Văn hóa

Một thế kỷ thư tay - Thanh xuân xa nhớ

Đây là chủ đề của chương trình Quán thanh xuân tháng 10 sẽ được truyền hình trực tiếp lúc 20h35 Chủ nhật ngày 06/10 trên kênh VTV1.

Viết thư tay là một trong những cách giao tiếp đẹp đẽ nhất giữa con người với con người. "Một thế kỷ thư tay – Thanh xuân xa nhớ " là một hành trình đầy cảm xúc về những lá thư tay trải dài theo lịch sử, chở theo bao nhiêu thương nhớ từ cả người nhận lẫn người gửi. Quán thanh xuân tháng 10 cùng bạn tìm lại ký ức đẹp đẽ ấy.

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ và những dịch vụ đa phương tiện, có vẻ như những lá thư viết bằng tay đã trở nên quá xa xăm. Người thời nay liên lạc qua email, tin nhắn, … mấy ai còn cặm cụi ngồi biên thư tay. Thế nhưng, nếu có duyên được đọc lá thư ba mẹ hay ông bà bạn viết cho nhau hẳn bạn sẽ đồng ý rằng, thư tay khiến bạn có cảm giác hồi hộp và giàu cảm xúc hơn rất nhiều. Bạn cảm nhận được con chữ trên trang giấy và tình cảm của người gửi tới mình…

Nó là thứ cảm xúc vô hình, nhưng có thể cảm được rất dễ dàng. Điều đó giải thích vì sao mà có những bức thư được trân trọng giữ gìn qua hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ. Và vì thế Quán thanh xuân mới có chất liệu để xây dựng chương trình Một thế kỷ thư tay – Thanh xuân xa nhớ.

Chương trình Quán thanh xuân tháng 10 có sự tham gia của các khách mời: Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, Nhà báo Phùng Huy Thịnh, Nhà thơ Hữu Việt, NSƯT Minh Vượng, Nhạc sĩ Trương Quý Hải, MC - diễn viên Đan Lê, ca sĩ Tùng Dương.

Khán giả sẽ được nghe những ca khúc đầy chất trữ tình: Anh quân bưu vui tính (Đàm Thanh); Gửi em ở cuối sông Hồng (thơ Dương Soái, nhạc: Thuận Yến); Thư về với mẹ (Trương Quý Hải); Gửi người em gái (Đoàn Chuẩn - Từ Linh); Mẹ tôi (Trần Tiến); Bồ câu không đưa thư (Nguyễn Văn Hiên); Gửi anh xa nhớ (Tiên Cokkie); Liên khúc Mối tình đầu - Bức thư tình đầu tiên (Thế Duy- Đỗ Bảo)… do các ca sĩ nổi tiếng như Tấn Minh, Tùng Dương, Đông Hùng, Đan Lê... thể hiện.

Trong chương trình Quán thanh xuân tháng 10, nhà văn Đặng Vương Hưng sẽ chia sẻ ký ức về những lá thư đặc biệt trong hơn 300 bức thư đã được anh tập hợp và biên soạn trong cuốn “Những lá thư thời chiến Việt Nam”.

Chung ký ức về những lá thư thời chiến, nhà báo Phùng Huy Thịnh, nhạc sĩ Trương Quý Hải sẽ kể câu chuyện riêng tư của mình về những bức thư được lưu giữ cẩn thận nơi chiến trường, người có thể ướt chứ thư thì không thể ướt. Thư cũng chính là thứ giúp tìm lại người thân, người nhà khi hy sinh... Có khi thư tới thì người đã mất.

Chia sẻ tại Quán thanh xuân tháng 10, nhà thơ Hữu Việt kể về quãng thời gian sống xa nhà, đi học tại nước Nga. Những bức thư gửi về cho gia đình cũng chính là nhật ký cuộc sống du học sinh đầy bỡ ngỡ và có biết bao điều muốn kể.

Ca sĩ Tùng Dương có cha mẹ đi học ở Liên Xô (cũ). Nhiều năm tháng dài, ca sĩ hoàn toàn chỉ biết tình hình cha mẹ qua những lá thư. Ngày gặp lại cha mẹ cũng là khi anh được sang Liên Xô biểu diễn.

NSƯT Minh Vượng đem đến Quán thanh xuân những câu chuyện vui. Chả hạn, thời xa xưa ấy có những đôi vợ chồng hoặc người yêu xa cách viết thư xong thường đề thêm vào ngoài phong bì hàng chữ rất nắn nót năn nỉ: “Xa nhau tình cảm dạt dào/Nhờ anh bưu điện chuyển vào tận tay”. Anh bưu tá kia chắc đọc mãi mấy câu ấy cũng chán, cũng bực mình, bèn phăng thêm vào dưới: “Thư này ông đếch chuyển ngay/Để xem tình cảm chúng mày ra sao”.

NSƯT Minh Vượng bộc bạch về những lá thư tình không dám gửi, hoặc chỉ dám giữ mãi trong ngăn tủ. Còn nhà báo Phùng Huy Thịnh thì nhớ lại cái thời không có người yêu mà vẫn viết thư cho “người em gái trong tưởng tượng”. Nhà thơ Hữu Việt chia sẻ kỷ niệm về những cánh thư tuổi học trò chở bao e ấp, những câu chuyện đưa thư không được hồi âm, những dư vị về thư tình thời áo trắng...

Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể lại những tình huống hài hước “vận chuyển” thư thời sinh viên. Chuyện truyền thư từ ký túc xá nam sang nữ, truyền từ tầng này sang tầng khác. Tụi chuyển thư đòi công, mà sinh viên tiền đâu dư dật: Được tình thì mất bánh mì... Rồi những tình cảm bị ngăn cấm chỉ có thể qua thư mà tỏ tình...

Thời nay, người ta có thể kết nối thông tin với nhau trong vòng vài giây. Nhưng một thế kỷ thư tay là ký ức khó quên của nhiều thế hệ với sức mạnh từ những câu từ giản dị, từ mùi thơm của giấy và những truân chuyên trong hành trình gửi thư. Thư tay là dấu ấn cá nhân của mỗi người. Những lá thư tay chính là báu vật thời gian để thế hệ sau biết thế hệ trước đã sống, yêu và thương nhớ nhau như thế nào. Và đó chính là sức sống của những lá thư tay trong đời sống hôm nay.

PV
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo