Độc đáo nghề dệt thổ cẩm ở xã biên giới Pa Thơm, Điện Biên
Lật tẩy loài động vật gây hiệu ứng nhà kính không kém con người / Duy nhất ở quốc gia này chuột được xem như thần thánh, được cung phụng hết mức
Nằm ở phía hạ nguồn dòng suối Nậm Núa thơ mộng, Pa Xa Lào là bản duy nhất trên địa bàn xã biên giới Pa Thơm (huyện Điện Biên) có cộng đồng dân tộc Lào - một trong 19 cộng đồng dân tộc sống trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Gần 100 năm qua từ khi định cư, lập bản, cộng đồng dân tộc Lào nơi đây vẫn gìn giữ, trao truyền bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Xã biên giới Pa Thơm giáp nước bạn Lào, nằm ở phía Tây huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ gần 40 km. Đây là một trong bốn xã vùng ngoài lòng chảo thung lũng Mường Thanh. Toàn xã có 270 hộ dân, với gần 1.300 nhân khẩu thuộc ba cộng đồng dân tộc Lào, Cống và Khơ Mú sinh sống. Trong sáu bản của xã Pa Thơm thì cộng đồng dân tộc Lào sinh sống tập trung ở bản Pa Xa Lào, với 56 hộ và bản Pa Thơm, với 15 hộ dân.
Vượt hành trình hàng chục cây số đường dốc, uốn lượn quanh co men theo dòng Nậm Núa, bản Pa Xa Lào hiện ra trước mắt chúng tôi trong thung lũng xã Pa Thơm với tứ bề là núi và đá. Khi dãy núi Mộc Cuôi Gang vẫn chìm trong sương sớm thì bản làng Pa Xa Lào đã nhộn nhịp tiếng thoi đưa. Người dân nơi đây như đang chạy đua với thời gian, công việc để chuẩn bị cho dịp Tết đến, Xuân về.
Từ cửa ngõ của thung lũng Pa Thơm, chúng tôi bắt gặp những đống củi to được xếp ngay ngắn bên đường. Đây là nguồn củi đốt để người dân trong bản sử dụng vào việc luộc bánh chưng xanh, nấu rượu và nấu ăn dịp Tết. Theo quan niệm của người Lào ở đây, ngày Tết là dịp con người thư giãn, không lên rừng lấy củi để cho rừng núi cũng có thời gian “nghỉ ngơi”. Do vậy, củi dùng để đốt trong dịp Tết phải được chuẩn bị trước Tết nhiều ngày.
Trên con đường đi vào bản, chúng tôi bắt gặp cảnh từng tốp từ 3-5 người đang tất bật với công việc chăm sóc lúa nước dưới ruộng. Khi nắng sớm ấm dần lên, cả cánh đồng lúa nước dài, rộng lọt thỏm giữa thung lũng hiện ra trước mắt chúng tôi với màu xanh ngút ngàn của lúa non. Đây là vựa lúa cung cấp gạo và luân canh các loại trồng khác cho người dân trong xã.
Bước chân vào bản Pa Xa Lào, chúng tôi nhanh chóng lạc vào không gian lách cách, rộn ràng tiếng thoi đưa, “lạc mắt” trước sắc màu thổ cẩm của những tấm vải đang phơi, hong nắng bên hiên nhà, đầu hồi hay dọc các con đường... Đi sâu vào trung tâm bản, chúng tôi càng dễ dàng bắt gặp các mẹ, các chị đang cặm cụi, chăm chỉ bên khung dệt. Bên khung cửi, nhiều người già đang cần mẫn chỉ bảo, dạy cách tạo nên những loại hoa văn lạ, độc đáo cho thiếu nữ trẻ. Cùng với đó là cảnh các cụ già đang đan, vá lưới, trẻ nhỏ nô đùa, tụ tập chơi đá cầu.
Mải miết và luôn tay bên khung cửi, chị Lò Thị Thơm, bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, cho biết: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân trong bản có từ lâu đời. Độc đáo và cũng là khó khăn nhất đối với sản phẩm thổ cẩm của người Lào là khi dệt mẫu họa tiết hoa văn. Chủ đạo trong các mẫu họa tiết hoa văn là con công, con rồng cổ đỏ, con hươu, hình tam giác… Để dệt được những mẫu họa tiết hoa văn này cần phải học rất nhiều ngày.
Hiện ở bản Pa Xa Lào có 56 hộ dân, hầu như nhà nào cũng sở hữu một khung cửi để dệt thổ cẩm. Nghề dệt thổ cẩm ngoài cung cấp nguồn chất liệu may mặc cho cộng đồng trong bản còn cung ứng ra thị trường. Vào dịp gần Tết, nhu cầu sử dụng vải thổ cẩm của người dân nhiều hơn nên các khung cửi phải hoạt động hết công suất. Bên khung cửi, người dân mắc thêm đèn điện chiếu sáng để tranh thủ thời gian dệt vải. Đêm xuống, tiếng thoi vẫn vọng đều trong thung lũng, một góc bản làng bừng sáng nơi biên cương.
Theo bà Lò Thị Nút, 75 tuổi ở bản Pa Xa Lào, nghề dệt thổ cẩm nơi đây được coi là nét văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc Lào. Mỗi nét hoa văn thổ cẩm trên trang phục của phụ nữ cộng đồng dân tộc Lào là nét tinh hoa văn hóa dân gian đã được chọn lọc, gìn giữ và truyền lại qua nhiều đời. Ngoài chức năng làm đẹp, các họa tiết trên trang phục như con công, con rồng, con hươu... còn mang ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho chính người sử dụng trang phục. Trang phục của cộng đồng dân tộc Lào có nhiều màu sắc như trắng, hồng, vàng, tím, xanh được nhuộm bằng chàm, vỏ, lá cây rừng.
Do tuổi cao, không trực tiếp tham gia công việc dệt vải nhưng bà Nút vẫn ý thức được việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa của cộng đồng dân tộc mình qua các công việc kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm và truyền dạy cách thức thêu dệt hoa văn cho phụ nữ trong bản.
Chị Lò Thị Thơm tâm sự: Do có sự giao thoa văn hóa giữa các cộng đồng dân cư nên trang phục của bà con người Lào đã có sự đổi thay ít nhiều. Ngoài ra, do thị trường có nhiều sản phẩm thổ cẩm may công nghiệp, giá rẻ hơn nên thổ cẩm Pa Xa Lào khó có thể cạnh tranh. Tuy nhiên, phụ nữ Lào vẫn giữ truyền thống mặc váy nên nghề dệt thổ cẩm sẽ được mọi người trong bản trân trọng bảo tồn, gìn giữ.
Ông Lò Văn Ón, Bí thư Chi bộ bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, khẳng định: Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của cộng đồng người Lào tại xã Pa Thơm đã có từ rất lâu đời và được truyền dạy qua các thế hệ. Để gìn giữ, bảo tồn bản sắc dân tộc, chúng tôi đã chỉ đạo các hội phụ nữ, cựu chiến binh… chú trọng tuyên truyền người dân, nhất là các thế hệ con cháu, giữ nghề, để nghề dệt thổ cẩm không bị mai một mà ngày càng phát triển.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bệnh viện Chợ Rẫy tiết lộ thông tin quan trọng chuyện diễn viên Việt Trinh hiến xác sau khi mất
Lương Bằng Quang phải kiếm 5 tỷ/tháng mới cưới được Ngân 98?
Đoàn Thiên Ân chính thức làm rõ mối quan hệ thực sự với Kỳ Duyên khiến dân tình ngỡ ngàng
Gil Lê gọi tên Chi Pu, Xoài Non lập tức tỏ thái độ, phản ứng trước camera khiến CĐM bàn tán