Trước cổ phần hóa, Tổng công ty Sông Đà đang nợ hơn 10.000 tỷ
Bộ Xây dựng mới có tờ trình về phương án cổ phần hoá Công ty mẹ - Tổng công ty Sông Đà , để có đủ cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị các Bộ Tài chính, Kế hoạch Đầu tư và Kiểm toán nhà nước có ý kiến về vấn đề này.
Theo tờ trình, giá trị thực tế của doanh nghiệp đã được Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt là 18.502 tỷ đồng, tính tại thời điểm 31/12/2014. Trong đó, phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp hơn 4.438 tỷ đồng.
VnEconomy dẫn báo cáo tài chính của doanh nghiệp cho thấy, đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp là 2.645 tỷ đồng nhưng nợ phải trả lên tới 10.190 tỷ đồng, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu vượt 3,8 lần.
Do đó, Bộ Xây dựng đề xuất tăng vốn điều lệ lên mức 4.500 tỷ đồng sẽ góp phần giảm tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu về mức hợp lý hơn. Đồng thời đảm bảo việc trả cổ tức là 3% trong những năm sau khi được cổ phần hoá.
Hiện Tổng công ty Sông Đà chiếm khoảng 85% thị phần trong nước về xây dựng thủy điện, sắp tới sẽ triển khai sang Lào, Campuchia. Vì vậy, Bộ Xây dựng cho rằng mức vốn nhà nước nắm giữ sau cổ phần hoá là 51%, sau đó sẽ có lộ trình giảm xuống 36% trong những năm tiếp theo, tuỳ nhu cầu vốn trong từng thời điểm.
Cụ thể, Tổng công ty Sông Đà sẽ phát hành 450 triệu cổ phần, giá khởi điểm 10.000 đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 51%, đến năm 2020 giảm xuống 36%. Số bán ưu đãi cho người lao động chiếm khoảng 0,18%. Còn lại 30% bán cho nhà đầu tư chiến lược, số cổ phần bán đấu giá công khai là 18,82%.
Tổng công ty Sông Đà sẽ lựa chọn nhà đầu tư chiến lược dựa trên tiêu chí là nhà đầu tư cam kết mua tối thiểu 5% vốn điều điều lệ, tương đương 225 tỷ đồng và phải đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính, uy tín, thương hiệu trên thị trường.
Trước đó, Tổng công ty này có kế hoạch sẽ bán cổ phần lần đầu vào tháng 7/2016. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện cổ phần hoá bị chậm và được Tổng công ty lý giải do Sông Đà là doanh nghiệp có quy mô lớn với nhiều dự án, nhà máy, tài sản ở nhiều địa phương trong và ngoài nước, do vậy khối lượng công việc xác định giá trị doanh nghiệp lớn, cần lấy ý kiến của bộ ngành và địa phương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo