Văn hóa

Khánh Ly: “Tết đầu tiên ở Mỹ, tôi đi hát gặp người quen chỉ biết khóc...”

“Tôi nhớ lần đầu tiên trải qua cái Tết bên Mỹ khi tôi sang đó, khoảng năm 1976, bạn bè, người quen gặp nhau là... chỉ có khóc thôi. Không ai nói nổi câu nào. Giai đoạn đó, người đi tìm vợ, người đi tìm chồng, người lạc mất con, người không có gia đình...”, nữ danh ca Khánh Ly chia sẻ.

Hoa hậu cũng chật vật về quê ngày Tết như ai: H’Hen Niê ngồi cả ra đất đợi chuyến bay vẫn không quên có động thái ý nghĩa / Cận Tết vẫn chưa yên: Cổ Lực Na Trát gây tranh cãi vì hôn trẻ nhỏ với đôi môi đầy son đỏ

“Tết là tôi đi hát, “ăn ké” nhà người ta...”

Trở về Việt Nam những ngày cận Tết, từ sân bay về Hà Nội, nhìn thấy đào quất trên đường, lòng danh ca Khánh Ly rộn lên bao cảm xúc.

“Từ sân bay về Hà Nội, nhìn thấy nhiều cành đào mà mê quá, thương quá. Ở bên Mỹ kiếm được cành đào khó lắm. Nhìn cây đào đẹp như thế, tôi lại nhớ có cô hỏi: “Chị có muốn về Việt Nam ở không?” Tôi đã từng mơ ước được ở nơi có vườn đào, có suối..., cuộc đời như thế thì thú vị lắm, quá hoàn hảo”, Khánh Ly nói.

Khánh Ly: “Tết đầu tiên ở Mỹ, tôi đi hát gặp người quen chỉ biết khóc...” - 1 Khánh Ly trở về Việt Nam dịp cận Tết, lòng xốn xang khi nhìn thấy đào, quất rực bên đường... (Ảnh: Hòa Nguyễn)

Nhắc đến Đà Lạt, nơi bà từng sinh sống trước khi qua Mỹ, Khánh Ly tâm sự rằng Đà Lạt bây giờ không còn là Đà Lạt như trước đây. Thiên nhiên bị tàn phá nhiều, không còn đẹp, chỉ buồn...

Khi được hỏi về không khí Tết tại Mỹ, bà cũng không giấu diếm: “Ở Việt Nam ngày xưa, Tết đơn giản hơn bây giờ nhiều lắm. Nhẹ nhàng hơn. Không ồn ào, tất bật như bây giờ. Ngày tôi sống ở Sài Gòn, người cũng không đông như bây giờ. Nhà ai cũng ăn Tết nhưng không lớn như bây giờ.

Đến khi tôi qua Mỹ thì coi như không có Tết. Dịp Noel, dịp Tết là đi hát. Tết là toàn đi “ăn ké” nhà người ta. Ca sĩ dịp này là “túa” đi khắp nơi, không có ai ở nhà cả.

Hầu như Tết bên Mỹ là nhà ai nấy ở. Có hội chợ Tết nhưng không phải ai cũng đến đó. Tôi nhớ lần đầu tiên trải qua cái Tết bên Mỹ khi tôi sang đó, khoảng năm 1976, bạn bè, người quen gặp nhau là... chỉ có khóc thôi. Không ai nói nổi câu nào. Giai đoạn đó, người đi tìm vợ, người đi tìm chồng, người lạc mất con, người không có gia đình...

Khi mới qua Mỹ, nhiều người đâu được sống ở thành phố. Nhiều người được đưa đi làm việc ở các trang trại: người thì hái cà chua, người hái táo, đủ công việc... Lúc đó mình chữ nghĩa chưa có, nghề nghiệp cũng không nên chỉ có thể làm những việc chân tay đó. Tết đến chỗ hát, gặp được nhau, chỉ khóc thôi.

 

Đó là ấn tượng của tôi về cái Tết đầu tiên sống xa quê hương. Rồi thì ngày càng nhiều người Việt về sống tại Cali, từ từ hình thành một cộng đồng lớn ở Cali. Cũng vì thế, Tết mỗi ngày mỗi đông, mỗi vui.

Tết đến cũng có bánh chưng, có hoa, múa lân..., không thiếu thứ gì. Người Việt Nam từ Hải Phòng, Hà Nội qua Mỹ nhiều, họ cũng giỏi buôn bán. Các nhà hàng trưng bày Tết rất đẹp, rất giống ở Việt Nam cũng giúp người Việt đỡ nhớ nhà”.

Khánh Ly cho biết, hiện tại, bà sống cùng cô con gái thứ ba. Theo bà, hai mẹ con ăn uống đơn giản nên nhiều khi một tuần, hoặc cả tháng mới đi chợ một lần, mua về chất đầy tủ lạnh. “Noel, chúng tôi ăn uống đơn giản. Tết cũng vậy. Trước đây còn chú Đoan (chồng của danh ca Khánh Ly đã mất- PV) thì chú sắm Noel, sắm Tết. Còn giờ, có một mẹ, một con gái và hai con chó, cũng không muốn làm gì cả...”

Khi được hỏi: “Dịp Tết, các con cháu có về sum họp với bà?”, Khánh Ly chia sẻ rằng, các con ở xa vẫn về thăm bà nhưng không thể lúc nào cũng đúng dịp Tết: “Các con ở xa, nếu các con muốn về thì phải xin nghỉ phép. Nếu các con xin nghỉ về thăm mẹ dịp Noel thì dịp Tết phải đi làm. Con trai có vợ con thì cũng ở cách tôi 2 tiếng di chuyển.”

Khánh Ly: “Tết đầu tiên ở Mỹ, tôi đi hát gặp người quen chỉ biết khóc...” - 2 Nữ danh ca ngậm ngùi chia sẻ về cái Tết đầu tiên xa quê hương, gặp người quen chỉ biết khóc (Ảnh: Hòa Nguyễn)

“Nghề hát vừa bạc bẽo, vừa tàn nhẫn...”

 

Dù là danh ca nổi tiếng, được nhiều người ngưỡng mộ nhưng các con của Khánh Ly không ai theo nghiệp ca sĩ giống mẹ. Nhưng Khánh Ly nói, bà mừng vì điều này.

“Tôi không muốn các con theo nghiệp hát giống mẹ. Tôi ở trong nghề tôi biết. Nghề hát vừa bạc bẽo, vừa tàn nhẫn. Khó mà giữ được sự trong sáng, ngay thẳng với cái nghề này. Cái nghề này gần như đạp người ta xuống để mình đi lên.

Người ta trọng vọng mình, nhưng lúc nào đó người ta lại... quên mình. Tàn nhẫn lắm! Tôi nghĩ là mình may mắn trong nghiệp hát nhưng may mắn không rơi xuống con mình thì sao? Đến lúc con mình gặp trắc trở gì, mình lại không đủ sức để bảo vệ nó nữa. Đâu phải, lúc nào mình cũng đứng trên cao để đỡ, giúp con mình? Lúc mình hết thời rồi, mình không giúp được con mình thì bản thân sẽ ân hận.

Tôi nghĩ rằng, đã vào nghề này phải thật nổi tiếng. Một là kẻ rong chơi, hát chơi với đời thì còn được, còn nếu vào nghiệp này, muốn nổi tiếng, muốn có tiền- khó lắm!

Không phải ai cũng được. Nếu có được, thì cái giá phải trả đắt lắm. Nên thôi, cứ để các con sống bình yên đi”, bà giãi bày.

 

Khi được hỏi: “Người bạn đời đã mất, còn các con thì gần như đều ở xa, vậy có khi nào bà cảm thấy cô đơn?”

Khánh Ly: “Tết đầu tiên ở Mỹ, tôi đi hát gặp người quen chỉ biết khóc...” - 3 Trước thềm năm mới, Khánh Ly cầu bình an... (Ảnh: Hòa Nguyễn)

Khánh Ly bộc bạch: “ Lúc chú Đoan mới mất, cũng giống như lúc ông Trịnh Công Sơn mới mất, tôi không bị sốc đâu, không đến nỗi tưởng như trời sập đâu. Càng về sau, nỗi đau, sự mất mát mới càng dầy, càng nhiều. Còn ngay lúc đó, tôi không cảm nhận được gì.

Khi chú Đoan mất, tôi đứng cạnh mà tôi không tin chuyện đó xảy ra, không tin chồng mình đã không còn, nhưng càng về sau mới cảm nhận rõ nét nỗi mất mát. Người khác thì cần thời gian để nguôi dần, còn tôi thì ngược lại, càng ngày càng cảm nhận nỗi đau.

Có những buổi chiều, tôi ngồi và nghĩ: “Giờ này, chú sắp đi ăn về”. Bây giờ, đi ra đi vào ngôi nhà, nhìn thấy tro cốt của chú trong nhà, tôi vẫn chào: “Em đi ngủ nhé!” Buổi sáng dậy, tôi vẫn thắp nến cho chú, không muốn rời xa chú.

 

Nhưng trải qua rất nhiều chuyện rồi, đến lúc này tôi lại cảm nhận mọi chuyện rất nhẹ nhàng, chuyện sinh tử cũng không thể thay đổi, những mất mát cũng không thể lấy lại, phải nghĩ nhẹ nhàng, phải biết chấp nhận, mới sống tiếp được chứ...”

Cho đến tuổi này, "người tình âm nhạc” của Trịnh Công Sơn thổ lộ bà chỉ cầu bình an: “Đến một độ tuổi nào đó mình không cần tiền, không cần đẹp nữa, mình chỉ cần bình an cho đến cuối cuộc đời. Để mình không phiền phức tới ai, không phiền con cái, không phiền bạn bè...”

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm