Doanh nghiệp cần thể hiện bản sắc cốt lõi trong văn hóa kinh doanh
Thương hiệu dẫn đầu hình thành từ văn hóa doanh nghiệp / VM MOTORS đẩy mạnh thực thi văn hóa doanh nghiệp tại công ty
Phát biểu khai mạc Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với Doanh nghiệp” lần thứ ba năm 2023 với chủ đề: “Văn hóa kinh doanh - Dòng chảy phát triển và hội nhập”, ngày 25/11, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, doanh nghiệp là trái tim của nền kinh tế, có đóng góp hết sức quan trọng, làm nên những kỳ tích của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.
Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch đã chủ động, tích cực phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan, các liên đoàn, hiệp hội để chung tay xây dựng, củng cố, phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp gắn với truyền thông ngàn đời của dân tộc.
Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang đối mặt với các cơ hội, thách thức đan xen đến từ những tác động đa chiều của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Trước các cơ hội, thách thức đặt ra, chúng ta đã lựa chọn chấn hưng văn hóa dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa, phát huy tiềm năng, sức mạnh văn hóa dân tộc trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh là điều cốt lõi.
“Tiếp cận theo hướng này, văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp cần thể hiện rõ nét bản sắc cốt lõi của doanh nghiệp. Đồng thời, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa riêng biệt của đất nước và con người Việt Nam; gắn với sự phát triển hưng thịnh, bền vững, có trách nhiệm với xã hội.
Qua đó, lan toả được những hiệu ứng tốt đẹp trong cộng đồng kinh doanh. Quảng bá được hình ảnh đất nước, văn hoá con người Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế”, ông Hùng nói.
Chia sẻ tại phiên tọa đàm “Kinh doanh để làm giàu hay phụng sự xã hội?” trong khuôn khổ sự kiện, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã trình bày tham luận về “Bản sắc văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp/doanh nhân Việt Nam”.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, từ năm 1985, ông đã tích cực phối hợp và hỗ trợ Cục Hàng không Dân Dụng Việt Nam và các cơ quan Việt Nam để thúc đẩy việc mở đường bay thẳng từ Việt Nam đến Philippines. Thúc đẩy ký kết hiệp định hàng không giữa Việt Nam với Philippines vào năm 1988, đóng góp cho sự mở cửa và phát triển của đất nước.
Tính đến nay, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương đã đầu tư tại Việt Nam 47 dự án với tổng số vốn hơn 500 triệu USD và đã tạo công ăn việc làm cho hơn 25 ngàn lao động ở Việt Nam. Doanh số hàng năm bình quân đạt 542 triệu USD, số tiền đóng thuế của tập đoàn với Nhà nước ngày càng tăng (từ 12 tỷ đồng năm 2006 tới 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2010 – 2022).
Đáng chú ý, từ năm 2019 đến nay, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, tập đoàn đã đóng góp cho hoạt động tài trợ từ thiện xã hội hơn 250 tỷ đồng.
Ông Hoàng Đình Toàn - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tamda Group (doanh nghiệp có gần 13 năm hoạt động tại Cộng hoà Séc) cho rằng, việc thường xuyên phải làm việc với 600 đối tác và thương hiệu lớn nhỏ tại Séc đã là động lực để doanh nghiệp chú trọng văn hoá kinh doanh. Tạo dựng và quảng bá các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam với người dân bản xứ.
Đại diện cho Tổng Công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling), ông Phạm Văn Điềm chia sẻ, vẫn còn một số thách thức khi xây dựng những chuẩn mực văn hoá và dung hoà văn hoá khi doanh nghiệp hoạt động trong các thị trường khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Thái Lan...
Tại diễn đàn đã diễn ra Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” năm 2023 cho 20 doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn của Bộ tiêu chí văn hóa kinh doanh Việt Nam do Hội đồng Quốc gia xét duyệt.
Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch tặng bằng khen cho 3 tập thể có thành tích hưởng ứng tích cực Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động và triển khai Bộ tiêu chí Văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2023. Ban tổ chức Cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tặng Bằng khen cho 8 đơn vị đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động năm 2023.
End of content
Không có tin nào tiếp theo