Ứng dụng Blockchain trong chuỗi cung ứng của startup Việt
Nâng cao giá trị sản phẩm, minh bạch hóa nguồn gốc nông sản đang đóng một vai trò quyết định đối với vị thế của nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh những thay đổi về cơ cấu và chính sách, một trong những giải pháp cho vấn đề này đó là áp dụng các công nghệ 4.0 như Blockchain, Big Data hay IoT vào sản xuất nông nghiệp.
Phát biểu tại Diễn đàn Nông nghiệp mùa xuân 2018 tháng trước, TS. Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp nhận định: "Ứng dụng công nghệ 4.0, trong đó có Blockchain trong nông nghiệp, sẽ giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc trong việc minh bạch thông tin sản phẩm".
Một trong những đơn vị đang tận dụng lợi thế của công nghệ mới trong chuỗi cung ứng là Lina Network, tập đoàn chuyên phát triển ứng dụng Blockchain. Đồng sáng lập người Việt của công ty, ông Vũ Trường Ca cho biết Lina Network vừa ký kết hợp tác thành công với ba tập đoàn nông nghiệp lớn của Thái Lan là ChokChai, SAP Siam Food International, AIM Thai để để sử dụng ứng dụng do công ty phát triển, giúp minh bạch hóa nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.
Lina Supply Chain nằm trong một hệ sinh thái công nghệ Blockchain bao gồm nhiều nhà kinh doanh và người dùng, có tên gọi LinaNetwork, cho phép đảm bảo được việc theo dõi nguồn gốc, quá trình sản xuất một sản phẩm bất kỳ từ khi là nguyên liệu thô, đến thành phẩm, đóng gói và đến tay người tiêu dùng.
Ông Ca cho biết hiện nay tại Việt Nam có 3 đối tượng rất cần công nghệ này là các công ty về thực phẩm, các công ty về nông nghiệp và các công ty về dược phẩm.
"Khi ứng dụng công nghệ blockchain trong nông nghiệp, khách hàng ở bất cứ đâu cũng có thể truy suất được toàn bộ nguồn gốc của sản phẩm", ông nói. Điều này sẽ đáp ứng được nhu cầu quan tâm nhất của khách hàng về thông tin sản phẩm như minh bạch, bất biến, mọi lúc mọi nơi, chuẩn hóa và an toàn.
Trong chuỗi cung ứng thông thường sẽ luôn có những "điểm mù" (blind spot), ví dụ liệu người bán có gửi đủ đơn đặt hàng hay không, hay tàu chở hàng cập bến hay chưa. Công nghệ Blockchain có thể cho biết sản phẩm đó đang ở đâu và ở trạng thái nào, ai đang nắm quyền lưu giữ sản phẩm đó.
Đồng thời, công nghệ này cũng thể hiện khả năng tối ưu hóa bằng cách dự đoán được thời gian hàng hóa đến nơi. Tất cả các thông tin về sản phẩm sẽ được các bên liên quan trong chuỗi như người nông dân, đơn vị kiểm định, đại lý… cập nhật tức thời, hoàn toàn mình bạch để tất cả mọi người đều có thể tuy cập ở mọi thời điểm.
Việc trung thực trong vấn đề nhập liệu cũng là một điểm mạnh. Theo đó có hai phương pháp nhập liệu chính là bằng tay hoặc hoàn toàn từ động. Các dữ liệu nhập vào sẽ được quản lý và xác nhận minh bạch bằng các công nghệ như Big Data và AI (trí thông minh nhân tạo), vì vậy việc làm giả dữ liệu sẽ bị loại bỏ.
Ông Vũ Thành Tâm, Giám đốc Kỹ thuật của Lina Network cho biết: "Việc ứng dụng công nghệ Blockchain trong nông nghiệp sẽ giúp giảm hoặc loại bỏ gian lận, giảm chi phí vận chuyển và độ trễ với các hoạt động liên quan đến giấy tờ, tìm ra vấn đề nhanh hơn khi có sự cố. Thêm vào đó, nhà nước sẽ dễ dàng quản lý hơn, giúp cải thiện hình ảnh quốc gia, tạo ra một hệ sinh thái xoay quanh an toàn thực phẩm và quan trọng nhất là tăng sức khỏe của người tiêu dùng do được sử dụng sản phẩm sạch".
Việt Nam cũng đã sử dụng quản lý chuỗi cung ứng nhưng là trên nền tảng công nghệ truyền thống, tức là có thể chỉnh sửa và không minh bạch. Còn nền tảng Blockchain đảm bảo tính minh bạch, bất biến.
End of content
Không có tin nào tiếp theo