Người trẻ Ba Na tự hào về văn hóa cồng chiêng
B“Mình sinh ra trong tiếng cồng chiêng, ăn gạo mới trong tiếng cồng chiêng, lấy chồng trong tiếng cồng chiêng... Được học múa và chơi cồng chiêng là niềm tự hào của mình và mỗi thanh niên Ba Na”.
Việt Nam tổ chức sự kiện lớn của giới khảo cổ học thế giới / Triển lãm bản đồ đồng nát ở Hà Nội
Đội cồng chiêng xã Đăk Mang đang luyện tập trước nhà Rông thôn O6, xã Đăk Mang. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN. |
Cô gáinày năm nay 25 tuổi, dáng người đậm đà, khỏe mạnh, khuôn mặt luôn tươi cười. Cô tham gia vào đội múa cồng chiêng đã được 5 năm. Mỗi tuần 2 buổi chiều, Nhàn tới nhà rông thôn O6, xã Đăk Mang để tập cồng chiêng cùng cả đội. Các buổi tập thường có 15 - 20 người tham gia, hầu hết là những thanh niên dưới 30 tuổi. Các chàng trai, cô gái đều vui vẻ, tự hào khi được khoác lên người những bộ trang phục truyền thống, cùng nhau nhảy múa trong tiếng cồng chiêng. Không chỉ học múa, chị em ở đây cũng được học cách cầm và chơi cồng chiêng nên mọi người đều có thể thay thế nhau khi người khác vắng mặt.
Người Ba Na không có trường lớp dạy cồng chiêng mà cứ truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác, từ người già qua người trẻ, chỉ cần ghi nhớ rồi luyện tập nhuần nhuyễn là được. Ông Đinh Giang Mía (55 tuổi) là một trong những người hướng dẫn của đội cồng chiêng xã Đăk Mang. Ông Mía học cồng chiêng từ năm mười tám đôi mươi, qua người bác ruột của mình. Qua những lần mang cồng chiêng đi biểu diễn cùng đội văn nghệ của huyện, tham gia nhiều lễ hội trong tỉnh, ông lại được học hỏi nâng cao kỹ năng nhiều hơn. Với niềm đam mê từ thời trẻ, chăm chỉ luyện tập, ông thành thạo nhiều nhịp điệu cồng chiêng và luôn đau đáu mong trao truyền lại cho các thế hệ sau.
Ông Mía chia sẻ: Quan trọng nhất là phải cầm cồng, chiêng đúng tư thế, sau đó phải chơi sao cho đều tay và đúng nhịp. Chiêng thì đánh bằng khúc cây ngắn, cồng thì đánh bằng phần bụng của nắm tay, số nhịp đánh tùy theo từng loại cồng, chiêng, loại “mẹ” hay loại “con”. Người Ba Na có nhiều điệu cồng chiêng khác nhau cho từng nghi lễ như: điệu cưới xin, điệu tiếp khách, điệu mừng lúa mới, ... Người trẻ mới học cần luyện tập thường xuyên để có thể phân biệt, không nhầm lẫn giữa các giai điệu. Mình mừng vì mấy bạn trẻ trong đội đã thuộc và chơi được hết các bài mà mình đã dạy.
Không chỉ học múa, chị em phụ nữ ở xã Đăk Mang cũng được học cách cầm và chơi cồng chiêng như những người đàn ông. Ảnh: Quốc Dũng - TTXVN. |
Rồi ông Mía cùng đội cồng chiêng Đăk Mang biểu diễn giai điệu tiếp khách cho chúng tôi thưởng thức. Trên khoảng sân rộng phía trước nhà rông văn hóa, đội cồng chiêng vừa nhịp gõ, vừa múa vòng tròn. Họ xếp thành 2 hàng, hàng đi vòng ngoài có 5 người nam và 2 người nữ, sử dụng 7 cái cồng và chiêng, người già nhất cầm chiếc cồng lớn nhất đi trước, những cái sau nhỏ dần. Hàng trong có 7 người nữ, vừa đi vừa múa các động tác đơn giản và vỗ tay theo nhịp. Điệu múa tái hiện và hình tượng hóa các động tác lao động hàng ngày của người Ba Na như tỉa bắp, hái rau rừng, gieo hạt... Các chàng trai lắc lư theo nhịp gõ, các cô gái cười rất tươi trong bộ váy thổ cẩm truyền thống, như những đóa hoa rừng đua nhau khoe sắc.
Một trong những người đầu tiên thành lập và gắn bó lâu năm với đội cồng chiêng của xã Đăk Mang là ông Đinh Văn Kha, thôn O10, xã Đăk Mang (huyện Hoài Ân). Ông Kha là đội trưởng đội cồng chiêng và cũng là cán bộ văn hóa của UBND xã. Ông Kha nhớ lại, đã có thời gian tiếng cồng chiêng tưởng như sẽ mai một, khi những người biết chơi ngày càng già đi, trong khi lớp trẻ không có thời gian để học hỏi. Trải qua năm tháng, những bộ cồng, chiêng trong thôn cũng hư hỏng, thất lạc dần. Nhưng khoảng 30 năm trở lại đây, được sự quan tâm của các cấp Đảng, Nhà nước, nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy nét văn hóa dân gian này được triển khai. Suốt những năm tháng đó, ông Kha cùng các già làng tới tận nhà để tuyển chọn, động viên các thanh niên có năng khiếu, ngoại hình tốt để tham gia luyện tập cồng chiêng. Đến nay đội cồng chiêng xã Đăk Mang đã là nhân tố chủ lực trong đội cồng chiêng của huyện Hoài Ân, chuyên đi biểu diễn trong các lễ hội lớn trong và ngoài tỉnh. Các dịp mừng Đảng, mừng xuân, ngày lễ của 4 thôn trong xã Đăk Mang vì thế cũng luôn rộn ràng tiếng cồng chiêng.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỉnh luôn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng lớp trẻ đồng bào Ba Na, H’re để học hỏi và gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Huyện Hoài Ân chỉ có 5 xã có đồng bào Ba Na, H’re sinh sống, không nhiều như các huyện miền núi khác của tỉnh nhưng đó cũng chính là lý do cần phải coi trọng công tác bảo tồn các nét văn hóa dân tộc đặc sắc nơi đây để không bị mai một. Đội cồng chiêng xã Đăk Mang là một trong hơn 20 đội cồng chiêng tại các huyện miền núi tỉnh Bình Định, được sinh hoạt thường xuyên dưới hình thức câu lạc bộ trực thuộc UBND các xã.
“Cứ 2 năm một lần, UBND tỉnh tổ chức Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định để các huyện miền núi luân phiên đăng cai. Năm 2019 sẽ là lần thứ 15 tổ chức ngày hội này, đây là một dịp ý nghĩa để các câu lạc bộ cồng chiêng được tham gia biểu diễn, thi đấu. Ngày hội cũng tạo ra sân chơi cho các thanh niên người dân tộc thiểu số giao lưu, học hỏi và thêm tự hào về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh cho biết.
Tuy nhiên, các đội cồng chiêng xã vẫn còn gặp phải những khó khăn, thiếu thốn. Theo ông Đinh Văn Kha, hiện giờ cả xã Đăk Mang chỉ còn duy nhất một bộ cồng chiêng 7 chiếc, nếu thời gian tới có chiếc bị hư hỏng hay thất lạc thì sẽ không đủ bộ để chơi. Với lượng người trẻ ham mê cồng, chiêng ngày một đông, ông kiến nghị các cấp chính quyền trang bị cho mỗi thôn một bộ cồng chiêng riêng để góp phần lan tỏa sâu rộng nét văn hóa dân tộc này.
Trong khi chờ đợi sự hỗ trợ của các cấp trên, đội cồng chiêng xã Đăk Mang vẫn luôn vui vẻ, say mê với bộ cồng chiêng hiện có. Dưới ánh hoàng hôn, tiếng cười, tiếng vỗ tay, tiếng nhịp chân, tiếng cồng chiêng vang lên rộn ràng. Âm thanh trầm ấm quen thuộc trải dài qua từng căn nhà sàn, qua từng con rẫy, âm vang cả núi rừng...
Theo dantocmiennui.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Động thái đáng chú ý của Phạm Hương giữa tin đồn rạn nứt với chồng đại gia
Quỳnh Nga xuất sắc trở thành Nữ hoàng Bước nhảy hoàn vũ 2024
Hành trình rực rỡ của Hoàng Yến Chibi tại "Chị đẹp đạp gió 2024"
Nữ ca sĩ nổi tiếng bị ‘yêu râu xanh’ sàm sỡ ngay giữa chốn công cộng, bị ám ảnh tâm lý nhiều năm
Vợ chồng Bình An gặp sự cố ‘dở khóc dở cười’ ngày cuối năm, CĐM bình luận ‘kiếp nạn vẫn chưa hết’
Cột tin quảng cáo