Âm nhạc tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19: Món ăn tinh thần ý nghĩa
Top 10 phim tình cảm Hàn Quốc buồn và hay nhất / Tình cũ Lương Bằng Quang khoe vóc dáng nóng bỏng
Những thanh âm đa sắc
Tại chương trình “Cháy lên” nằm trong chuỗi chương trình nghệ thuật trực tuyến, với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo tổ chức vào tối 1-8, Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Đỗ An đã thể hiện sáng tác mới của mình với tựa đề “Chiến binh nhỏ”, để lại ấn tượng với khán giả.
“Hình ảnh các cháu bé mặc đồ bảo hộ chống dịch ngoan ngoãn, kiên cường trong khu cách ly tập trung gây xúc động mạnh đối với tôi”, nhạc sĩ Đỗ An chia sẻ. Ca từ nồng ấm, giai điệu đẹp đẽ, nhẹ nhàng của ca khúc vừa là sự cảm thông, chia sẻ, vừa là sự ngợi khen, cổ vũ những người đang đương đầu với dịch bệnh.
Gần đây, nhiều nhạc sĩ đã cho ra mắt những sáng tác mới tâm huyết, thể hiện sự tri ân các lực lượng trên tuyến đầu, đồng thời cổ vũ tinh thần người dân và tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch. Có thể kể đến nhạc sĩ Xuân Trí với các ca khúc “Việt Nam chống dịch vang danh” (lời Phạm Thuyên), “Toàn dân đoàn kết chống dịch”, “Việt Nam rạng rỡ hoan ca”, “Tự hào Việt Nam”. Nhạc sĩ Xuân Bình có ca khúc “Sức mạnh Việt Nam”, lấy cảm hứng từ hình ảnh đẹp của người Việt trong dịch bệnh, với sự tham gia của 50 nghệ sĩ nổi tiếng, đã tạo làn sóng trong đời sống âm nhạc. Từ bài thơ của tác giả Vũ Văn Ngọc, nhạc sĩ Kiên Ninh sáng tác ca khúc “Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay”, ca ngợi sự hy sinh thầm lặng của những “chiến sĩ áo trắng”…
Có hiệu ứng tích cực và được chia sẻ mạnh mẽ nhất là những ca khúc nhạc trẻ về đề tài này. Nếu như năm 2020, ca khúc “Ghen Cô Vy” gây sốt trong cộng đồng, thì năm nay, “Vũ điệu 5K” do nhạc sĩ Bùi Công Nam sáng tác, các ca sĩ trẻ được yêu mến thể hiện, cũng tạo sức hút không kém. Với lời bài hát vui tươi, gần gũi, sau 2 tháng ra mắt, “Vũ điệu 5K” đã đạt mốc ấn tượng, với gần 7 triệu người được tiếp cận trực tiếp qua loa truyền thanh; hơn 60 triệu người được tiếp cận trên các kênh truyền hình, mạng xã hội phổ biến; hơn 1 triệu người thực hiện lại ca khúc và vũ điệu của tác phẩm này; gần 3 triệu lượt xem, chia sẻ video. Bên cạnh đó, có một số ca khúc đang được giới trẻ yêu thích, như: “Mong sao hết dịch” (Nguyễn Văn Chung), “Cố lên, cố lên” (Dương Khắc Linh)…
Cùng với âm nhạc đương đại, các nghệ sĩ âm nhạc truyền thống cũng liên tục có những tác phẩm soạn lời hiệu quả, góp thêm thanh âm đa sắc về chủ đề này, như bài cải lương “Thành phố nghĩa tình căng mình chặn dịch”, hát chèo “Covid sẽ tan, bình an Hà Nội” (soạn lời Lê Thế Song); hát xẩm “Tiêu diệt corona” (soạn lời Nguyễn Quang Long)...
Được thưởng thức nhiều ca khúc về chủ đề này, chị Nguyễn Hải Yến (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Các bài hát mang tính cổ vũ, tuyên truyền, nhưng được thể hiện rất sinh động, gần gũi, tạo cảm xúc hào hứng cho người nghe”.
Lan tỏa, góp sức chống dịch
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chứng kiến các lực lượng căng mình nơi tuyến đầu, không chỉ bằng trách nhiệm của văn nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa, chính hiện thực sống động đã thôi thúc nhạc sĩ sáng tác. Nhạc sĩ Xuân Trí chia sẻ luôn mong muốn sáng tác ca khúc về các vấn đề thời sự, xã hội, gửi gắm những giá trị văn hóa cũng như tinh thần đoàn kết dân tộc. Còn Nghệ sĩ nhân dân Quốc Hưng - người thể hiện ca khúc “Anh sẽ về nhưng không phải hôm nay”, bày tỏ xúc động khi những sáng tác ý nghĩa được lan tỏa, bởi âm nhạc là nguồn động viên mạnh mẽ đối với những người đang cống hiến, hy sinh vì sức khỏe của cộng đồng.
Là người sáng tác ca khúc “Chiều nay nếu anh không về”, ca ngợi, cổ vũ tinh thần những “chiến sĩ áo trắng”, nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội nhìn nhận, với thế mạnh ca từ và giai điệu dễ đi vào lòng người, âm nhạc có khả năng mang đến cộng đồng những thông điệp, nội dung tuyên truyền một cách thuận lợi. Thời gian qua, việc sáng tác và lan tỏa các tác phẩm âm nhạc về đề tài phòng, chống dịch rất hiệu quả, đặc biệt thông qua cách lồng ghép nhiều thể loại, từ truyền thống đến đương đại, như rap, jazz, nhạc điện tử... phù hợp các đối tượng khán giả.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng cho rằng, các nhạc sĩ, nghệ sĩ cả nước đã và đang tích cực chia sẻ với người dân nơi tâm dịch, động viên các lực lượng trên tuyến đầu. Sau thành công vào năm 2020 với tuyển tập ca khúc “Niềm tin”, góp phần tuyên truyền phòng, chống dịch, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tiếp tục động viên, kêu gọi các nhạc sĩ, nghệ sĩ sáng tác và gửi tác phẩm mới về đề tài này để tuyển chọn, dàn dựng đưa đến công chúng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Bộ đã chỉ đạo tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật trực tuyến với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”. Chương trình dành một phần giới thiệu, quảng bá các sáng tác mới thấm đẫm tính nhân văn về đề tài phòng, chống dịch ở nhiều chất liệu, thể loại, nhằm tạo nên cảm xúc đẹp, truyền tải những thông điệp sâu sắc đến cộng đồng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo