Hỗ trợ doanh nghiệp

Uber được "chắp thêm cánh" tại Việt Nam

Giữa lúc Grab phát triển rầm rộ và các điều kiện quản lý mới đang được trình Chính phủ thì Uber tranh thủ điều thêm "tướng" để ứng phó.

Theo công bố mới nhất của Uber, bà Charity Safford được bổ nhiệm làm Giám đốc Điều hành thị trường Việt Nam, Campuchia và Myanmar. Sau khi nhậm chức, bà sẽ chính thức làm việc tại TP.HCM, chịu trách nhiệm dẫn dắt và phát triển Uber tại ba quốc gia này. Động thái này được công ty tuyên bố là “tăng gấp đôi nỗ lực phát triển các thị trường tiềm năng”.

Bà Charity là một nhân sự cấp cao, chuyên về phát triển thị trường với hơn 20 năm kinh nghiệm lãnh đạo trong ngành viễn thông tại Đông Âu, châu Phi và châu Á. Như vậy, Giám đốc điều hành Uber Việt Nam - Tom White sẽ có thêm một lãnh đạo để cùng chèo lái Uber trong bối cảnh Grab đang phát triển rất mạnh mẽ và 2 năm thí điểm "Đề án ứng dụng công nghệ trên xe hợp đồng chở khách dưới 9" chỗ kết thúc.

Bà Charity Safford sẽ làm việc tại TP.HCM.

Trước đó ít ngày, đại diện Uber cũng nêu một số chính kiến sau khi Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Trong đó, đáng chú ý là việc công nhận hợp đồng điện tử nhưng kèm theo nhiều điều kiện "quản" Uber, Grab như taxi truyền thống. 

Không bình luận trực tiếp các điều kiện mới nhưng ông Brooks Entwistle - Tổng Giám đốc Kinh doanh, Uber châu Á - Thái Bình Dương cho rằng Chính phủ nên xem xét tác động của dịch vụ chia sẻ phương tiện đối với taxi truyền thống. Dù sự xuất hiện của công nghệ mới mang đến thách thức cho các doanh nghiệp lâu đời nhưng cũng mang lại lợi ích cho việc giải quyết nhu cầu di chuyển.

“Lập trường cho rằng taxi truyền thống và những công ty như Uber ở hai phe đối lập là không chính xác. Trước sự xuất hiện của Uber, chính phủ một số nước châu Á đã bãi bỏ nhiều quy định đối với ngành taxi. Điều đó đã mở ra cánh cửa hợp tác giữa Uber và taxi. Tại Đài Loan, Thái Lan và Singapore, chúng tôi đã thành công trong việc hợp tác với taxi truyền thống”, vị này nêu ví dụ.

Ông Brooks Entwistle cũng quyết bảo vệ chính sách giá linh động của hãng này trước nỗi lo những điều kiện mới mà Bộ Giao thông Vận tải đưa ra sẽ đi theo hướng quản lý, bình ổn giá. Theo ông, tất cả hành khách đều biết và được quyền cân nhắc giá cả trước khi chấp nhận chuyến đi. Nếu giá quá cao, họ có thể chờ đến khi nhu cầu giảm xuống hoặc chọn một hình thức di chuyển khác.

“Có thể hiểu được mong muốn bình ổn giá để bảo vệ người tiêu dùng của các nhà chức trách. Tuy nhiên, cho phép giá cả tăng và giảm theo nhu cầu là cách tốt nhất để đảm bảo hành khách luôn đến được nơi mình cần, bất kể họ đang ở đâu trong thành phố”, vị này nêu quan điểm.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mà Uber có mặt tại châu Á. Cho đến nay, dù đang vấp phải cạnh tranh rất mạnh từ Grab, sự gay gắt của taxi truyền thống và 'hồi hộp' chờ các quy định quản lý mới thì Uber vẫn còn đang khá thành công tại thị trường này.

 

Theo tiết lộ của ông Brooks Entwistle, hành khách ở Hà Nội và TP.HCM chỉ phải chờ trung bình 3,3 phút kể từ khi gửi yêu cầu chuyến đi. Đây là một trong những thời gian đợi ngắn nhất ở Đông Nam Á. Điều này cũng minh chứng cho sự hùng hậu và phổ biến của dịch vụ này ở Việt Nam.

Nên đọc
Theo VnExpress
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo