Cần rà soát lại những nghệ sĩ thực sự khó khăn để hỗ trợ
Kim Kardashian sở hữu Lamborghini Urus độ Mansory giá 600.000 USD / Hứa Minh Đạt: "Đàn ông để phụ nữ trả tiền là người đàn ông thất bại"
Bất cập khi nghệ sĩ thu nhập cao được tiền hỗ trợ
Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa ban hành quyết định bổ sung kinh phí năm 2021 cho các đơn vị trực thuộc sở để thực hiện hỗ trợ đối với viên chức hoạt động nghệ thuật bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Đây là đợt hỗ trợ nằm trong gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ.
99 viên chức của 6 nhà hát trực thuộc Sở này, gồm Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Nhà hát Kịch Hà Nội, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội và Nhà hát Múa rối Thăng Long được hỗ trợ mỗi người 3.710.000 đồng.
Đáng chú ý, danh sách nhận trợ cấp lần này có nhiều tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng trên truyền hình, trong đó có cả những doanh nhân giàu có như: Hồng Đăng, Ngọc Quỳnh, Thanh Hương (Nhà hát Kịch Hà Nội), và một số gương mặt quen thuộc khác.
Nhiều ý kiến trái chiều nổ ra xung quanh sự việc này. Trong đó, không ít ý kiến chỉ trích, cho rằng nhiều nghệ sĩ được nhận hỗ trợ khó khăn nhưng cuộc sống ở mức khá giả, thậm chí ở mức cao hơn nhiều so với mặt bằng chung của giới nghệ sĩ cũng như những người khó khăn đang cần sự trợ giúp trong xã hội.
Hồng Đăng chia sẻ, anh sẵn sàng tặng lại "suất hỗ trợ" của mình cho những đồng nghiệp khó khăn hơn.
Nhưng các nghệ sĩ nằm trong danh sách nhận trợ cấp lần này khi được hỏi đều có chung chia sẻ là họ rất bất ngờ khi nhận được tiền. Cả Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh đều biết tin khi đọc báo. Theo các nghệ sĩ, gói hỗ trợ kịp thời và nhân văn, nhưng họ thừa nhận, nhiều đồng nghiệp khác khó khăn hơn thì lại không được hỗ trợ. Dù được hưởng hỗ trợ theo đúng chính sách, nhưng cả Hồng Đăng, Thanh Hương, Ngọc Quỳnh đều có chung mong muốn tìm cách tặng lại "suất hỗ trợ" của mình cho những đồng nghiệp khó khăn hơn.
Trên trang cá nhân, diễn viên Hồng Đăng chia sẻ: “Trong thời điểm này, chúng ta càng trân trọng những tình cảm yêu thương, sự chia sẻ mà mọi người dành cho nhau. Các hình thức hỗ trợ, giúp đỡ... dù bằng cách này hay cách khác đều thực sự đáng quý, là ước muốn cho những ai đang khó khăn bớt đi sự vất vả.
Trong lúc khó khăn của dịch bệnh, một điều vô cùng quan trọng là chúng ta hãy giữ sự lạc quan, dành cho nhau sự yêu thương và luôn đặt niềm tin vào ngày mai bình yên, giống như tên một bộ phim mà các đồng nghiệp của Đăng đang thực hiện. Mỗi người sẽ tùy theo hoàn cảnh, khả năng của mình để lựa chọn những hành động ý nghĩa, cùng nhau lan tỏa những giá trị tích cực”, anh viết.
“Nếu như cuộc sống có những gì chưa đúng, chưa hoàn thiện, hãy nghĩ đó chỉ là điều không may xảy ra và bản thân mình tự điều chỉnh, khắc phục cho mọi thứ tốt hơn. Cuộc sống sẽ luôn tốt đẹp hơn khi mỗi chúng ta thay đổi và góp sức hành động, đơn giản nhất là bằng một suy nghĩ tích cực dành cho nhau”, nam diễn viên bày tỏ.
Cần có một cuộc rà soát lại để hỗ trợ cho những người thực sự cần thiết
NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ: "Thực ra sau khi có đề nghị về hỗ trợ những người khó khăn trong ngành nghệ thuật, chúng tôi cũng đã nghe những ý kiến rằng: Nghệ sĩ thì khá giả, đâu phải khó khăn mà hỗ trợ. Tuy nhiên, có những ngành nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo hay đặc thù như xiếc, thì nghệ sĩ thực sự khó khăn.
Nhất là khi dịch COVID-19 khiến các Nhà hát phải đóng cửa, không có biểu diễn, không có thu nhập. Trong khi nghệ sĩ dựa nhiều vào thù lao bồi dưỡng biểu diễn, lương cơ bản thì rất thấp. Đó là lý do Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức rất nhiều buổi biểu diễn để tăng thu nhập. Giờ khó khăn, chỉ có thể cầm cự được với số tiền ít ỏi trang trải cuộc sống thì họ rất dễ bỏ nghề, xoay xở làm những việc khác để có thêm thu nhập".
Nhiều diễn viên xiếc lâm vào khó khăn vì dịch bệnh COVID-19.
Bên cạnh đó, theo NSND Tống Toàn Thắng, các cơ sở đào tạo xiếc chủ yếu là đào tạo Trung cấp. Có những người làm nghề 7-8 năm, vất vả khó khăn nhưng không được vào biên chế, cũng không được chuyển ngạch lương do chỉ tốt nghiệp Trung cấp. Họ không phù hợp với tiêu chí của Bộ nên không được hỗ trợ. Chưa kể những diễn viên trẻ mới ra trường, người làm phần hậu đài, phục trang... cũng không được hỗ trợ lần này.
“Chúng tôi cũng kêu gọi anh em san sẻ lẫn nhau, lá lành đùm lá rách, công đoàn mua gạo, nhu yếu phẩm giúp đỡ. Gói hỗ trợ của Nhà nước dù không nhiều nhưng cũng đáng quý trong giai đoạn này.
Có ý kiến nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thậm chí giàu có nhưng vẫn nhận được hỗ trợ. Theo tôi khi đưa ra tiêu chí diễn viên bậc IV cũng đã phải tính toán kỹ, chỉ xét trên mức thu nhập ở đơn vị Nhà nước. Còn họ có thu nhập thêm bên ngoài ít hay nhiều thế nào khác cũng không thống kê được”, NSND Tống Toàn Thắng nêu ý kiến.
NSND Quốc Anh, Quyền Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội cho biết: "Sau khi có thông báo, Nhà hát lập danh sách theo đúng quy định, căn cứ vào tiêu chí nghệ sĩ, diễn viên thuộc đối tượng viên chức hạng IV. Tuy nhiên, tiêu chí này khá bất cập vì có nhiều diễn viên hạng IV công tác lâu năm, lương bằng với diễn viên hạng III, thu nhập cao hơn nhưng lại được hỗ trợ.
Thực tế, số lượng nhân viên của một Nhà hát rất đông, ở nhiều vị trí khác nhau, không chỉ có diễn viên mà còn có nhạc công, nhân viên kỹ thuật, hậu đài, phục trang, ánh sáng, tạp vụ... Họ cũng là những người gặp khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát khiến Nhà hát phải dừng hoạt động. Không biểu diễn, không bồi dưỡng, đồng lương hạn hẹp không đủ chi tiêu nhưng họ lại không nằm trong tiêu chí được hỗ trợ.
NSND Quốc Anh nghĩ rằng, cần phải có sự rà soát lại. Nhà hát Chèo Hà Nội sẽ đề nghị lên Sở VH-TT Hà Nội để xin ý kiến chỉ đạo, thực hiện đợt hỗ trợ tiếp theo cho những trường hợp thực sự khó khăn.
NSƯT Tấn Minh.
Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long có 11 nghệ sĩ được nhận hỗ trợ lần này. Theo NSƯT Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, số tiền không quá lớn nhưng là nguồn động viên tinh thần, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới anh em nghệ sĩ.
Tuy nhiên, cũng giống như ý kiến của NSND Quốc Anh, NSƯT Tấn Minh cũng đồng ý rằng việc chỉ hỗ trợ diễn viên hạng IV là khá bất cập.
"Nhiều nghệ sĩ có thu nhập tốt, thậm chí không có nhu cầu nhận hỗ trợ nhưng lại đủ tiêu chuẩn. Trong khi những người thực sự khó khăn, đặc biệt là những người làm bảo tồn âm nhạc, nhạc công, diễn viên nhạc truyền thống, bộ phận hậu đài kỹ thuật... lại không nằm trong danh mục diễn viên. Nếu Bộ VHTT&DL khi đề xuất chính sách tham khảo ý kiến của các Nhà hát, để chính các Nhà hát đưa danh sách lên thì sẽ không xảy ra bất cập như hiện nay.
Tôi cho rằng, ngay lập tức Bộ VHTT&DL cần có một cuộc rà soát lại và hỗ trợ cho những người thực sự cần thiết. Bộ có thể để các Nhà hát tự đề xuất (bản thân các Nhà hát sẽ phải chọn lọc, công khai danh sách và được sự đồng thuận của cả Nhà hát, đảm bảo sự minh bạch), hoặc Bộ VHTT&DL hỗ trợ theo mức lương chính được nhận hàng tháng chứ không chỉ theo ngạch diễn viên. Có những người lương rất thấp, không có trợ cấp, rất khó khăn để chi tiêu trong thời gian dịch các Nhà hát phải đóng cửa này. Họ mới là những người thực sự cần hỗ trợ", NSƯT Tấn Minh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo