Hỗ trợ doanh nghiệp

Uber rút đi rồi, "đòi" thuế không dễ

Làm sao để xác định được đâu là đối tượng chịu trách nhiệm với khoản thuế của Uber và thu đòi thuế như thế nào sẽ tiếp tục là câu chuyện cần phải bàn kĩ lưỡng. Báo Hải quan đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức (ảnh), Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật TNHH Basico.

Uber sáp nhập với Grab, khoản nợ thuế gần 54 tỷ đổng “bỏ ngỏ” không bên nào nhận trách nhiệm. Theo ông, căn cứ pháp lý nào để có thể thu hồi được khoản nợ thuế này?

Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp Việt Nam, sáp nhập là trường hợp một công ty chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập. Theo đó, sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại; công ty nhận sáp nhập được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty kia. Như vậy, công ty nhận sáp nhập phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán của công ty bị sáp nhập, kể các các khoản nợ thuế.

Luật sư Trương Thanh Đức.

Luật Quản lý thuế hiện hành cũng quy định rõ doanh nghiệp bị sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi sáp nhập doanh nghiệp. Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Do đó, nếu Uber sáp nhập vào Grab tại Việt Nam mà Uber vẫn còn nợ thuế thì công ty nhận sáp nhập là Grab phải chịu trách nhiệm.

Tuy  nhiên, đây là những quy định theo pháp luật của Việt Nam, điều chỉnh đối với các công ty trong nước. Do đó, cũng cần xem xét việc sáp nhập cụ thể giữa Uber và Grab là như thế nào và các công ty sáp nhập ở đây là trong nước hay ngoài nước để thực hiện áp dụng các quy định pháp luật của Việt Nam.

Dù Uber nợ thuế đã nhiều tháng nay, cơ quan quản lý thuế cũng đã thực hiện biện pháp cưỡng chế từ nhắc nhở đến “mạnh tay” nhưng đến giờ vẫn chưa có kết quả. Theo ông, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do đâu?

Trong các khâu quản lý Uber hay Grab, nhiều vấn đề chúng ta đang còn lúng túng. Do Uber vào Việt Nam trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam còn chưa rõ ràng về loại hình dịch vụ vận tải này, nên mất khá nhiều thời gian để đưa ra kết luận về tính pháp lý của nó để giải quyết các vấn đề liên quan. Hiện nay cả Grab và Uber đều không có trụ sở chính ở Việt Nam, vì vậy trong quá trình điều tra chỉ những hoạt động kinh doanh nào có liên quan tới Việt Nam cơ quan quản lý mới có quyền yêu cầu phía họ hợp tác. Hơn nữa, Việt Nam đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam với nhiều nước, trong đó có Hà Lan. Điều này không chỉ khiến việc truy thu thuế gặp nhiều thách thức mà còn khiến ta khó giành quyền kiểm soát thuế, đánh thuế với các doanh nghiệp nước ngoài như Uber.

Theo tôi, phía Việt Nam nhiều khả năng sẽ “thua” trong cuộc chiến đòi nợ thuế Uber nếu áp dụng theo các quy định hiện hành. Khi Uber ngưng hoạt động và ở tận Hà Lan thì không thể ép được đơn vị này bỏ tiền ra nộp thuế.

 

Vậy cơ quan quản lý nên làm gì để không bị thất thu khoản nợ thuế không hề nhỏ này?

Về nguyên tắc khi giao dịch mua bán với Uber, Grab đã phải thỏa thuận tất cả yếu tố và khi chi trả cho Uber, Grab sẽ phải khấu trừ thuế.  Muốn đòi nợ thuế, cơ quan Thuế có thể xem xét và căn cứ vào thỏa thuận cụ thể về quyền và nghĩa vụ của Grab với Uber trong hợp đồng chuyển nhượng để có phương án xử lý khoản nợ thuế của Uber. Tất nhiên, phải yêu cầu Grab đưa ra những bằng chứng pháp lý đầy đủ, chính xác một các nhanh chóng nhất. Từ đó mới căn cứ vào các quy định pháp lý hiện tại để thực hiện các bước cưỡng chế phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

Nên đọc
Theo Báo Hải Quan
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo