Mua chuộc nhân viên nhà xác để chụp bức ảnh độc nhất vô nhị về thi thể Lý Tiểu Long
Lý Tiểu Long và bộ ảnh trang phục cổ trang hiếm hoi / Cái chết của con trai Lý Tiểu Long và bộ phim định mệnh
Mua chuộc nhân viên nhà xác
Cựu phóng viên Patrick Wang Sai-yu có thể được coi là người tiên phong về báo lá cải ở Hong Kong, theo báo Hong Kong South China Morning Post. Ông thành lập tờ “Kam Yeh Pao” (Kim Dạ Báo) khi mà chưa có điện thoại di động, internet, ống kính tele để chụp ảnh từ xa. Tuy nhiên, ông đã xoay xở để có được những tác phẩm cực kỳ ăn khách.
Một trong những tác phẩm báo chí ông ưng ý nhất là bức ảnh liên quan cái chết của ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long hồi tháng 7/1973. Thời đó, người ta đồn rằng, Lý qua đời khi đang “lên đỉnh" và phần thân dưới của Lý chính là bằng chứng thuyết phục nhất.
“Tôi trả cho nhân viên nhà xác phụ trách trang điểm cho người quá cố 1.500 đô la Hong Kong để được vào chụp ảnh thi thể Lý Tiểu Long. Bên cổ trái của Lý sưng phồng. Khi tôi cố chụp ảnh phía dưới (thân dưới), bà ấy (nhân viên nhà xác) xô tôi sang bên, kéo tôi ra khỏi nhà xác, nói rằng tôi sẽ khiến bà ấy bị đuổi việc”, ông Wang kể.
Trong lễ tang, thi thể Lý Tiểu Long được che kín từ chân lên cằm bằng một mảnh vải. “Bức ảnh của tôi là bức duy nhất trên thế giới chụp Lý với chiếc cổ sưng phồng”, ông Wang nói.
Ông Wang cho đăng bức ảnh chụp thi thể Lý Tiểu Long trên trang nhất của tờ “Kam Yeh Pao” và tờ báo bỗng chốc bán chạy nhất Hong Kong. Có người đã trả hơn 1.000 đô la Hong Kong (tương đương hơn 1.000 USD nếu tính theo tỷ giá bây giờ) cho số báo ngày hôm đó. Hồi đó, giá bìa tờ báo chỉ là 50 xu (1/2 đô la Hong Kong).
Lý Tiểu Long chết trong căn hộ của nữ diễn viên Đài Loan
Ngay trước khi bức ảnh độc nhất vô nhị được đăng tải là một bài báo độc quyền với nội dung Lý Tiểu Long tử vong trong căn hộ của nữ diễn viên Đài Loan Đinh Phối (Betty Ting Pei), chứ không phải tại nhà của Lý như nhà sản xuất phim Hong Kong Trâu Văn Hoài (Raymond Chow Man-wai) ban đầu nói với báo giới.
“Tôi nhận được điện thoại của một độc giả nói rằng, bạn trai của bà ấy (độc giả) lái xe cứu thương tới nhà Đinh Phối ở Waterloo Hill (khu Cửu Long) và chở Lý đi. Tôi đã xác minh với các quan chức, đúng là một xe cứu thương đã dừng lại tại địa chỉ đó vào thời điểm đó”, ông Wang kể.
Năm 2013, Đinh Phối thừa nhận bà và Lý Tiểu Long có quan hệ yêu đương bí mật khi Lý đã có vợ. Tuy nhiên, bà phủ nhận hai người có quan hệ tình dục vào ngày ngôi sao võ thuật tử vong, báo Trung Quốc People’s Daily đưa tin. Hôm đó, Lý kêu đau đầu nên bà đưa một viên thuốc Equagesic cho ông uống. Nhiều người cho rằng, Lý tử vong do phản ứng dị ứng dẫn tới phù não.
Được Kim Dung tin dùng, ngày viết 4 vạn chữ
Năm 1972, ông Wang lập ra tờ “Kam Yeh Pao”, đăng nhiều tin lá cải, lời khuyên về đua ngựa, truyện ngôn tình...
Ông Wang quê ở tỉnh Sơn Đông, tới Hong Kong năm 1957 và làm người đọc rà soát cho tờ “Ming Pao” (Minh Báo) vào năm 1959. Ông Tra Lương Dung (Louis Cha Leung-yung) lập từ “Minh Pao” năm 1959, viết nhiều tiểu thuyết võ hiệp kỳ tình nổi tiếng với bút danh “Kim Dung”, như “Anh hùng xạ điêu”, “Thần điêu đại hiệp”, “Ỷ thiên đồ long ký”, “Thiên long bát bộ”, “Tiếu ngạo giang hồ”, “Lộc đỉnh ký”…
“Sau khi tôi làm việc được 3 ngày, Kim Dung hỏi tôi liệu tôi từng viết gì trước đó hay không. Tôi cho ông xem những bài báo trước đó tôi viết cho mục sinh viên ‘Hwa Chiao Jit Pao’. Ông bảo tôi viết tốt và cho tôi làm biên tập viên vào ngày thứ 6. Ông ấy rất tin tưởng tôi”, ông Wang nói.
Ông Wang trở thành thư ký riêng đầu tiên của Kim Dung và làm việc với tất cả xuất bản phẩm do “Ming Pao” sản xuất. Nhiệm vụ của ông giống như “lẩu thập cẩm”, từ lên ý tưởng tới sắp xếp phỏng vấn, viết bài, biên tập, thậm chí đánh máy.
“Mỗi ngày tôi viết tới 4 vạn chữ”, ông Wang kể. Các chuyên mục ông phụ trách rất đa dạng, từ hướng dẫn tự vệ (ông biết quyền Anh và karate), phong thủy đến xuân dược, tranh ảnh “tươi mát”. Trên mặt báo, ông cũng sẵn sàng tranh luận với các nhà khoa học về sự tồn tại của năng lực siêu phàm.
Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, căng thẳng ở Hong Kong gia tăng. Kim Dung sang Singapore để tránh sự hỗn loạn, để ông Wang phụ trách tờ báo.
Vài năm sau, do bất đồng với vợ Kim Dung, ông Wang gia nhập nhật báo “Hong Kong Daily News”. Dù không làm ở “Hong Kong Daily News” được lâu, ông gặp được vị hôn thê tại đó.
“Tôi biết xem chỉ tay. Một hôm, 20 người xếp hàng nhờ tôi xem bói. Cô ấy lúc đó làm ở phòng kế toán, đứng thứ 3 trong hàng. Sau khi đọc chỉ tay cho cô ấy xong, tôi nói rằng, cô ấy có thể trở thành vợ tôi trong tương lai. Cuối cùng, điều đó trở thành sự thật”, ông Wang kể.
Sự vụt sáng của “Kam Yeh Pao” đúng là điều thần kỳ, ông Wang nhận định. Tờ báo chỉ có một nhân viên nhưng bán được 100.000 bản, gấp đôi lượng phát hành của tờ “Ming Pao” nổi tiếng. Nội dung “Kam Yeh Pao” ướt át tình ái nhưng không thô tục, không có gì là rõ ràng, và độc giả phải dùng đến trí tưởng tượng của họ, ông nói.
Năm 1983, ông Wang bán tờ báo của mình và di cư sang Mỹ để đoàn tụ anh chị em ở bang Florida, nhưng ông cũng không ở đó lâu. Khi Kim Dung mời ông trở lại “Ming Pao” năm 1986 để vực dậy tờ báo này (lượng phát hành giảm mạnh sau khi các báo có nội dung kinh doanh như “Hong Kong Economic Journal” xuất hiện), ông nhanh chóng nhận lời.
Sau hơn 3 thập kỷ làm báo, ông Wang cuối cùng nghỉ hưu năm 1990 và di cư sang Canada cùng gia đình.
Ông nghiên cứu đông y và sau khi nhận chứng chỉ của Canada, ông mở một phòng khám ở thành phố Vancouver, tư vấn miễn phí cho bệnh nhân. Ông đã xuất bản hơn 20 cuốn sách về đông y.
Dù bị đau tim và phải nong mạch năm 2003, ông Wang nói rằng, lối sống của ông vẫn như hồi làm báo – thức khuya dậy sớm. “Quan trọng nhất là vui vẻ thôi”, ông nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo