Những ngôi sao có tác động đến pháp luật Hàn Quốc
Ngắm nét đẹp kiêu sa của em dâu Tăng Thanh Hà / Nàng hậu gần 80 tuổi vẫn làm công chúng say đắm, nhan sắc như "đóng băng" thời gian
Sulli là nạn nhân của bạo lực mạng. |
Năm 2019, showbiz xứ kim chi rúng động trước cái chết của nữ idol kiêm diễn viên Sulli ở tuổi 25. Cô đã lựa chọn tự kết thúc sinh mạng sau thời gian dài vật lộn với chứng trầm cảm nặng và thường xuyên bị công kích trên mạng xã hội.
Sự ra đi đau lòng của ngôi sao To Beautiful You đã mở ra cuộc thảo luận nghiêm túc về nạn bắt nạt trên mạng. Tổng cộng 7 kiến nghị đã được đăng lên trang web của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc yêu cầu hình phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi bắt nạt trực tuyến, đồng thời quy định gắt gao hơn về việc sử dụng tên thật khi đăng bình luận và tạo tài khoản.
Những cuộc tranh cãi ngày càng tăng trên các diễn đàn xung quanh cái chết và nỗi đau của Sulli buộc giới chính trị Hàn Quốc phải chú ý đến vấn đề này.
Trong một cuộc họp của Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc, dự luật mang tên Đạo luật Sulli đã được đề cập, trong đó đề xuất người dùng Internet buộc phải sử dụng tên thật trên khi đăng bình luận. Mục đích khiến cư dân mạng có trách nhiệm hơn tham gia không gian trực tuyến, chống lại các bình luận ác ý.
Không chỉ vậy, kiến nghị khác được đưa ra để sửa đổi một phần Đạo luật về khuyến khích sử dụng mạng thông tin và truyền thông và bảo vệ thông tin - áp đặt nghĩa vụ đối với các nhà cung cấp dịch vụ thông tin và truyền thông phải xóa những bình luận căm thù khỏi nền tảng của họ.
Đáng tiếc, Đạo luật Sulli không được thông qua và bị đưa ra khỏi bàn đàm phán.
Goo Hara
Đạo luật Goo Hara thông qua vào ngày giỗ đầu của nữ ca sĩ. |
Goo Hara được biết đến là thành viên nhóm nhạc nữ Kara, cũng tham gia một số bộ phim. Giống như bạn thân Sulli, cuộc đời cô dừng lại ở độ tuổi 20. Chỉ một tháng sau khi Sulli qua đời, Goo Hara tự tử ở tuổi 28.
Nữ idol từng bị bạn trai cũ bạo hành và lạm dụng tình dục. Cái chết thương tâm làm dấy lên làn sóng phẫn nộ về thực tế thiếu sự bảo vệ pháp lý đối với phụ nữ trước tội phạm tình dục, điển hình như cuộc khủng hoảng Molka (camera giấu kín quay lén hình ảnh nhạy cảm về phụ nữ), ở Hàn Quốc. Dư luận thậm chí kiến nghị lên Nhà Xanh, yêu cầu trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với hành vi quay phim hoạt động tình dục mà không có sự đồng thuận.
Một chủ đề khác thu hút sự chú ý của dư luận về Goo Hara là luật thừa kế ở Hàn Quốc. Sau khi người đẹp City Hunter qua đời, người mẹ bỏ rơi hai anh em cô từ 20 năm trước bất ngờ xuất hiện tại đám tang, với mục đích được cho là nhận khoản thừa kế từ tài sản hàng triệu USD của con gái quá cố. Theo luật pháp Hàn Quốc, cha mẹ có quyền hưởng tài sản của những đứa con quá cố ngay cả khi họ không nuôi dưỡng hoặc chu cấp.
Goo Ho In, anh trai của nữ ca sĩ, khởi xướng đề xuất mang tên Đạo luật Goo Hara, kêu gọi sửa đổi luật thừa kế của đất nước. Ho In sau đó đệ đơn kiện mẹ mình, đồng thời kiến nghị ban hành đạo luật mới để ngăn chặn cha mẹ đòi hỏi tài sản của con cái nếu họ bỏ bê nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dạy. Chỉ trong 17 ngày, đơn thỉnh cầu thu được hơn 100.000 chữ ký và cuối cùng được thông qua vào tháng 12/2020.
Đáng tiếc, nó không được áp dụng trong trường hợp của Goo Hara vì xảy ra trước khi luật mới có hiệu lực. Dù vậy, Goo Ho In vẫn coi Đạo luật là món quà cuối cùng dành cho em gái.
BTS
Những đóng góp cho nền âm nhạc và kinh tế Hàn Quốc của BTS giúp họ có đạo luật mang tên mình.
|
Tháng 12/2020, Quốc hội thông qua sửa đổi luật liên quan đến nghĩa vụ quân sự bắt buộc, tạo cơ hội cho các nam thần tượng được hoãn nhập ngũ nếu đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể. Bản sửa đổi, được gọi rộng rãi là Đạo luật BTS, được đề xuất vào tháng 9/2020 sau thành công vang dội của đĩa đơn Dynamite trên trường quốc tế.
Theo luật pháp Hàn Quốc, tất cả nam giới không khuyết tật đều phải nhập ngũ trong 18 tháng ở độ tuổi 28. Tuy nhiên, Đạo luật BTS cho phép các nghệ sĩ KPop hoãn nhập ngũ đến 30 tuổi, nhưng chỉ khi họ nhận được công nhận từ chính phủ cho những đóng góp về văn hóa trong nước và toàn cầu - như Huân chương Văn hóa mà BTS được trao vào năm 2018.
Dự luật được thông qua chỉ ba ngày trước khi thành viên lớn tuổi nhất của BTS, Jin, bước sang tuổi 28. Cho đến nay, các thành viên BTS là những người duy nhất được hưởng lợi từ sửa đổi này. Tuy nhiên, Jin và J-Hope đã rút lại yêu cầu hoãn nhập ngũ và đang phục vụ trong quân đội. Suga cũng có động thái tương tự dù chưa đến tuổi. 4 thành viên khác dự kiến nối gót các anh.
Lee Seung Gi
Vụ việc Lee Seung Gi bị ăn chặn tiền lương là tiền đề cho đạo luật mới bảo vệ quyền lợi cho các nghệ sĩ giải trí.
|
Lee Seung Gi gây chú ý vào 2022 sau khi công ty quản lý cũ Hook Entertainment bị vạch trần bóc lột nam ca sĩ kiêm diễn viên theo “hợp đồng nô lệ” trong 18 năm. Tháng 12/2022, Lee Seung Gi đâm đơn kiện công ty với cáo buộc trộm cắp và gian lận tiền lương. Mặc dù có một sự nghiệp âm nhạc thành công, anh không có thu nhập từ nhạc số trong suốt 18 năm ký hợp đồng với công ty. Cuối cùng, công ty phải trả cho nam ca sĩ số tiền nợ lên tới khoảng 4,10 tỷ won (khoảng 3,09 triệu USD).
Sau vụ ồn ào, cơ quan lập pháp Hàn Quốc thông qua một đạo luật vào tháng 4/2023, có tên gọi Đạo luật ngăn chặn khủng hoảng Lee Seung Gi, nhằm bảo vệ những người làm giải trí khỏi các hợp đồng bóc lột bằng cách tăng cường tính minh bạch tài chính. Một trong những điều khoản mới quan trọng nhất mà dự luật áp đặt đối với các công ty giải trí Kpop là họ phải tiết lộ báo cáo lợi nhuận công ty cho thần tượng ít nhất mỗi năm một lần. Ngoài ra, công ty cũng phải cung cấp báo cáo tài chính bất cứ khi nào nghệ sĩ yêu cầu.
Bên cạnh sự minh bạch về tài chính, luật mới còn áp đặt một số quy định mới đối với các công ty thuê thần tượng ở độ tuổi vị thành niên, nhằm bảo vệ quyền lợi của các idol. Các quy định bao gồm số giờ làm việc tối đa thấp hơn, cấm các hoạt động xâm phạm quyền học tập của những người nổi tiếng trẻ tuổi, cấm các hành động gây nguy hiểm cho sức khỏe và yêu cầu thuê “nhân viên bảo vệ thanh thiếu niên” tại các công ty giải trí.
- Video nét quyến rũ của Hoàng Thùy. Nguồn: FBNV.
End of content
Không có tin nào tiếp theo