'Giữ nhịp' thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO
Doanh nghiệp đồng hành cùng Đà Lạt xây dựng thành phố sáng tạo âm nhạc / 130 năm Đà Lạt: Khởi nguồn thành phố sáng tạo
Ngày 31/10/2023, Đà Lạt trở thành thành phố đầu tiên và duy nhất của Việt Nam được UNESCO công nhận là “Thành phố sáng tạo âm nhạc”. Danh hiệu không chỉ là niềm tự hào, mà còn là đòn bẩy chiến lược để định hình một hướng phát triển mới cho Lâm Đồng: phát triển đô thị sáng tạo, kinh tế đêm và du lịch văn hóa chất lượng cao.
Đà Lạt là thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO đầu tiên và duy nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, từ ngày 1/7, TP Đà Lạt chính thức không còn là đơn vị hành chính độc lập mà được tổ chức lại thành 5 phường. Sự thay đổi này tạo ra một khoảng trống về pháp lý và cơ chế điều phối, đặt ra câu hỏi: ai sẽ tiếp tục duy trì cam kết với UNESCO, tham gia các hoạt động của mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu?
Danh hiệu thành phố sáng tạo âm nhạc không phải để lưu niệm, mà gắn với một chu kỳ hành động 4 năm, gồm: tổ chức các sáng kiến âm nhạc cấp địa phương và mang tầm quốc tế, báo cáo định kỳ, huy động nguồn lực xã hội… Nếu không có đầu mối rõ ràng, cam kết này dễ bị đứt gãy. Đây là lý do từng khiến một số thành phố trong mạng lưới bị UNESCO cảnh báo, thậm chí loại khỏi cuộc chơi.
Bước đầu, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tiếp nhận điều phối các nhiệm vụ thuộc về “Thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO”. Tuy nhiên, theo Sở VHTT&DL Lâm Đồng, khối lượng công việc nhiều, phạm vi phối hợp rộng, chuyên sâu, đã khiến sự tương tác với UNESCO và các thành viên mạng lưới thành phố sáng tạo không được thường xuyên, liên tục. Điều này có thể khiến cam kết với UNESCO bị đứt gãy, cơ hội phát triển bị bỏ lỡ.
Thành phố sáng tạo âm nhạc Đà Lạt vắng mặt trong cuộc họp thường niên của mạng lưới trong tháng 7/2025.
Do đó, việc thành lập ban điều phối Thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO là yêu cầu cấp thiết. Ban này không chỉ bảo đảm việc thực thi các nghĩa vụ với UNESCO mà còn là thiết chế trung gian, tạo không gian hợp tác giữa chính quyền – doanh nghiệp – cộng đồng sáng tạo. Các doanh nghiệp có thể cùng tham gia phát triển các sản phẩm du lịch âm nhạc, đầu tư hạ tầng cho không gian biểu diễn cộng đồng, thúc đẩy kinh tế đêm…
Theo ông Lê Anh Kiệt – nguyên Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin TP Đà Lạt, thành lập ban điều phối không chỉ là để giữ danh hiệu, mà là giữ một lời hứa với thế giới, với cộng đồng và với tương lai của vùng đất này. Đó cũng là một “bàn tròn mở” để doanh nghiệp du lịch, văn hóa – sáng tạo, F&B cùng ngồi lại, chia sẻ sáng kiến và kết nối thị trường quốc tế.
Cũng theo ông Lê Anh Kiệt, không chỉ với mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO, Đà Lạt cũng là thành viên của Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố toàn cầu (TPO) – mạng lưới hơn 130 thành phố và đối tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tư cách thành viên TPO mang đến cơ hội quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại, kết nối tour tuyến quốc tế. Nếu không có tư cách pháp nhân kế thừa, Lâm Đồng có thể đánh mất vị thế trong chuỗi liên kết khu vực.
Vì vậy, ban điều phối Thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO nên được giao chức năng mở rộng, không chỉ điều hành các cam kết với UNESCO mà còn tiếp nối tất cả mối quan hệ quốc tế từng mang thương hiệu Đà Lạt.
"Giữ nhịp" thành phố sáng tạo âm nhạc của UNESCO không chỉ là giữ danh hiệu, mà là giữ một lời hứa với quốc tế, với cộng đồng.
Trong đó, trưởng ban có thể giao cho lãnh đạo UBND phường Xuân Hương – Đà Lạt, nơi tập trung nhiều thiết chế văn hóa của TP Đà Lạt cũ. Lãnh đạo 4 phường còn lại làm phó ban, phụ trách các mảng như: giáo dục âm nhạc, di sản cồng chiêng, du lịch sinh thái gắn âm nhạc, không gian biểu diễn cộng đồng... Ban cũng cần mời sự tham gia của Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng, Cục Hợp tác Quốc tế (Bộ VHTT&DL), đại diện UNESCO Việt Nam, hiệp hội du lịch…
“Giữ nhịp” thành phố sáng tạo âm nhạc UNESCO không chỉ là giữ danh hiệu, mà còn là cơ hội để Lâm Đồng định hình một không gian phát triển mới, nơi văn hóa được thắp sáng bằng sự sáng tạo và mỗi bước đi đều có dấu chân của cộng đồng và doanh nghiệp đồng hành.
End of content
Không có tin nào tiếp theo