Văn hóa

Đào, Phở, Piano tăng suất chiếu gấp đôi sau dịp cuối tuần cháy vé

Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhu cầu giải trí của người dân tăng cao, các rạp chiếu phim luôn kín khán giả, kể cả các suất chiếu buổi trưa. Giữa cơn bão doanh thu của nhiều bộ phim Việt, phim "Đào, Phở và Piano"- phim nhà nước đặt hàng ra rạp ngày mùng 1 Tết cũng đang nhận được sự quan tâm của giới trẻ.

Người đẹp có vòng eo 51 cm tại Hoa hậu Hoàn vũ Philippines / Cận nhan sắc tiểu tam đang bị ghét nhất 'Chúng ta của 8 năm sau'

Trung tâm chiếu phim Quốc gia là địa điểm duy nhất trên cả nước chiếu "Đào, Phở và Piano". Theo số liệu của Box Office Việt Nam - đơn vị thống kê doanh thu phòng chiếu cho thị trường điện ảnh Việt, phim "Đào, Phở và Piano", hiện có 11 suất chiếu, đã bán được 1.455 vé, thu về hơn 87 triệu đồng trong ngày.

Theo ông Vũ Đức Tùng - Quyền Giám đốc Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, trong ngày 20/2, Trung tâm sẽ tăng thêm 7 suất chiếu tại phòng chiếu 1 (công suất 402 vé). Đồng thời trong các ngày tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tăng suất chiếu nếu khán giả có nhu cầu, không để tình trạng khán giả muốn xem phim mà không được xem.

Đào, Phở, Piano tăng suất chiếu gấp đôi sau dịp cuối tuần cháy vé - Ảnh 1.

Nội dung phim xoay quanh mối tình lãng mạn, nồng nàn của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh), qua đó tôn vinh cái đẹp và cốt cách tinh thần của người Hà Nội xưa.

“Xuất phát từ việc một tiktoker đi xem phim và review về bộ phim, Đào, Phở và Piano đã được tạo sức lan tỏa lớn đối với công chúng yêu điện ảnh. Chúng tôi thực sự bất ngờ và chắc chắn đây sẽ là một kinh nghiệm quý báu trong công tác truyền thông, thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh”, ông Vũ Đức Tùng thông tin.

"Đào, Phở và Piano" là phim điện ảnh do Nhà nước đặt hàng được hoàn thành năm 2023. Bộ phim đã đoạt Bông Sen Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23. Cùng với Hồng Hà nữ sĩ, bộ phim là hai phim nhà nước nằm trong kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sản xuất sử dụng ngân sách nhà nước do Bộ VHTTDL ban hành từ trước Tết Nguyên đán.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, việc công chúng quan tâm đến một tác phẩm điện ảnh nói chung, hay đối với phim Đào, Phở và Piano nói riêng là một tín hiệu đáng mừng. Việc đưa hai bộ phim sử dụng ngân sách Nhà nước ra rạp trong dịp Tết Nguyên đán là một “phép thử” và ban đầu cơ quan quản lý Nhà nước về điện ảnh cũng không tránh khỏi những lo lắng. “Nhưng đến nay, những tín hiệu khả quan này đã cho thấy đề án thí điểm, rộng đường cho phim Nhà nước đến với công chúng là hoàn toàn đúng đắn”, Cục trưởng Vi Kiến Thành khẳng định.

Đào, Phở, Piano tăng suất chiếu gấp đôi sau dịp cuối tuần cháy vé - Ảnh 2.

Bộ phim được đầu tư một trường quay "khủng", với quy mô lớn tái hiện một đoạn phố Hà Nội.

 

Việc "Đào, Phở và Piano" thành công là một tín hiệu tích cực của phim nhà nước đặt hàng và kinh nghiệm sử dụng hiệu ứng truyền thông của mạng xã hội. Không thể phủ nhận, hiệu ứng từ truyền thông đã góp phần giúp các tác phẩm điện ảnh đến gần với công chúng hơn so với quảng bá thông thường. Đặc biệt, khi mạng xã hội phát triển, đánh giá của người tiêu dùng có điều kiện để lan truyền mạnh mẽ và đóng vai trò quan trọng, quyết định số phận của các sản phẩm điện ảnh.

"Đào, Phở và Piano" nhận về rất nhiều sự tán dương khi công chúng và nhất là những bạn trẻ sinh ra thời nay, biết về một Hà Nội xưa cũ tao nhã, thanh cao, lãng mạn nhưng cũng rất kiên cường chống chọi với mưa bom bão đạn của thực dân Pháp. Nội dung phim xoay quanh mối tình lãng mạn, nồng nàn của anh tự vệ (Doãn Quốc Đam) và cô tiểu thư Hà thành (Cao Thùy Linh), qua đó tôn vinh cái đẹp và cốt cách tinh thần của người Hà Nội xưa.

Bộ phim được đầu tư một trường quay "khủng", với quy mô lớn tái hiện một đoạn phố Hà Nội với những không gian sống của các nhân vật ở bối cảnh năm 1946 - 1947. Để có thể tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm, từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947, đoàn làm phim đã dựng một khu phố cổ dài gần 100 m, tại một khu đất thuộc doanh trại quân đội cũ ở Đại Lải, Phúc Yên.

Sau hơn 5 tháng thi công, với đội ngũ thiết kế, sản xuất là những người dạn dày kinh nghiệm từng tham gia trong nhiều bộ phim lịch sử, chiến tranh, một phim trường quy mô đã hình thành. Đó là những ngôi nhà phố cổ Hà Nội thời điểm năm 1940, với những cửa hàng tạp hóa, hiệu may, quán ăn… có cả xe tăng, toa tàu điện, nơi mà người dân Hà Nội đã xây thành chiến lũy trong cuộc chiến bảo vệ Thủ đô yêu dấu năm xưa.

Bộ phim thông qua câu chuyện xảy ra trên chiến lũy một khu phố cổ mùa Đông năm 1946 khắc họa những khoảnh khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô. Bộ phim không chỉ ca ngợi tinh thần quả cảm, lòng yêu nước mà còn đi sâu tìm hiểu, lý giải cốt cách phẩm chất người Hà Nội.

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm