Văn hóa

Bên dòng sông Chu mùa xuân

DNVN - Dòng sông Chu mùa xuân điềm tĩnh, an nhiên, lặng lẽ chảy, như là chứng nhân trước bao thăng trầm, đổi thay của vùng đất mà nó đã, đang nuôi dưỡng từ bao đời…

Thanh Hóa: Đê sông Chu bị rạn nứt, dân “mất ăn mất ngủ” / Lặn xuống sông Chu tìm ngôi mộ cổ khổng lồ nghi của vợ vua Lê Lợi

Nằm bên bờ sông Chu, làng Hồng Đô, thuộc xã Thiệu Đô, nay là thị trấn Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa) từ lâu đã nổi tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu (từ thế kỷ XV). Nghề này đã gắn bó với người dân từ bao đời với những sản phẩm tơ tằm nổi tiếng khắp vùng.

Trước kia, hai bên tả/hữu ngạn sông Chu (bên này bờ là các xã Thiệu Đô, Thiệu Châu, Thiệu Tân, Thiệu Phúc; bên kia bờ là các xã Thiệu Hưng, Thiệu Nguyên, Thiệu Duy) đều là những bãi dâu xanh ngắt trải dài. Ven hai bờ, không nhà nào là không nuôi tằm. Nhà nào nhiều thì vài chục, thậm chí cả trăm nong tằm, ít thì cũng vài nong.

Dòng sông Chu ưu ái cho con người nơi đây nhiều sản vật.

Xen lẫn những bãi dâu là những luống rau cải xanh non mơn mởn. Rau cải trồng ven sông Chu, đặc biệt là cải cây dùng để muối dưa, ngon không kém rau cải trồng ở bờ bãi dốc Lê của huyện Yên Định (thường gọi là dưa Lê). Cái thứ dưa cải mà khi muối lên sẽ ánh màu vàng óng, vị vừa chua vừa ngọt mà không gắt, ngay cả khi dưa đã chua quá độ, đem kho với cá vẫn không kém đi phần ngon chút nào.

Dòng sông Chu ưu ái cho con người nơi đây nhiều sản vật. Cây dâu tằm cũng nằm trong số đó.

Ngày xưa khi nhỏ, mỗi khi nghỉ hè, bố mẹ lại cho tôi về quê ngoại chơi suốt mấy tháng hè. Từng khúc sông, bãi bồi, mùi ngai ngái của lá dâu, tiếng rột roạt chậm rãi đều đều của tằm ăn lá, những vạt tơ vàng óng vắt ngang trên các thanh tre phơi ngoài sân dưới cái nắng vàng nhẹ buổi sáng mai là những hình ảnh tôi không thể nào quên.

Những ngày vào vụ, ở làng Hồng Đô, đâu đâu cũng nghe tiếng lách cách của con thoi, tiếng máy quay tơ êm êm, nhè nhẹ. Cả một vùng đồng ruộng bát ngát nương dâu và những bó tơ vàng, trắng óng ánh giăng đầy sân phơi.

Khi nhắc đến thời kỳ vàng son của làng nghề tơ tằm Hồng Đô, người ta không thể không nhắc đến giai đoạn từ năm 1995 đến 2000. Đây là thời kỳ “hồi sinh” mạnh mẽ của nghề tơ tằm tại đây khi mà khoảng 400 hộ dân tham gia trồng dâu, nuôi tằm, tạo dựng một cơ sở sản xuất tơ sợi phong phú, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Nhưng đó đã là quá vãng. Bờ bãi sông Chu, cũng chung số phận như nhiều dòng sông khác, đang bị sạt lở, hao hụt dần bởi nạn khai thác cát vô tội vạ. Thêm nữa, nghề trồng dâu nuôi tằm quá vất vả, tốn nhiều công sức trong khi thu nhập lại không tương xứng nên nhiều nhà đã bỏ nghề, nhiều bãi dâu bị phá bỏ để thay thế bằng các loại cây trồng khác. Và nữa, nghề này cũng đối mặt với thiếu nhân công đồ giới trẻ ở các làng ven sông không mặn mà với nghề mà lựa chọn ly hương hoặc nghề khác.

Dòng sông Chu chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay của vùng đất.

Tằm vốn là giống “khó chiều”, đòi hỏi người nuôi phải tỉ mỉ, kiên nhẫn và yêu nghề thì mới có thể trụ lại được.

Những nong tằm đang dần thưa vắng. Dù ngày nay diện tích trồng dâu tằm tại thị trấn Thiệu Hóa vẫn còn vài hécta, nghề tơ tằm Hồng Đô tuy vẫn giữ vững được nét riêng biệt, song không rõ còn cầm cự được bao lâu trước những thay đổi của thời gian.

Tư duy nhiệm kỳ cùng với phân lô bán nền đang làm đảo lộn tất cả. Những bờ bãi dần biến mất. Những ngôi nhà với kiểu kiến trúc mái Nhật, mái Thái đang dần thay thế cho những nếp nhà truyền thống người Việt cũ. Đô thị hoá, như con tằm, đang gặm nhấm dần dần những gì còn sót lại của văn hóa làng xã Việt. Người dân quê, theo đó cũng sống gấp, sống nhanh hơn.

Duy chỉ có dòng sông là vẫn điềm tĩnh, an nhiên, lặng lẽ chảy, như là chứng nhân trước bao thăng trầm, đổi thay của vùng đất mà nó đã, đang nuôi dưỡng từ bao đời…


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Có thể bạn quan tâm