2 người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời NSND Trần Hạnh
NSND Việt Anh: 'Nhiều nghệ sĩ trẻ giỏi chém gió nhưng lười đọc sách!' / NSND Trung Anh nói gì về vai diễn thay thế cố nghệ sĩ Hoàng Dũng trong “Trở về giữa yêu thương”?
Lúc sinh thời, trong các câu chuyện của mình, NSND Trần Hạnh thường nhắc đến người vợ của ông. Ông với bà đến với nhau không bắt đầu từ tình yêu, mà là do gia đình sắp đặt. Ngày đó, khi mới hơn hơn 20 tuổi, chàng trai Hà Nội Trần Hạnh đang làm ở Lào Cai thì nhận được điện khẩn với nội dung: "Về ngay, mẹ ốm nặng!". Vội vàng khăn gói về nhà, tới nơi anh mới biết hóa ra đó là "chiêu" của gia đình, dụ anh về gấp để… cưới vợ. Bà nội của Trần Hạnh đã "chấm" cô hàng xóm chung ngõ ở phố Hàng Bạc và ép cháu trai phải khẩn trương đám cưới. Thế là 3 ngày sau, Trần Hạnh trở thành người có vợ.
Nghệ sĩ Trần Hạnh cũng không ngờ rằng, cuộc hôn nhân sắp đặt "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" của mình lại rất hạnh phúc. Hai vợ chồng ông có với nhau được 7 người con. Trong ký ức của ông, bà là một người rất chăm chỉ, chịu khó, luôn ủng hộ chồng theo nghiệp diễn. Ông làm nghề, lương không đủ nuôi gia đình nên bà là người chèo lái tất cả. Đến căn nhà của ông, cũng là do bà mua mà có… "Không có bà ấy, làm sao tôi có thể theo đuổi đam mê nghệ thuật", ông khẳng định.
Khi bà đổ bệnh, liệt nửa người vì tai biến mạnh máu não, ông là người chăm bà hàng ngày. Theo lời người con dâu của ông kể lại, ông thường dậy từ 5-6 giờ sáng, tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, quét tước nhà cửa, thu dọn chăn màn, vệ sinh cho bà. Suốt 9 năm trời ông chăm sóc bà cẩn thận, chu đáo như thế, cho đến khi bà qua đời…
NSND Trần Hạnh từng chia sẻ, hình ảnh đẹp nhất về vợ đọng lại trong ông là những chiều 30 Tết, khi bà mặc áo dài, có thời gian thảnh thơi đi chợ hoa sau cả năm vất vả. Ông nhớ bình hoa thật to bà cắm mỗi Tết, đủ các loại cúc, hồng, lay ơn, thược dược… Từ ngày bà mất, mồng một Tết nào ông cũng đi chùa, thắp hương tưởng nhớ bà… Ngày đi nhận danh hiệu NSND, điều ông nuối tiếc nhất là bà không còn được chứng kiến niềm vui của mình. Trước đây, mỗi khi có cuộc gì quan trọng của ông, bà luôn đi cùng dù nhiều khi trên tay còn bế cả con nhỏ…
Ấm lòng với người con dâu hiếu thảo"Nhà tôi phúc đức mới có được người con dâu như thế" - NSND Trần Hạnh thường nói về người con dâu tên Hồng của mình. Là con dâu duy nhất của vợ chồng NSND Trần Hạnh, chị Hồng đã cùng gia đình chồng vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn.
Đó là khi người con trai út của NSND Trần Hạnh, tức em chồng của chị, bị tai nạn nặng, chấn thương sọ não, trở nên ngớ ngẩn. Đó là khi mẹ chồng tai biến nằm liệt giường 9 năm. Chị là người hỗ trợ bố chồng chăm em, chăm mẹ trong suốt thời gian dài đó mà không một lời kêu ca, phàn nàn. Chị yêu thương, quý trọng NSND Trần Hạnh như ruột thịt và bày tỏ sự biết ơn khi mình có người bố chồng hiền lành, thương con thương cháu.
Những năm cuối đời, niềm vui tuổi già của NSND Trần Hạnh là hàng ngày trông hàng cho con dâu bán giày dép, mũ bảo hiểm ở một cửa hàng nhỏ gần Ga Hà Nội. Khi NSND Trần Hạnh sức yếu, chị Hồng là người lo cơm nước, thuốc thang cho ông. Cũng chính chị là người chạy ngược xuôi làm hồ sơ phong tặngdanh hiệu NSNDcho bố chồng mình.
Với NSND Trần Hạnh, chị Hồng như là con gái. Ông nói, chưa thấy người con dâu nào mà tốt, yêu thương bố chồng, gia đình chồng như chị Hồng. "Chỗ ăn chỗ ngủ đầy đủ, lo cho bố từng li từng tí, xem đêm hôm có ngủ được không, ngày ăn có ngon không. Nó không vô cảm như mọi người con dâu khác. Tôi thấy may mắn khi con cái ngoan ngoãn, sống có tình người", ông từng chia sẻ.
NSND Trần Hạnh sinh năm 1929 ở Hà Nội. Ông là một trong những nghệ sĩ gạo cội được khán giả yêu thương không chỉ bởi những vai diễn đầy cảm xúc mà còn bởi cuộc sống riêng đầy vất vả của ông cho đến tận những ngày cuối đời. Sinh ra trong một gia đình buôn bán nhỏ, cha mất sớm, tuổi thơ ông gắn bó với việc đánh giày thuê ở phố Tràng Tiền. Cũng từ đây, ông tham gia tập kịch cùng CLB Thanh niên Hà Nội và bước chân vào con đường nghệ thuật…
Cũng vì gánh nặng cơm áo, ông không tiếp tục theo học khóa đào tạo diễn viên đầu tiên của trường Sân khấu mà gia nhập Đoàn Kịch Hà Nội để có thu nhập. Những năm 1970-1980 là thời kỳ hoàng kim của Trần Hạnh với những vai diễn trong các vở Lam Sơn tụ nghĩa, Tiền tuyến gọi, Âm mưu và tình yêu… Ông đã giành 3 HCB tại các Liên hoan Sân khấu toàn quốc.
Năm 1989, ông về hưu. Nhưng cũng từ đây ông được biết đến nhiều qua phim ảnh, trong đó phần lớn là vai các ông già nông thôn khắc khổ, hiền lành. Có thể kể đến các phim Chiếc bình tiền kiếp, Tướng về hưu, Hãy tha thứ cho em, Cỏ lau, Người đàn bà thứ hai, Làng nổi, Cuốn sổ ghi đời, Ngõ lỗ thủng…
Là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được phong tặng danh hiệu NSƯT từ 1994, nhưng phải đến năm 2019, nghệ sĩ Trần Hạnh mới được phong danh hiệu NSND.
NSND Trần Hạnh qua đời vào ngày 4/3. Lễ tang của ông sẽ diễn ra vào hồi 9h30 ngày 6/3/2021 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu và đưa tang được tổ chức vào 10h45 cùng ngày. Linh cữu nghệ sĩ được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn vũ Văn Điển.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đàm Vĩnh Hưng đối diện với cáo buộc trốn thuế, tống tiền? Có hành động phản công giữa loạt ồn ào?
"Dalat Spring Concert" đánh dấu sự chuyển mình của thành phố Đà Lạt
Hoàng Yến Chibi biến hình bất ngờ trên sân khấu
Lộ khoảnh khắc Vũ Khắc Tiệp sánh đôi cùng gái lạ sau khi ‘chia tay’ Ngọc Trinh
Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng với ‘Đêm lao xao’ mang đậm dấu ấn mùa đông