Văn hóa

Giải mã “sức hút” của​​​​​​​ phim truyền hình Việt

Có thể nói, năm 2019 là năm “bội thu” của phim truyền hình Việt, khi có nhiều bộ phim đã “gây bão” và để lại tiếng vang lớn. Phim truyền hình Việt chính thức trở lại thời hoàng kim sau những tháng ngày “đếm tập ăn tiền”.

Khánh Thi nói về việc giữ chồng: “Một giây cũng phải cẩn thận” / Mỹ nhân đẹp nhất Philippines lại tiếp tục cắt tóc ngắn chứng minh nhan sắc bất bại

Cảnh trong phim “Sinh tử”

Tất nhiên, không có một thành công nào “từ trên trời rơi xuống”, đó là sự nỗ lực hết mình, cố gắng và quyết tâm của các nhà làm phim tâm huyết. Mặc dù, phim truyền hình Việt vẫn còn yếu về quy mô và mức độ đầu tư so với phim Hàn, Trung… song vẫn tạo được sức hút lớn đối với khán giả nhờ mạnh dạn đi sâu khai thác những đề tài “nóng bỏng” của xã hội, đánh trúng vào tâm lý của khán giả, cùng với đó là dàn diễn viên thực lực.

Đong đầy hơi thở cuộc sống

Đã có một thời, khán giả dường như “quay lưng” và tỏ ra không mấy mặn mà khi nhắc đến phim truyền hình Việt, phần lớn cho rằng dòng phim này khá nhạt với những đề tài đã quá cũ và nhàm chán. Tuy nhiên, trong những năm gần đây phim truyền hình đã lột xác mạnh mẽ và bắt đầu “đổ bộ” khắp các màn ảnh nhỏ.

Nhiều bộ phim đã tạo nên “cơn sốt” trong suốt một thời gian dài, không chỉ hút khán giả mà còn khiến họ “đứng ngồi không yên” trước mỗi tập phim sắp lên sóng. Có thể kể đến như: Quỳnh búp bê, Người phán xử, Về nhà đi con, Gạo nếp gạo tẻ, Bán chồng, Những cô gái trong thành phố, Hoa hồng trên ngực trái… và gần đây nhất là Sinh tử, Cô gái nhà người ta, Tiệm ăn dì ghẻ. Tất cả đều mang hơi thở cuộc sống, gần gũi với khán giả khi đi sâu vào khía cạnh tình cảm, đời sống và những góc khuất trong xã hội một cách chân thật.

Phim truyền hình Việt đã thoát khỏi bế tắc, trở lại thời kỳ hoàng kim và đỉnh cao của cú lội ngược dòng này, rõ nhất là sự lên ngôi của phim đề tài gia đình. Sống chung với mẹ chồng đã tạo nên một làn sóng dư luận sôi nổi khi khai thác mối quan hệ giữa mẹ chồng – nàng dâu, một đề tài muôn thuở nhưng chưa bao giờ hết “hot”. Còn Về nhà đi con thì được ví như “bộ phim quốc dân” khi thu hút được đông đảo người xem ở nhiều độ tuổi khác nhau. Không xa vời, cao siêu mà giản dị, gần gũi và ấm áp, tất cả đã chạm đến trái tim của khán giả, khi họ tìm thấy được mình phần nào qua bộ phim.

 

Vấn đề “nữ quyền” trong nhiều bộ phim truyền hình cũng gây được sức hút lớn, khi “đánh trúng” vào tâm lý của hầu hết phụ nữ. Ở những bộ phim như Quỳnh búp bê, Bán chồng, Hoa hồng trên ngực trái… chúng ta sẽ thấy được số phận của những người phụ nữ trong cuộc sống hiện đại một cách chân thật nhất. Có những lúc họ đã bị đẩy vào bước đường cùng, rơi vào những cạm bẫy, đau khổ tủi nhục đến tận cùng, thế nhưng họ vẫn phải tự mình đứng lên làm lại cuộc đời, với ý chí mạnh mẽ và quyết tâm buông bỏ những thứ không thuộc về mình. Tất cả đã tạo được sự đồng cảm của khán giả, đủ sức lay động trái tim và người xem cùng thổn thức với đời sống nhân vật.

Nếu như đề tài gia đình, phụ nữ, hôn nhân, tình yêu luôn được khán giả quan tâm, thì gần đây những bộ phim liên quan đến vấn đề chính trường dường như đã trở thành một “thương hiệu” mới của phim truyền hình Việt. Trên màn ảnh nhỏ, những mánh khóe chạy án, “bôi trơn” của các nhóm lợi ích, doanh nghiệp cũng như việc tham nhũng của giới quan chức bị bóc mẽ, phơi bày một cách chân thật. Xem Người phán xử, Mê cung, Sinh tử… khán giả như phần nào hiểu rõ hơn về một bộ phận người nơi cửa quyền và những chiêu trò của họ trong cuộc “chạy đua” không có hồi kết mang tên “quyền lực”, nhưng rồi tất cả đều phải trả giá cho tội ác của mình.

Chưa bao giờ, khán giả được nhìn thấy hàng loạt những nhân vật với phong cách và diễn biến tâm lý đa dạng đến như thế trên sóng truyền hình. Đó là những “cô gái ngành”, với đúng phong thái, cách ăn mặc và lối cư xử của “gái ngành” qua Quỳnh búp bê. Hoặc lần đầu tiên khán giả thấy một tên giết người hàng loạt biến thái, bệnh hoạn được xây dựng theo đúng những tiêu chuẩn của một phim trinh thám qua Mê cung. Một ông trùm uy quyền mang dáng dấp của “bố già” với những suy nghĩ và tính cách thuần Việt ở Người phán xử. Hay đơn giản là một bà mẹ chồng yêu con trai quá độ, một câu chuyện mà chúng ta có thể gặp ở bất cứ đâu trong cuộc sống này qua Sống chung với mẹ chồng.

Sự lột xác mạnh mẽ

Nếu như trước kia, nhược điểm thường thấy ở phim truyền hình là cách xử lý tình huống phim quá dễ dàng, tầm thường đến vô lý, chỉ cần xem đoạn đầu đã biết được kết thúc thì giờ đây, ê-kíp làm phim đã biết cách tạo nên sự hấp dẫn, mới lạ trong từng cảnh quay, tình tiết, làm sao để khán giả phải hồi hộp, tò mò và tự tư duy về những diễn biến tiếp theo của phim.

 

Kể cả lời thoại cũng được biên kịch chau chuốt từng chi tiết, lời ít nhưng ý nhiều, cái quan trọng là để khán giả phải nhớ đến và suy ngẫm. Các nhân vật của phim truyền hình thời gian gần đây được sử dụng khẩu ngữ một cách linh hoạt, điều đó khiến cho lời thoại của họ trở nên hiện đại, mượt mà, xúc tích hơn.

Phim truyền hình đang đi theo xu hướng hiện thực hóa, không còn là những câu chuyện ngôn tình đẫm nước mắt, xa vời như phim truyền hình Hàn Quốc đã từng “làm mưa làm gió”. Điều này đã tạo nên một “thương hiệu mới” cho phim truyền hình Việt.

Nhắc đến thành công của phim truyền hình Việt trong thời gian gần đây, ta không thể không nhắc đến dàn diễn viên đầy thực lực và tâm huyết đã góp phần đưa phim đến gần khán giả hơn. Bên cạnh những diễn viên gạo cội, nhà sản xuất cũng mạnh dạn giao các vai lớn cho diễn viên trẻ, điều này đã tạo nên những “màu sắc” mới cho phim truyền hình Việt. Ai cũng phải rùng mình khi xem phân cảnh NSND Hoàng Dũng lạnh lùng, đầy quyền lực bình tĩnh nói chuyện với con trai Phan Hải trong Người phán xử. Và dù đôi mắt long lên sòng sọc của Phan Hải (Việt Anh) luôn ám ảnh bởi sự độc ác nhưng nó cũng đã tạo nên một thương hiệu trong suốt thời gian Người phán xử được chiếu. Gần đây, Việt Anh lại tiếp tục gây sốt khi mà một lần nữa vào vai phản diện Mai Hồng Vũ trong phim Sinh tử. Hay ai cũng thấy tê tái khi Bảo Thanh oà khóc sau những áp lực và đổ vỡ hôn nhân trong Về nhà đi con. Dù Thu Quỳnh thể hiện cả một My Sói đầy sự đố kỵ, mưu mô, tính toán ở Quỳnh búp bê, nhưng cũng chỉ sau đó ít lâu, cô khiến khán giả phải thổn thức vì một chị Huệ nhẫn nhịn, cam chịu và bất lực trong một cuộc hôn nhân không lối thoát qua Về nhà đi con.

Qua rồi thời “tụt dốc không phanh”, phim truyền hình Việt đã lột xác mạnh mẽ để lấy lại vị thế và tạo một dấu ấn, một thương hiệu, một sức hút riêng của mình. Bên cạnh kịch bản hay, đề tài được khán giả quan tâm, dàn diễn viên tâm huyết, cũng cần phải nhắc đến sự đầu tư chỉn chu của nhà sản xuất, sự nghiêm túc, đam mê của ê kíp, đạo diễn… tất cả đã làm nên thành công cho phim truyền hình Việt.

Những khán giả khó tính nhất, có lẽ cũng phải nhìn nhận thành công của phim Việt trong năm 2019. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là liệu hiệu ứng vang dội của những bộ phim “gây bão” trước có trở thành áp lực cho những phim sau này?

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm