MC Đại Nghĩa: 'Mọi người nghĩ tôi giàu vì không phải nuôi ai, không mua sắm, tiêu xài hay đồ hiệu'
Tường Vi cười tít mắt khi Đại Nghĩa trêu chọc "mặt bơm nhiều nhựa" / Bị tố cùng em gái 'rửa tiền', Hoa đán TVB phủ nhận, tuyên bố sẽ 'vì đại nghĩa diệt thân'
- Chào MC Đại Nghĩa! Người ta nói ăn chay lâu năm sẽ thanh tịnh, điềm đạm hơn. Anh có cảm nhận được điều đó?
- Tôi cảm nhận được điều này. Khoảng năm đầu tiên sau khi ăn chay, tôi đã cảm nhận được. Khi tôi ăn chay khoảng 1 năm, tôi cảm nhận được những sự thay đổi tích cực trong con người tôi. Về thể chất, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn, khỏe mạnh hơn. Khi ăn rau củ quả nhiều, nhiều chất xơ, tôi cũng cảm nhận da tôi đẹp hơn trước. Mọi người hay hỏi da tôi đẹp, không biết tôi có chăm sóc da hay không nhưng thật sự tôi rất ít chăm chút vẻ ngoài của mình. Đi quay chịu khó đánh phấn để lên hình, còn bình thường tôi không xài gì cả. Mỗi khi được hỏi tại sao da đẹp, tôi trả lời có lẽ vì ăn chay, vì chỉ có mỗi cách đó lý giải thôi. Tôi ăn rau củ quả mỗi ngày, dĩ nhiên da sẽ đẹp, tươi mát.
Về tính tình hay tinh thần cũng vậy, tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Ngày trước tôi cảm thấy dễ bực bội khi công việc bị trở ngại hay có gì không hài lòng trong cuộc sống nhưng khi ăn chay, tôi lại cảm thấy những chuyện đó cũng không đến nỗi nào, tôi có sự bình tĩnh hơn so với trước từ từ giải quyết. Không phải tôi vô tri với những điều đó, tôi vẫn cảm nhận đó là những điều khó khăn, trở ngại cho tôi nhưng tôi nghĩ nếu ngày trước, những chuyện này đến tôi sẽ nóng hơn, dễ cáu gắt hơn. Còn bây giờ tôi lại đón nhận điều đó nhẹ nhàng, từ từ tìm cách giải quyết. Tôi nghĩ đây là những chuyển biến tích cực từ khi tôi ăn chay, vậy thôi.
MC Đại Nghĩa.
- Mọi người bảo anh là "MC giàu nhất Việt Nam". Anh nói gì về điều này?
- Trường Giang nói điều này trong buổi họp báo của Giọng ải giọng ai mùa 4, khi đó Giang vô tư nói tôi ăn chay, không phải mua gì cả, không phải nuôi ai, không mua sắm, tiêu xài hay mua đồ hiệu, chắc tôi giàu lắm, nói tôi là "MC giàu nhất Việt Nam". Giang chỉ đùa vậy thôi. Nếu muốn giàu phải kinh doanh, phi thương bất phú mà. Còn chỉ làm nghệ thuật thuần tuý như tôi, chỉ vừa phải, có cuộc sống đầy đủ đã là sự may mắn rồi, không thể nói là đại gia được. Nếu muốn giàu phải kinh doanh, 1 vốn 4 lời mới giàu, còn làm nghệ thuật có thể có cuộc sống tương đối khá giả hơn những người làm lao động phổ thông, nhưng để giàu như đại gia lại không.
- Khi làm nghệ thuật, nghệ sĩ luôn có những ý kiến 2 chiều, có người nói hãy chịu đựng chuyện đó hoặc chọn cách phản kháng lại, anh nghĩ thế nào?
- Tôi nghĩ cũng tùy quan điểm, tính cách của mỗi người và câu chuyện đó thế nào để lựa chọn cách giải quyết nên im lặng hay phản kháng. Từ xưa đến giờ tôi không bao giờ chia sẻ về đời tư của tôi, những scandal hay ý kiến trái chiều về cuộc sống riêng của tôi, không bao giờ tôi trả lời vì đó không phải điều tôi muốn chia sẻ. Tôi luôn muốn chia sẻ với mọi người những điều gì đó tích cực, về công việc nghệ thuật của tôi hoặc về những dự án cộng đồng, vì đó là những điều tôi muốn lan toả. Tôi muốn lan tỏa một ngọn lửa, nguồn năng lượng tích cực, để mọi người thấy cần làm gì tích cực cho những người xung quanh. Tôi không muốn chia sẻ những chuyện về bản thân tôi, tôi không muốn chia sẻ nhà tôi như thế nào, tôi đi xe gì, người yêu tôi là ai vì những chuyện đó không hề mang giá trị tích cực gì cho cuộc đời cả. Tôi biết nhiều bạn khán giả yêu mến tôi cũng muốn biết nhưng đó không phải là điều tôi muốn chia sẻ. Khi đã chia sẻ những điều đó, sẽ có những ý kiến trái chiều khác nữa, khi đó sẽ bị cuốn vào dòng trả lời, đối đáp, nói qua nói lại. Cuối cùng chẳng đi đâu và chẳng vì mục đích gì. Tại sao không dành cho nhau về những chia sẻ hay hơn, để lan truyền những ngọn lửa tích cực hơn. Những nguồn năng lượng đó tôi luôn muốn chia sẻ, còn những chuyện xung quanh cuộc sống gia đạo, ít khi nào tôi nói lắm.
- Vấn đề từ thiện, có rất nhiều người lại để lại những bình luận rất ác ý như hiện tại có chị Phi Nhung hay Thuỷ Tiên, thậm chí Hoa hậu H'Hen Niê cũng bị chê ít chê nhiều khi làm từ thiện. Với người làm kinh nghiệm lâu năm như anh, anh nghĩ thế nào?
- Từ thiện cũng là một trong những đề tài tôi rất ít chia sẻ. Tôi không muốn mọi người nhìn vấn đề từ thiện không hay vì không phải ai cũng có thể hiểu và dành cho mình lời thiện chí và động viên. Nếu nói quá nhiều về từ thiện, nhiều người sẽ nói chúng ta đang làm từ thiện vì mục đích này kia, vô tình khi nghe được những điều đó sẽ dễ chán nản. Việc làm từ thiện xuất phát từ tâm, không phải vì vụ lợi cá nhân nhưng bây giờ có những luồng ý kiến ngược lại, bản thân sẽ cảm thấy hoá ra những thời gian vừa qua, làm điều đó lại trở nên vô nghĩa, dễ có cảm giác mất cảm xúc để làm. Bản thân tôi từng có kinh nghiệm về những ý kiến không hay khi tôi làm từ thiện nên tôi hạn chế. Những khán giả nào theo dõi tôi mới biết hoạt động tôi đang làm ra sao, vì tôi chỉ chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Những người đồng hành với tôi, tôi rất cảm ơn. Còn những ai chưa có duyên với tôi, tôi sẽ không nhắc đến và cũng không có ý kiến chê bai hay gì về họ. Việc ai người đó làm.
Đã gọi là từ thiện sẽ không nói là ít hay nhiều, chỉ nói là họ đã làm thế nào. Họ có ít, họ làm ít, họ có nhiều, họ làm nhiều, chẳng ai quy định bao nhiêu mới là từ thiện. Tôi từng nhận được rất nhiều khoản tiền khiến tôi rất ngạc nhiên và xúc động. Tôi ngạc nhiên vì không hiểu làm sao họ có thể gửi được những khoản tiền đó cho tôi, theo tôi biết bằng hình thức chuyển khoản phải tối thiểu bao nhiêu đó mới chuyển được nhưng tôi lại nhận được chuyển khoản 10 ngàn đồng, tôi ngạc nhiên lắm. Đôi khi họ chuyển khoản bởi một ngân hàng khác, tiền phí chuyển khoản còn nhiều hơn số tiền họ đã chuyển. Tôi vừa ngạc nhiên, vừa xúc động. Tức là họ chỉ có nhiêu đó thôi. Nhiều khi họ chỉ có 100 ngàn trong tài khoản nhưng họ lại trích 10 ngàn ra để làm từ thiện, điều đó cực kì đáng quý, ngang ngửa với một người có trong tài khoản 10 triệu và chia sẻ cho tôi 1 triệu, 1 triệu đó và 10 ngàn đó ngang nhau. Với tôi, việc từ thiện là như vậy. Vấn đề là bạn làm việc đó như thế nào, không phải là bạn làm bao nhiêu.
- Anh nghĩ thế nào khi thời đại 4.0 phát triển, một số khán giả không thích lại tận dụng điều đó để tấn công và làm ảnh hưởng xấu đến nghệ sĩ?
- Không thể kiểm soát được suy nghĩ cũng như việc làm của người khác. Trong những buổi talkshow khi quay hình, mỗi khi ai hỏi tôi câu kết rằng có điều gì muốn nhắn gửi đến mọi người, tôi hay chia sẻ một thông điệp đơn giản là hãy yêu thương nhau. Chúng ta không thể cấm được việc một ai đó nghĩ xấu về người khác, không thể cấm họ bình luận, viết một lời không hay về người này, người kia nên tôi chỉ gửi thông điệp yêu thương thôi. Cuộc sống vốn dĩ đã có quá nhiều sự mệt mỏi, những trở ngại, những sự khắc nghiệt của nó, hãy dành cho nhau những điều nhẹ nhàng, yêu thương nhau hơn là dành cho nhau những sự chỉ trích. Khi lan truyền được những thông điệp tích cực như vậy, chẳng cần ngăn cản ai, tự khắc những người đó cảm nhận được năng lượng tích cực. Tự nhiên họ sẽ khác đi, họ sẽ không còn có những suy nghĩ xấu về người khác, không còn những lời không hay về người khác, tự họ sẽ thay đổi. Bản thân chúng ta không có quyền bắt họ thay đổi suy nghĩ hay bình luận theo ý mình. Hãy chia sẻ những gì tốt đẹp để họ tự thay đổi.
Tôi cũng vậy, ngày trước tôi cũng có những suy nghĩ hơi tiêu cực về những sự việc hoặc những người xung quanh. Khi tôi tự giác thay đổi, tôi có cái nhìn thiện cảm hơn, cởi mở hơn với mọi sự vật, mọi con người xung quanh. Ngày xưa có thể tôi dễ dàng phán xét một điều gì đó phiến diện, còn bây giờ tôi ít khi phán xét hoặc không phán xét. Một sự việc đến với tôi, tôi biết có như vậy chứ tôi không còn phán xét hay khi có sự việc diễn ra trên báo đài, phóng viên cũng hay gọi điện hỏi tôi, tôi nói không, tôi không có quyền phán xét chuyện đó. Ai đúng, ai sai, tự bản thân họ biết hoặc tự khắc những người xung quanh, những người tỉnh táo, khách quan đóng góp. Nếu đó là lời khen tặng, tôi sẽ sẵn sàng dành sự ngưỡng mộ cho họ, tôi muốn những điều tốt đẹp của họ lan truyền rộng hơn nên cũng sẵn sàng chia sẻ. Còn với những điều tiêu cực, không hay, nếu không nằm trong phận sự hoặc tôi là người ngoài cuộc, không biết thực hư câu chuyện ra sao, thường tôi sẽ từ chối không trả lời. Không phải vì tôi không có chính kiến hay sợ sệt, tôi không phải người trong cuộc, không hiểu người đó thế nào, nếu đưa ra lời phán xét, vô tình lời phán xét đó không đúng, làm tổn thương hoặc ảnh hưởng đến tinh thần, công việc của họ thì sao. Tôi luôn tránh những điều đó.
- Anh luôn làm MC cho những chương trình thiện nguyện, gameshow nhiều hơn talkshow về showbiz, có phải vì gameshow vui vẻ hơn, còn talkshow dễ khiến người ta sa đà vào tiêu cực và dễ nói hớ không?
- Không hẳn. Tôi có làm talkshow về đề tài sức khỏe, tâm lý… cũng rất nhiều. Mỗi một chương trình tôi tham gia là một màu sắc khác nhau, để khi tôi xuất hiện nhiều trên truyền hình, khán giả không cảm thấy chán. Talkshow cần sự nghiêm túc hơn nhưng không phải nghiêm túc đến mức khô khan, vẫn là một cuộc trò chuyện thoải mái, nhẹ nhàng, khơi gợi từ khách mời những câu chuyện muốn khai thác. Tôi có làm MC của talkshow “Vang bóng một thời", câu chuyện của những người nghệ sĩ từng một thời nổi tiếng, chương trình như một sự tâm tình, chia sẻ cùng nhau. Hoặc chương trình “Tám lạng nửa cân", chương trình xoay quanh những đề tài để mọi người hỏi nhau, ví dụ đề tài ghen hay đề tài cha mẹ, con cái. Thật ra chương trình nào tôi cũng có thể làm vì khi vui, tôi cũng có thể vui được, và khi cần bình tĩnh để chia sẻ thấu đáo với nhau, tôi cũng đủ kinh nghiệm để làm. Chỉ có điều, với những chương trình giải trí thuần túy, vui nhộn, khán giả thích xem nhiều hơn. Khán giả xem những chương trình đó và nhớ đến tôi nhiều hơn so với những chương trình chỉ ngồi nói chuyện. Tôi đa dạng lắm, chương trình gì tôi cũng làm.
- Việc xuất hiện trên truyền hình nhiều sẽ bị nói là nhàm chán, anh có chọn lọc những chương trình anh tham gia?
- Tôi có chọn lọc. Những chương trình mời tôi, tôi phải nhắm xem có đủ phù hợp hay không và phải nhắm xem tôi có hưng phấn hay không. Nếu không có đủ cảm xúc, làm trách nhiệm chứ không vui vẻ hứng thú, khi đó sẽ không thăng hoa. Dĩ nhiên, với những người chuyên nghiệp, sẽ không làm gì đến mức tệ, bao giờ cũng ở mức chấp nhận được trở lên. Khi tôi làm, tôi biết cảm xúc mình ở đâu. Có những chương trình tôi làm, tôi cảm thấy thật đã. Sau chương trình, tôi rất sướng nhưng cũng có những chương trình nếu không thích, tôi chỉ làm vì trách nhiệm, làm vừa đủ để chương trình hay chứ thật sự, cảm xúc không đầy. Đó là điều tôi luôn cố gắng tránh. Khi đã nhận một chương trình, tôi sẽ cố gắng hết sức để tạo cho khán giả những giây phút thực sự giá trị khi ngồi trước màn hình. Có khi đó chỉ là giá trị vui vẻ đơn thuần, giải trí, có khi lại là giá trị về kiến thức với những câu hỏi về kiến thức hoặc có những giá trị về tâm lý, tình cảm, gia đình, giá trị nhân văn, rất nhiều cái. Mỗi chương trình, tôi sẽ tạo một màu sắc để khán giả không nhàm chán.
- Nếu khán giả phản hồi, anh có tuyên bố "tôi sẽ không tham gia gameshow nữa" hay "tôi sẽ giảm bớt lên truyền hình" không?
- Không. Nếu khán giả phản hồi như vậy, tôi sẽ ghi nhận điều đó vì họ nhận xét đúng. Tôi sẽ thay đổi tôi một cách tích cực. Đó là lời nhận xét chân thành từ khán giả, tôi sẽ thay đổi, không tuyên bố là không tham gia gameshow nữa. Lời nói đó như một lời giận lẫy, không thể nào giận khán giả được vì đó là góp ý đúng. Nếu có ai nói tôi xuất hiện trên chương trình này chán quá hay thế nào, chắc chắn tôi sẽ ghi nhận điều đó để thay đổi. Tôi sẽ không tham gia nữa khi chương trình không mời. (Cười) Nếu chương trình vẫn mời, tôi vẫn sắp xếp được, tôi sẽ ghi nhận và thay đổi chính bản thân mình. Tôi không cố chấp đến mức không nghe ai nói gì.
- Một nghệ sĩ xuất thân từ sân khấu kịch như IDECAF chẳng hạn, một môi trường được các bậc tiền bối chỉ dạy, hướng dẫn cách làm nghề cũng như cách ứng xử khác hẳn so với các đồng nghiệp khác. Anh có cảm nhận được điều đó không?
- Tôi không đánh giá các đồng nghiệp khác vì không phải ai cũng như vậy. Trong môi trường showbiz rộng lớn, có người thế này, có người thế kia, tôi sẽ không đánh giá ai. Với các anh em sân khấu kịch IDECAF, gần như có nề nếp cả. Khi tôi bắt đầu vào sân khấu kịch IDECAF, tôi 21 tuổi, mới ra trường, chân ướt chân ráo vô nghề. Khi đó, tôi còn rất nhiều bỡ ngỡ. May mắn tôi được các anh chị trong sân khấu dìu dắt từ những ngày đầu. Gần như những gì tôi học đều là căn bản, khi ra sân khấu mới thấy bản thân nhỏ bé vô cùng, còn biết bao nhiêu thứ phải học. Tôi phải ngồi hàng đêm để xem các anh lớn hoá trang, ngồi ở cánh gà xem các chị lớn diễn ngoài sân khấu, học về hình thể, cách khai thác hành động, cách khai thác tâm lý nhân vật… Bao nhiêu thứ tôi học được ở sân khấu IDECAF trong những ngày đầu học nghề. Bên cạnh đó, đạo đức làm nghề cũng vậy, trong quá trình tập luyện với nhau.
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu không để ý sẽ rất dễ có những điều không hay. Nhiều khi thấy quen thân rồi nên hơi xồn xã với nhau, sẽ dễ có những điều không hay. Ngay lập tức các anh chị lớn chỉnh tôi liền, nhưng là chỉnh một cách nhẹ nhàng, hay nói đúng hơn là dạy tôi. Anh Hữu Châu cũng vậy, anh ấy rất thân tình. Mỗi khi tôi có gì sai, anh hay kêu ra riêng nói chuyện, anh không nói trước mặt mọi người vì sợ tôi "quê". Những anh chị lớn dạy, tôi nể vô cùng. Những điều đó, tôi không biết thật. Tôi sai thật nên khi có những lời dạy như vậy, tôi rất trân quý và ngày này qua ngày nọ, cứ như vậy hình thành cho tôi đạo đức của một người nghệ sĩ, từ lớp trên đến lớp dưới truyền lại cho nhau. Sau này, khi tôi trở thành đàn anh, những lớp đàn em cũng vậy, tôi là người chỉ dạy hoặc răn đe nếu các em làm sai, hoặc nói chuyện riêng với các em. Thế hệ trên tiếp nối xuống dưới nên những anh em từ IDECAF bước ra ngoài làm việc đều được anh em đồng nghiệp tin tưởng. Cũng vì sân khấu IDECAF trước đây vốn là một thương hiệu lớn, đến ngày nay vẫn vậy, một thương hiệu đảm bảo được giá trị nghệ thuật cũng như giải trí nên những anh em xuất thân từ đó cũng có những uy tín đó. Bên cạnh đó, tính cách, sự hoà nhã và cách làm việc chuyên nghiệp cũng được người xung quanh quý mến.
- Mọi người rất nhớ anh ở những vai diễn dành cho thiếu nhi, đến bây giờ lại không quy tụ được những diễn viên giống anh hay chú Lộc, anh có tiếc nuối hay không?
- Thật ra chương trình “Ngày xửa ngày xưa” vẫn còn tiếp tục nhưng không được đăng trên YouTube vì yếu tố bản quyền. Hiện tại, “Ngày xửa ngày xưa" vẫn còn, vẫn được quay hình nhưng chưa phát hành và không còn đăng lên YouTube như trước nên mọi người tưởng không còn. Mỗi năm, “Ngày xửa ngày xưa" đều có diễn nhưng năm nay dịch nên phải ngưng. Với tôi, tôi đã ngừng cộng tác với sân khấu từ năm 2017. Tôi rất tiếc nuối vì không còn cơ hội cộng tác với các anh chị nữa. Bây giờ, thỉnh thoảng tôi ở nhà, tôi mở xem lại clip trước đây, tôi thấy vui lắm. Tôi nhớ lại khoảng thời gian trước đây tôi đã từng tung hoành trên sân khấu với các anh chị thế nào, miệt mài với các anh chị ra sao. Đó là một kỉ niệm đẹp, một hành trang cũng như những dấu ấn để khán giả nhớ đến tôi. Tôi luôn trân trọng khoảng thời gian đó và đó là khoảng thời gian rèn cho tôi nghề vững vàng. 17 năm ở sân khấu kịch IDECAF là khoảng thời gian tuyệt vời để tôi có thể trở thành người nghệ sĩ được yêu mến như bây giờ.
- Anh có bao giờ nghĩ anh sẽ quay trở lại IDECAF để diễn không?
- Tôi rất muốn một ngày nào đó có cơ hội quay trở lại, đứng trên sàn diễn cùng các anh chị, không chỉ trong chương trình “Ngày xửa ngày xưa" mà ngay cả những vở diễn dành cho người lớn nữa.
- Cảm ơn MC Đại Nghĩa về buổi trò chuyện này!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thân thế khủng của cô gái Việt Nam trong bức ảnh hiếm chụp cùng Tổng thống Donald Trump
Lần đầu tiên tổ chức liên hoan phim hoạt hình Dòng khát vọng
Nam diễn viên bị kết tội mua dâm vẫn ngang nhiên làm 1 việc này khiến khán giả không khỏi phẫn nộ
8 bộ phim đặc biệt được lựa chọn tham gia “Chợ dự án Haniff 2024”
Cô gái ngồi xe lăn giành giải Nhất cuộc thi viết kịch bản
Người đàn ông đẹp trai nhất thế giới 2024 là ai?