NSND Hoàng Cúc, NSƯT Minh Vượng tiết lộ về cái Tết "đói, chia đôi… bát phở"
"Yêu tinh hack tuổi" Dara khoe body nuột bất ngờ hậu lễ Tết, JooE (MOMOLAND) gây tranh cãi với visual "ảo" tại sự kiện / Bức ảnh hot nhất Weibo: Sehun và Tống Uy Long chung khung hình, nhan sắc hack tuổi của mỹ nam EXO gây chú ý
NSND Hoàng Cúc, NSƯT Minh Vượng đã có những chia sẻ những ấn tượng, kỷ niệm về cái Tết thời bao cấp, nhiều khó khăn trong chương trình Quán thanh xuân số đầu tiên năm 2020.
“Khi mà tôi về đoàn kịch Hà Nội thì lúc đó diễn viên Minh Trang và Minh Vượng nổi tiếng lắm rồi. Không ai có thể quên “Hà Mi của tôi”, vở kịch diễn xuyên cả Tết. Mà đi diễn thì… đói, bánh chưng ít lắm.
Tôi nhớ cùng chị Minh Vượng, mùng 3 Tết đi diễn ở ngoại thành. Một đêm diễn được bồi dưỡng chỉ đủ để ăn một bát phở. Cố xem trong túi có đủ tiền mua hai bát phở không nhưng không đủ, đành mua một bát rồi… chia đôi, húp không còn một giọt nước nào”, NSND Hoàng Cúc kể lại.
"Mỹ nhân màn ảnh thập niên 80" Hoàng Cúc chia sẻ thêm: “Nhà tôi ở xa, tận dưới Thượng Đình. Đi diễn về sau Tết, bánh chưng thì hiếm, cơm lại càng hiếm hơn. Có những hôm Minh Vượng bảo rằng, đêm hôm qua đi diễn về, Cúc không nấu được cơm, sáng sớm đã phải lên nhà hát tập vở. Chiều đi diễn, Cúc đừng mang cơm, Vượng sẽ mang cơm cho Cúc nhá. Trời ơi, lúc bấy giờ mừng vô cùng. Tôi còn nhớ Vượng mang cặp lồng cơm đi, mở ra có một khúc bánh chưng, cơm và mấy miếng thịt độn dừa, mấy hạt lạc.
Thế là tôi và Vượng cùng các nghệ sĩ mặt hoa da phấn, trong phục trang ông hoàng bà chúa tối mùng 2 Tết mở cặp lồng cơm ngồi ăn. Thế mà còn có người bên cạnh hỏi: “Cúc ơi, mày có gì ăn không? Cho anh một miếng”. Tôi hỏi: “Miếng gì?” Anh bảo: “Miếng thịt””...
Còn NSƯT Minh Vượng lại nhớ đến cái không khí xếp hàng chờ lấy nước ở máy nước công cộng của lũ trẻ, cái không khí có đầy đủ ông bà, bố mẹ, anh em. “Tôi nhớ cái mùi khói củi, lẫn mùi khói lá, khói bánh cứ ngào ngạt. Một lần tôi đi diễn ở Nga vào dịp Tết, nhớ nhà lắm. 5 ngày liền, toàn ăn đồ Tây. Sáng ngày mùng 3 Tết, chúng tôi đến chợ Bến Thành bên Nga. Nói mọi người không tin chứ, ngửi mùi rác cũng thấy… thơm. Vì nhớ nhà, nhớ Tết, nhớ tất cả mọi người. Rõ ràng miệng thì cười mà nước mắt cứ rơi, xa nhà trên dưới 20 ngày mà bản thân cứ đau đáu, khắc khoải…”
Không chỉ kể về những cái Tết trong ký ức, nữ diễn viên hài còn chia sẻ về “người xưa” trên sóng truyền hình. “Khi tôi học gần đến lớp 7, thì ở lớp có một bạn tên Thành chuyển đến. Bạn mắc bệnh ngoài da, mà trước ta hay gọi là… ghẻ. Ngày đó, bị bệnh ngoài da, thường người ta chấm xanh- methylen. Đến khi họp lớp, tôi bảo: “Theo tôi, đừng gọi là Thành ghẻ cho có văn hóa, gọi là Thành vi- ô- lét. Thế là cái tên đó theo Thành đến tận lúc học đại học.
Đúng là Hà Nội… chật quá, cuối cùng tôi là người “hứng” vi- ô- lét đấy. Một lần trời mưa, đang đi thì “uỵch” một cái, cái bánh xe đụng vào chân. Tôi quay lại trừng mắt, định nói là: “Đi thế à?”, đáp lại là… nụ cười của người xưa.
Trời ơi, sao mấy năm không gặp mà chàng lại đẹp trai thế? Tôi hất hàm hỏi: “Ở đâu thế? Làm gì rồi? Đi uống nước đi”. Sau đó thì, hai đường thẳng vốn song song lại chập điện. Thế là nói lời yêu…
Có một lần trước khi chia tay hơn một năm, thời đó sinh viên nghèo, chúng tôi lang thang ở chợ hoa Mai Hắc Đế, tự dưng… lạc nhau. Cuối cùng khi tìm thấy, chàng mở áo vest của chàng ra và một bông hồng vàng đẹp tuyệt. Cho nên, lọ hoa Tết nhà tôi chỉ có một bông hồng vàng.
Thôi thì tình xưa nghĩa cũ cứ bâng khuâng thế thôi, chứ người ta cũng có gia đình rồi. Và năm mới, tôi mong bạn hạnh phúc!”
Theo tiết lộ của hai người bạn- hai người đồng nghiệp thân, diễn viên Minh Trang và Hoàng Cúc thì Minh Vượng là người yêu sớm nhất, nhiều nhất trong lớp. Minh Vượng có “rất nhiều mối tình lặt vặt”.
Cũng tại chương trình, Minh Vượng tặng hai bạn diễn gắn bó mấy chục năm bài thơ “Lời cô gái dặn lại chồng”: “Chiều đi diễn em lại vội vàng quá/Anh có về, sang nhà trẻ đón con/ Cơm em thổi, ủ cuối giường còn nóng/ Bột đã quấy rồi, anh nhớ ép con ăn/ Tối trở lạnh, nhớ mặc con thêm áo/ Và đừng chờ em, đi ngủ trước nghe anh/ Đêm diễn muộn, em về đừng trách/ Sân khấu đêm rực rỡ ánh đèn/ Em bình dị nhập vai người chiến sĩ/ Tải đạn, gùi lương đi khắp chiến trường/ Kìa súng nổ em gượng mình bên suối/ Sân khấu lặng ngừng em ngã xuống hi sinh/ Mải nhìn em, tôi quên diễn vai mình/ Hối hả tẩy trang, sân khấu lại trả em về với đời toan lo bộn bề cuộc sống/ Lại vẫn là em cô gái bình thường/ Vẫn những chiều vội vàng đi diễn/ Vẫn những mảnh giấy gài bên cửa sổ lắc bay”…
End of content
Không có tin nào tiếp theo