DNVN - Mới đây, Phạm Vinh - tài năng piano trẻ tuổi đến từ Việt Nam vừa thành công trong việc đưa phương pháp giảng dạy piano của mình tới các học trò tại Mỹ. Điều đặc biệt, anh từng được nhận vào học tại một trường Âm nhạc nổi tiếng ở Hoa Kỳ chỉ sau 4 năm học piano riêng ở Việt Nam.
Vinh là cựu sinh viên trường Đại học RMIT Hồ Chí Minh. Anh bắt đầu sở thích piano từ năm 16 tuổi. Nhiều giáo viên piano ở Việt Nam, trong đó có cả những giáo sư tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đã rất ấn tượng với tài năng của anh, đến mức họ đã tận tình giúp đỡ anh hoàn thiện kỹ thuật, sẵn sàng cho phần thi vào cấp đại học chỉ sau 4 năm học riêng. Đây là kỳ tích chưa từng có trước đây trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển, nơi các nhạc công trẻ thường bắt đầu lúc 3, 4 tuổi và sau đó tích lũy 10 - 15 năm kinh nghiệm trước khi được nhận vào nhạc viện.
Băng thu âm các bài thi của Vinh, bao gồm tuyệt phẩm Fantaisie-Impromptu của nhà soạn nhạc Frédéric Chopin được hội đồng tuyển sinh trường âm nhạc Longy (Cambridge, bang Massachusetts, Hoa Kỳ) đánh giá cao. Anh đã nhận lời học ở đó qua học bổng năng khiếu. Khi còn ở Longy, anh được mời làm Giám đốc âm nhạc tại First Parish Unitarian Universalist of Medfield - Nhà truyền giáo lịch sử nổi tiếng tại bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Từ đây, anh nhận ra niềm đam mê lớn nhất của mình là giảng dạy piano cho những người mới bắt đầu.
“Trường Longy có tiếng là đã áp dụng thành công nhiều phương pháp giảng dạy âm nhạc sáng tạo và là một trong những nhạc viện đầu tiên áp dụng phương pháp Dalcroze (Thụy Sĩ)1. Bà Nadia Boulanger (Pháp) - một trong những giáo viên piano giỏi nhất trong lịch sử đã dạy ở đó. Tôi cảm thấy thật tự hào vì được học tập tại trường, nơi tôi được tiếp xúc với nhiều học viên trẻ tuổi và được truyền cảm hứng từ khát khao âm nhạc của họ.” anh Vinh giải thích.
Cùng với việc tiếp thu tinh hoa từ truyền thống dạy piano của Mỹ và châu Âu, Vinh cũng tiến hành nghiên cứu phương pháp dạy piano của người Việt. Sau khi nghiên cứu cách dạy của NSND Thái Thị Liên và lắng nghe chia sẻ từ con trai bà, NSND Đặng Thái Sơn, đồng thời tham dự các buổi biểu diễn trực tiếp và các lớp masterclass2 của ông tại Mỹ, Vinh đã tạo ra phương pháp dạy piano độc đáo của riêng mình.
“Tại Việt Nam, chúng tôi có một truyền thống ca nhạc rất mạnh mẽ,” anh Vinh chia sẻ. “Chẳng hạn, những bài hát dân ca sử dụng giai điệu du dương, tuyệt đẹp để kể về nhiều câu chuyện, và bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc đầy cảm hứng, đưa người nghe đến nhiều phương trời khác nhau. Tôi muốn nắm bắt cái nền tảng đó, để áp dụng vào phương pháp dạy piano của mình. Thay vì các thang âm nhàm chán và các bài tập kỹ thuật thông thường, tôi tạo ra các bài tập mà những học sinh đầu tiên của tôi có thể hát cùng. Một số bài tập dựa trên thang âm ngũ cung truyền thống của Việt Nam, giúp dễ dàng hát, ngay cả đối với trẻ nhỏ”.
Không giống như hầu hết các trường sư phạm piano truyền thống ở Mỹ, Vinh kết hợp công việc kỹ thuật với các bài tập sáng tác nhạc, tạo ra các trò chơi piano ngẫu hứng (Improvisation) thúc đẩy trí tưởng tượng của học viên và cho phép họ thể hiện bản thân một cách tự do. Vinh cũng dạy cho học trò kiến thức về hoà âm và cách điều chỉnh một bản piano từ cung này sang cung khác. Kết quả, học viên có thể cảm nhận tác phẩm họ chơi theo một cấu trúc hài hòa và chặt chẽ, thay vì chỉ là một giai điệu đẹp.
Sau khi tốt nghiệp trường âm nhạc Longy, Vinh trở thành một trong những giáo viên piano hàng đầu tại Merry Melody Music Academy, một trường nhạc tư nhân uy tín ở Mỹ, nơi học viên thường xuyên biểu diễn tại phòng hòa nhạc lịch sử Carnegie Hall (New York Tại Boston, anh có tiếng là giáo viên piano sáng tạo nhất cho người mới bắt đầu. Ngoài ra, anh cũng điều chỉnh phương pháp dạy hướng đến học viên có nhu cầu đặc biệt, bao gồm cả học sinh khiếm thị. Các lớp dạy đàn piano riêng của anh là một trong những nơi thành công và phổ biến nhất tại bang Massachusetts (Hoa Kỳ).
Dự kiến, năm 2020, anh sẽ xuất bản cuốn sách về phương pháp giảng dạy piano. Phạm Vinh - người nghệ sĩ Piano tài năng đã thành công trong việc lan tỏa tinh hoa nước Việt tới với bạn bè thế giới, có thể xem như một hình mẫu cho các nhạc sĩ, giáo viên âm nhạc triển vọng tại Việt Nam.
PV