Văn hóa

Ba phim về gia đình không huyết thống 'lấy nước mắt' của người xem

Trước 'Lấy danh nghĩa người nhà' của Trung Quốc, màn ảnh châu Á từng có hai câu chuyện xúc động về gia đình không máu mủ: 'Trái tim mùa thu' của Hàn và 'Like Father, Like Son' của Nhật.

Lee Min Ho bị soi ra bằng chứng 'phim giả tình thật' với nàng thơ xứ Hàn / Lưu Hiểu Khánh ngã khi quay phim

Ba tác phẩm của ba quốc gia đặt các nhân vật vào một tình huống đặc biệt riêng. Trong đó với Trái tim mùa thu Like Father, Like Son, các gia đình nhận nhầm con cái vì sự cố, dẫn tới những bối rối, chia ly và hàn gắn sau này. Còn ở trường hợp của Lấy danh nghĩa người nhà, các ông bố và những đứa con tình nguyện hợp thành một gia đình dù không máu mủ ruột già, nhưng sau này cũng không tránh khỏi những phút ly biệt.

'Trái tim mùa thu' (năm 2000)

Mở màn trào lưu phim bốn mùa của truyền hình Hallyu, Trái tim mùa thu thuộc hàng phim kinh điển của Hàn Quốc, đưa bộ ba Song Hye Kyo, Song Seung Hun và Won Bin vụt sáng thành sao.

Won Bin, Song Hye Kyo và Song Seung Hun (từ trái qua) quay Trái tim mùa thu 20 năm trước.

Won Bin, Song Hye Kyo và Song Seung Hun (từ trái qua) quay Trái tim mùa thu 20 năm trước.

Phim kể về tình huống trớ trêu của Eun Suh và Shin Ae. Hai cô bé sinh ra cùng ngày cùng tháng cùng năm, tại cùng một bệnh viện và bị hoán đổi thân phận khi mã số trẻ sơ sinh bị nhầm lẫn. Bí mật này được phát hiện khi Eun Suh và Shin Ae học cấp 2. Trở về với người mẹ ruột, Eun Suh đau khổ vì phải chia ly với bố mẹ nuôi và anh trai Joon Suh mà cô yêu thương. Nhiều năm sau, họ tình cờ gặp lại nhau. Lúc này, Eun Suh (Song Hye Kyo đóng) là nhân viên tại khách sạn do Shin Ae (Han Chae Young đóng) quản lý. Không còn là tình anh em như lúc nhỏ, Eun Suh và Joon Suh (Song Seung Hun đóng) tìm thấy tình yêu dành cho nhau. Chuyện tình gặp nhiều sóng gió bởi danh nghĩa anh trai - em gái và vì cả hai đều đã có người yêu.

Trang China News đánh giá, Trái tim mùa thu "đánh cắp" trái tim khán giả bởi bốn bí quyết: mối tình thanh mai trúc mã, tình yêu lãng mạn nhưng bi kịch và bất luân, cảnh sắc tuyệt đẹp và âm nhạc u buồn, dàn diễn viên tài sắc vẹn toàn. Cũng từ bộ phim này, bệnh ung thư, tai nạn xe hơi, tình yêu sinh ly tử biệt trở thành những yếu tố quốc dân trong phim Hàn.

Chuyện tình trong phim éo le bởi hai người mang danh nghĩa anh em, lại đã có người yêu và sau này thêm u buồn vì Eun Suh mắc bệnh máu trắng.

Chuyện tình trong phim éo le bởi hai người mang danh nghĩa anh em, lại đã có người yêu và sau này thêm u buồn vì Eun Suh mắc bệnh máu trắng.

Ngay từ thuở niên thiếu, hai nhân vật chính Joon Suh và Eun Suh đã dành cho nhau một thứ tình cảm đặc biệt khó gọi tên, vượt quá tình anh em đơn thuần. Những khoảnh khắc lãng mạn khi ấy đã dự báo cho mối quan hệ đặc biệt của họ sau này. Mặc dù thuộc thể loại tình cảm, bộ phim vẫn dành cho gia đình những khoảng thời lượng nhất định. Sau cú sốc nhầm con, bố mẹ Joon Suh rời Hàn Quốc để né tránh nỗi đau. Nhiều năm sau gặp lại, họ vẫn nghẹn ngào xúc động khi tái ngộ Eun Suh. Trong khi mẹ ruột của Eun Suh thì luôn tự trách mình vì nghèo quá mà làm khổ con gái.

Ra mắt từ năm 2000, Trái tim mùa thu vẫn hay được chiếu lại vào các năm sau này. Những bản nhạc tình buồn da diết trong không gian nhuốm sắc vàng lãng đãng của mùa thu trong phim là một ký ức tuyệt đẹp của fan phim Hàn.

 

'Like Father, Like Son' (2013)

Like Father, Like Son (Cha nào con nấy) của điện ảnh Nhật Bản từng thắng Giải thưởng BGK và nhận đề cử Cành Cọ Vàng tại LHP Cannes 2013, đồng thời nhận nhiều đề cử, giải thưởng khác trên khắp thế giới. Gần đây, Hollywood xác nhận sẽ làm lại phim này phiên bản tiếng Anh.

Bộ phim đặt ra tình huống khá giống với Trái tim mùa thu của Hàn Quốc, đó là hai gia đình bị trao nhầm con ở bệnh viện. Trong lần khám sức khỏe để chuẩn bị phỏng vấn xin học cho con, vợ chồng Ryota và Midori sốc khi biết con trai sáu tuổi mà họ yêu thương, nuôi dưỡng bấy lâu không cùng huyết thống với họ. Trải qua tìm hiểu và điều tra, họ phát hiện vợ chồng họ và một cặp vợ chồng bán tạp hóa vô tình bị tráo đổi con ở bệnh viện khi hai đứa trẻ mới chào đời. Hai gia đình lập tức thỏa thuận để đưa những đứa con về đúng vị trí của mình, nhưng chuyện này không dễ dàng như họ tưởng.

Hai gia đình trong Like Father, Like Son.

Hai gia đình trong Like Father, Like Son.

Nhiều phim tranh giải Cannes hoặc các sự kiện điện ảnh quốc tế hay bị gắn mác định kiến là phim nghệ thuật khó xem, khó hiểu và không dành cho số đông nhưng Like Father, Like Son chứng minh điều ngược lại. Phim đề cập một sự cố đau lòng nhưng hoàn toàn có thể xảy ra và sự thật là từng có nhiều chuyện thật ở ngoài đời. Nhiều tình huống, nỗi đau trong phim đều gần gũi đời thường, không bi lụy nhưng đủ khiến người xem bị lay động và tìm thấy đồng cảm.

 

Không chỉ người lớn đau buồn, trong câu chuyện nhầm con của Like Father, Like Son, những đứa trẻ chỉ mới sáu tuổi cũng có suy nghĩ, tâm tư riêng. Tựa phim vốn là một câu nói quen thuộc trong nhiều nền văn hóa, ám chỉ những đứa con luôn mang sự di truyền, tương đồng nhất định với đấng sinh thành của mình, dù ngoại hình hay tính cách, thói quen. Nhưng ở tác phẩm này, đạo diễn Koreeda khắc họa sự "di truyền" kỳ diệu của hai cặp cha con không cùng huyết thống - những sự ảnh hưởng được tạo ra qua thời gian gắn bó. Phim khép lại với cái kết nhân văn và tử tế, để những đứa trẻ đủ đầy tình thân mà không phải xung đột với môi trường sống quen thuộc.

'Lấy danh nghĩa người nhà' (2020)

Đây hiện là series ăn khách nhất của truyền hình Trung Quốc. Phim kể về tuổi thơ, thời niên thiếu và tuổi trưởng thành của Lăng Tiêu, Tử Thu và Tiêm Tiêm - ba anh em không cùng huyết thống nhưng lớn lên bên nhau. Lúc nhỏ, Lăng Tiêu và Tiêm Tiêm là hàng xóm. Tử Thu được mẹ gửi ở nhà Tiêm Tiêm. Để bù đắp sự thiếu vắng tình mẹ của ba đứa trẻ, bố của Tiêm Tiêm và bố của Lăng Tiêu nhận cả ba là con, hợp thành gia đình "chắp vá" của hai ông bố và ba đứa con. Tháng ngày êm đềm qua đi, gia đình năm người phải ly biệt khi Lăng Tiêu sang Singapore chăm sóc người mẹ ruột bị liệt nửa người, còn Tử Thu sang Anh sống với bố đẻ. Chín năm sau gặp lại, giữa ba anh em như có khoảng cách vô hình khiến họ chẳng còn vô tư đùa giỡn như xưa.

Gia đình không cùng huyết thống trong <em>Lấy danh nghĩa người nhà. </em>

Gia đình không cùng huyết thống trong Lấy danh nghĩa người nhà.

Lấy danh nghĩa người nhà đưa ra một khái niệm mới về tình thân, tôn vinh tinh thần "công sinh không bằng công dưỡng" và đưa ra một góc nhìn đối lập với quan niệm truyền thống "một giọt máu đào hơn ao nước lã". Phim mang đến cảm giác gần gũi bởi những câu chuyện đời thường về trưởng thành, đoàn tụ và ly biệt; về tình cảm giữa cha và con, giữa anh chị em một nhà. Nhiều trò nghịch ngợm của ba anh em Tiêm Tiêm làm khán giả bật cười. Sự hy sinh của hai ông bố dành cho các con, những khoảnh khắc chia xa đẫm nước mắt và cả sự gượng gão lúc trùng phùng làm người xem xúc động. Còn những người bố, người mẹ rũ bỏ con, dằn vặt con mình lại gây phẫn nộ.

 

Tác phẩm này của Trung Quốc tương đồng với Trái tim mùa thu của Hàn Quốc ở câu chuyện tình yêu được phát triển từ tình anh em. Lúc nhỏ, Tiêm Tiêm bộc lộ rõ sự yêu quý đặc biệt dành cho anh hàng xóm Lăng Tiêu. Còn sau này lớn lên, Lăng Tiêu có nhiều lời nói, cử chỉ quan tâm Tiêm Tiêm hơn mức em gái. Tử Thu cũng chăm lo cho Tiêm Tiêm một cách vô thức mà không nhận ra rằng tình cảm của mình đã trở thành tình yêu. Sau chín năm cách biệt, hai người anh trở về và cùng theo đuổi cô em gái trên danh nghĩa.

Cũng sẽ có những bối rối, những tổn thương, nhưng Lấy danh nghĩa người nhà mang màu sắc tươi sáng, tích cực, không sa vào bi kịch như mô tuýp những năm 2000 của Trái tim mùa thu. Lấy danh nghĩa người nhà phát sóng mỗi tối. Tại Việt Nam, phim được chiếu song song với Trung Quốc qua nền tàng phim trực tuyến FPT Play và kênh truyền hình FPT.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm