Văn hóa

Jennifer Phạm: 'Chồng tôi giúp Bảo Nam gỡ rối tuổi dậy thì'

Không thể ở bên con trong giai đoạn dậy thì nhưng Jennifer Phạm luôn thấy yên tâm vì có ông xã thường xuyên chia sẻ, gỡ rối cho cậu nhóc.

Điểm lại 4 nàng hồ ly màn ảnh Hàn: Kim Tae Hee xinh đẹp hết nấc, Shin Min Ah từng gây sốt một thời / Nhan sắc Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền ra sao sau 17 năm đăng quang?

- Chị làm gì để giữ mối liên kết giữa Bảo Nam ở Mỹ và các em ở Việt Nam?

- Mặc dù cách nhau nửa vòng trái đất, gia đình tôi vẫn giữ thói quen liên lạc với nhau hàng ngày qua Facetime. Trước bữa trưa ở bên này cũng là trước bữa tối ở bên đó, tôi sẽ gọi cho con để cả nhà gặp nhau, cùng chia sẻ những câu chuyện trong ngày, từ những thứ nhỏ nhặt như ăn món gì, ở lớp thế nào... Mấy anh em thậm chí còn cùng chơi game với nhau trên mạng. Nhờ vậy, các con không cảm thấy có khoảng cách.

- Chị cảm thấy thế nào khi không thể ở bên con trong giai đoạn bé dậy thì, tâm sinh lý thay đổi nhiều?

- Ở tuổi dậy thì, Bảo Nam cần sự đồng hành của một người bố. Tôi rất tiếc vì ảnh hưởng của Covid-19, cả tôi và ông xã lúc này không thể kề cận bên con như khi ở Việt Nam. Tuy nhiên, qua những cuộc điện thoại hàng ngày, chúng tôi vẫn có thể kết nối với con. Ông xã là người nói chuyện với Bảo Nam nhiều hơn, từ đó giúp con gỡ rối những khúc mắc tuổi dậy thì.

Jennifer Phạm: 'Chồng tôi giúp Bảo Nam gỡ rối tuổi dậy thì' - Ảnh 2.

Vợ chồng Jennifer Phạm tại tiệc sinh nhật của con gái út hôm 13/1 tại Phú Quốc. Ảnh: NVCC

- Có điều gì đặc biệt trong những câu chuyện của ông xã chị và Bảo Nam ở giai đoạn này?

- Tôi biết Bảo Nam có nhiều bỡ ngỡ, thắc mắc ở tuổi dậy thì nhưng con thường chỉ chia sẻ với bố Hải thay vì chia sẻ với tôi. Hai bố con nói chuyện với nhau như những người đàn ông. Có lần nghe lỏm, tôi thấy hai bố con nói đủ thứ chuyện, từ công nghệ đến xe cộ hay các trò chơi điện tử. Chắc là có cả những câu chuyện về thay đổi cơ thể cũng như cuộc sống của Bảo Nam ở tuổi teen nhưng tôi không được tham gia (cười). Tôi hạnh phúc vì ông xã luôn thương yêu và coi Bảo Nam như con trai mình.

- Cuộc sống của Bảo Nam ở Mỹ hiện thế nào?

- Bảo Nam sang Mỹ chơi với ông bà từ cuối năm 2019 và từ đó mắc kẹt vì dịch bệnh. Thời gian đầu, con vẫn học online theo chương trình ở Việt Nam để chờ ngày về. Tuy nhiên, dịch cứ ngày một căng thẳng và không có dấu hiệu chấm dứt nên con quyết định ở lại luôn. Tôi từng lên kế hoạch sang đưa con về nhưng bé nói không muốn mẹ vất vả khi vừa sinh em Nấm vì biết việc di chuyển mùa dịch không hề dễ dàng. Hiện tại, con đã ổn định cuộc sống, đến trường mỗi ngày thay vì học online và có nhiều bạn bè. Không muốn Bảo Nam phải chịu sự xáo trộn một lần nữa, vợ chồng tôi đồng ý theo ý nguyện của bé là ở Mỹ đến tuổi trưởng thành. Khi sắp xếp được, tôi sẽ đưa con về Việt Nam chơi với các em.

Jennifer Phạm: 'Chồng tôi giúp Bảo Nam gỡ rối tuổi dậy thì' - Ảnh 3.

Bảo Nam gặp lại bố đẻ, ca sĩ Quang Dũng, tại Mỹ hồi tháng 11/2021. Cậu nhóc lúc này đã cao khoảng 1,8 m. Ảnh: Facebook Quang Dung

 

- Chị thấy Bảo Nam bây giờ khác lúc nhỏ khác ra sao?

- Ở tuổi dậy thì, Bảo Nam không mấy ương bướng, vẫn khá dễ bảo nhưng ít nói hơn so với trước đây. Nếu có chuyện gì, bố mẹ phải hỏi cặn kẽ thì con mới trả lời. Thay vì nói chuyện với mẹ, con chia sẻ với bố và cậu về những chuyện riêng tư của phái nam. Với tính cách của Bảo Nam, tôi không lo con nổi loạn. Tôi cũng tin tưởng vào cách dạy dỗ của ông bà ngoại sẽ giúp con trưởng thành.

Hai năm qua, Bảo Nam lớn nhanh như thổi, chiều cao đã vượt cả bố lẫn mẹ và gần bằng cậu John. Ai cũng nghĩ Bảo Nam nhút nhát nhưng không hẳn thế. Con bình thường khá ít nói nhưng gặp ai hợp chuyện thì sẽ như một chiếc đài phát thanh 'bắt đúng sóng', có thể nói cả ngày. Con có thể nói về game, công nghệ, khoa học, các hành tinh... cả ngày mà không biết chán.

Nam lười chạy nhảy, bơi lội và rất thích những trò chơi khoa học. Vợ chồng tôi để con tự do khám phá sở thích của mình thay vì đặt ra khuôn khổ và yêu cầu con phải nghe theo. Tôi không biết tương lai con sẽ làm gì nhưng có lẽ không phải người của công chúng. Bảo Nam chơi đàn nhưng không thích hát, ghét chụp ảnh. Chỉ khi nào cao hứng, cậu nhóc mới chịu chụp một vài kiểu.

- Ngày đưa Bảo Nam về Việt Nam, chị mong muốn con học và sử dụng tiếng mẹ đẻ tốt hơn. Sau vài năm, chị thấy cậu bé có gì tiến bộ?

 

- Khi ở Việt Nam, con sử dụng tiếng Việt nhiều hơn nên có tiến bộ chút ít. Tuy nhiên, ngày ngày con đến trường vẫn nói tiếng Anh với thầy cô và bạn bè nên thời gian sử dụng tiếng Việt chưa nhiều như kỳ vọng. Lớn lên ở Mỹ từ nhỏ, khả năng tiếng Việt của Bảo Nam không đủ để theo chương trình học đại trà nên khi đưa con về Việt Nam sống, vợ chồng tôi bắt buộc phải cho bé học trường quốc tế. Với con, tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai. Vợ chồng tôi cố gắng để con thực hành nhiều nhất có thể nhưng không ép buộc. Bé thường dùng tiếng Việt để nói chuyện với các em và ông bà. Con có thể nghe hiểu và nói khi cần nhưng chưa thể biểu đạt hết suy nghĩ bằng tiếng Việt. Sang Mỹ, ông bà ngoại đặt ra quy tắc tất cả các con cháu phải nói tiếng Việt mới trả lời nên Bảo Nam cũng phải tuân thủ. Nhờ vậy, tôi tin rằng con không bao giờ quên tiếng mẹ đẻ.

Jennifer Phạm: 'Chồng tôi giúp Bảo Nam gỡ rối tuổi dậy thì' - Ảnh 4.

Gia đình Jennifer Phạm chụp ảnh kỷ niệm trước Tết 2020, khi Bảo Nam ở Việt Nam. Ảnh: NVCC

- Chị có kinh nghiệm gì trong việc nuôi dưỡng con cái để Bảo Nam và các em đều có hình thể vượt trội so với bạn bè cùng trang lứa?

- Sự phát triển chiều cao có thể phần lớn do gen di truyền nhưng cần có sự cộng hưởng của chế độ dinh dưỡng. Từ khi Bảo Nam ngưng sữa công thức vào năm hai tuổi, tôi đã cho con uống ba cốc sữa mỗi ngày và duy trì đến bây giờ. Với các bé còn lại, tôi cũng làm như vậy.

- Cách đây gần 10 năm, chị chuẩn bị tinh thần cho Bảo Nam như thế nào khi bé chuẩn bị có gia đình mới?

 

- Thời điểm đó, tôi giống như bao bà mẹ khác, lo lắng không biết Bảo Nam sẽ đón nhận bố dượng và em như thế nào. Bên cạnh việc chuẩn bị tâm lý cho con, tôi chia sẻ với chồng và bố mẹ chồng tâm tư đó để mọi người hiểu và cùng mình giúp bé thích nghi với cuộc sống mới, không để bé có cảm giác bị phân biệt đối xử. Nhờ gia đình hỗ trợ chăm bé Na, tôi dành nhiều thời gian hơn cho Nam. Do đó, quãng thời gian đó với chúng tôi không hề có gì khó khăn.

Trong quá trình bầu bí Na, tôi thường xuyên nói với Nam rằng mình sẽ chào đón một thành viên mới. Những lúc em bé trong bụng đạp hay máy, tôi cũng chia sẻ với Nam và con thường xuyên tâm sự với em. Qua các câu chuyện, tôi để bé hiểu em chào đời sẽ như thế nào. Sau khi Na chào đời, tôi không để con có cảm giác mẹ chỉ quan tâm đến em mà quên mình. Tôi biết thành viên mới sẽ là tâm điểm của cả nhà nên nhắc các thành viên trong gia đình không vì thế mà xao nhãng Bảo Nam để bé cảm giác mình không bị ra rìa. Không chỉ ông xã, bố mẹ chồng tôi khi đó cũng rất quan tâm đến cảm xúc của Bảo Nam.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm