứ.

Ban đầu khi bắt tay vào hợp tác cùng một số người bạn để mở xưởng sản xuất gốm sứ, công việc kinh doanh làm ăn của ông Vinh gặp nhiều thuận lợi. Thời điểm những năm 1988 – 1989, mặt hàng đồ gốm sứ mỹ nghệ của ông rất được ưa chuộng. Nhiều khi sản xuất không đủ để thỏa mãn nhu cầu thị trường. Ước mơ làm giàu, trở thành tỷ phú của ông nhen nhóm từ đó. Đã có lúc ông Vinh nghĩ đây chính là nghề gắn bó với suốt cuộc đời mình.

Nhưng đến năm 1990, nhận thấy thị trường có sự thay đổi, người ta chuyển sang ưa chuộng các sản phẩm kính nhiều hơn. Ở thời điểm đó, mặt hàng này lại đang khan hiếm. Ông Vinh bắt đầu chuyển hướng sang nghiên cứu và đã thành công khi chế tạo ra sản phẩm đá mài kính. Đây được coi là thiết bị mài kính đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Sản phẩm khi này mới ra đời nhận được sự đón nhận rất tốt từ thị trường. Vì vậy, ông Phạm Hồng Vinh chuyển hẳn sang nghiên cứu sâu hơn về nó.

Sau đó, ông mở xưởng sản xuất đá mài kính. Khoảng sáu năm đầu, công việc sản xuất, kinh doanh của ông rất thuận lợi. Ông Vinh vẫn không ngừng nghiên cứu và cho ra đời các quy trình làm kính trong, kính mờ, kính màu, tranh phun cát… Khi ấy, cả chủ cả thợ trong xưởng của ông phải làm việc miệt mài vẫn không đủ cung cấp đủ sản phẩm phục vụ thị trường.

Nhưng rồi đến năm 1996, các mặt hàng kính mờ, kính màu của Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường, người tiêu dùng không còn ưa chuộng sản phẩm kính của ông Vinh nữa. Công việc sản xuất, kinh doanh của ông Vinh gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng cơ sở sản xuất tranh kính của ông phải tuyên bố phá sản. Theo đó là những khoản nợ chồng chất.

Trong thời gian khó khăn nhất của cuộc đời, người nghệ nhân ấy đã có lúc muốn buông xuôi tất cả. Nhưng rồi ông nhận ra, cuộc đời không cho ai tất cả cũng không lấy hết đi của ai tất cả. Ông vẫn còn gia đình, còn bàn tay, còn trí óc. Rồi ông tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời công nghệ hóa mờ kính chỉ trong vòng 20 ngày.

Người thân của ông kể lại: Những ngày cùng quẫn vì phá sản ấy, thấy ông ấy giống như người trầm cảm, cả ngày ở trong phòng thí nghiệm, pha pha chế chế mấy loại hóa chất. Cuối cùng thì ông tuyên bố đã nghiên cứu thành công công nghệ hóa làm mờ kính. Công nghệ hóa mờ kính đã kéo ông vực dậy sau lần phá sản.

Sản phẩm kính của ông được sản xuất theo công nghệ mới cho ra năng suất cao, chất lượng vượt trội và có mức giá thành rẻ. Ông dần lấy lại thị trường cho sản phẩm của mình.

Năm 1998, ông lấy tên Vinh Coba (Vinh Cô Ba) làm thương hiệu cho sản phẩm của mình. Lý giải về tên Coba ông cho hay, cô Ba là tên thân mật của một người đã giúp đỡ ông rất nhiều trong việc nghiên cứu công nghệ làm mờ kính.

Vinh Coba bên tác phẩm của mình

Theo đuổi đam mê rồi thành công tìm đến

Vực dậy được sau lần phá sản năm 1996, ông Phạm Hồng Vinh khi ấy xác định nghề làm kính sẽ theo mình suốt cuộc đời còn lại.

Năm 2003 ông Vinh tiếp tục nghiên cứu và cho ra đời quy trình sản xuất tranh kính nghệ thuật siêu bền độc đáo.

Năm 2010, nghệ nhân Phạm Hồng Vinh và sản phẩm tranh kính nghệ thuật siêu bền của mình đã được tôn vinh trong “200 doanh nghiệp tiêu biểu 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đợt 1”.

Hiện nay, Vinh Coba là thành viên của bốn hiệp hội: Hội Mĩ thuật Việt Nam, hội nghệ nhân thợ giỏi thành phố Hà Nội, hội nghệ nhân làng nghề Việt Nam và hội thiết kế mẫu sáng tạo Việt Nam.

Nói về sự thành công của tranh kính nghệ thuật, ông Vinh chia sẻ thêm: “Để theo đuổi nghệ thuật tranh kính điêu khắc, rất cần phải có sự sáng tạo và tâm huyết. Năng khiếu về hội họa, điêu khắc là một trong những tố chất đầu tiên để có thể theo đuổi nghề này. Hơn nữa là cần phải có sự kiên trì, cần mẫn và niềm đam mê”.

Kiều Luyến
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo