Thanh Bùi: Đời tôi may mắn vì cưới được Huệ Vân làm vợ
Nam ca sĩ Hàn vừa chính thức 'come out', thừa nhận bản thân là người đồng tính / Quý tử của ca sĩ Mỹ Lệ
Huệ Vân là người vợ, người mẹ tuyệt vời trong mắt tôi
Thanh Bùi kết hôn cùng Huệ Vân vào cuối năm 2013. Cả 2 vợ chồng có cuộc sống kín tiếng, hạn chế chia sẻ hình ảnh gia đình trước truyền thông. |
-Huệ Vân – bà xã anh được đánh giá là người phụ nữ giỏi giang trong công việc và chăm lo chồng con trong gia đình. Chị ấy chia sẻ vớianh thế nào về những vấn đề trong cuộc sống?
May mắn lớn nhất của tôi là cưới được người vợ luôn đồng hành trong mọi việc. Vân là một người mẹ, người vợ quá tuyệt vời. Tất cả những gì mọi người hình dung về phụ nữ của gia đình tôi đều thấy trọn vẹn trong cô ấy.Chúng tôi cùng chung tay xây dựng tổ ấm nhỏ, hỗ trợ đối phương trong công việc hàng ngày.
Mặt khác, chúng tôi cũng luôn có sự bù trừ lẫn nhau. Vân mang đầu óc của người kinh doanh nên đôi lúc cho tôi thấy sự tinh tế, mạnh mẽ từ những điều cô ấy chia sẻ. Ngược lại tôi cũng giúp vợ trong công việc khi mang đến góc nhìn của người nghệ sĩ. Cả 2 luôn có niềm tin rất lớn cho nhau, là một điểm tựa không thể thiếu.
- Bận rộn công việc như thế, anh và vợ dành thời gian cho nhau thế nào?
Ước mơ, công việc của tôi bao giờ cũng đi kèm với lý tưởng gia đình. Tôi biết ơn Vân vì đã đồng hành cùng tôi một cách âm thầm, lặng lẽ và luôn là chỗ dựa cho tôi bao năm qua. Hơn nữa là vợ chồng phải hiểu, hỗ trợ nhau. Hai vợ chồng chúng tôi giờ đây cùng chung mục đích sống và ý hướng nuôi dạy con phát triển tự nhiên.
Vân là người không nói nhiều nhưng quả thật câu nào cũng “đụng chạm” (cười). Cô ấy hay nói với tôi rằng: Giờ anh là cha rồi, bất cứ điều gì anh làm cũng phải nhìn được hiệu quả. Từ hành động, câu nói hay kể cả tiếng cười của anh sẽ ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến con. Cha như thế nào con sẽ nhìn vào đó. Tôi và vợ luôn ý thức gìn giữ hình ảnh trong mắt các con dù là việc nhỏ nhất.
- Làm chồng, làm cha của tổ ấm nhỏ khiến bản thân anh thay đổi thế nào trong tư duy?
Tôi không có quá nhiều xáo trộn, ngoài việc sống có trách nhiệm hơn. Ngoài ra, tôi thấy mình chủ động hơn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Mỗi ngày, dù bận rộn thế nào tôi tự đặt ra quy định cho mình phải về nhà trước 20h để được gặp các con.
Mỗi tối trước khi đi ngủ, tôi trò chuyện, đọc sách, chơi nhạc với các bé. Tôi cũng nhận nhiệm vụ chở con đi học. Tất cả những chuyện trong cuộc sống tôi cố gắng thực hiện trọn vẹn để con hiểu rằng dù là việc nhỏ nhưng vẫn nhận được sự tôn trọng và quan tâm từ bố mẹ. “Con cái không phải là gánh nặng mà là món quà ông Trời trao tặng cho mình” - đó là điều tôi học được từ khi đón 2 con chào đời và chứng kiến các bé lớn lên từng ngày.
- Việc nuôi dạy một đứa trẻ từ nhỏ đến trưởng thànhlà nỗi trăn trở lớn với những ông bố, bà mẹ, anh và bà xã thì sao?
Tôi và Vân cũng như nhiều bậc bố mẹ khác cũng phải chịu nhiều áp lực trong đời sống. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn để những áp lực ấy lên vai con mình. Hai con tôi quá may mắn khi sinh ra và lớn lên trong môi trường đủ điều kiện. Ngay từ khi còn trong bụng mẹ, các bé đã được tiếp cận với âm nhạc qua các bài hát tôi mở mỗi ngày. Đến nay khi vừa đón tuổi lên 4, các bé đã được học nhảy, học đánh trống... Với hướng giáo dục ấy, tôi mong con mình sau này có thể phát triển tốt về thể chất lẫn tinh thần. Về việc định hướng, tôi không lo nghĩ nhiều bởi quan niệm cuộc sống không thể đoán trước ngày mai.Các con có thể làm bất cứ ngành nghề nào: bác sĩ, họa sĩ, dược sĩ… miễn là những người phải có tâm, tầm và tài để giúp ích xã hội.
Doanh nhân Huệ Vân luôn đồng hành, chia sẻ công việc cho chồng nhưng cả 2 ít khi xuất hiện cùng nhau. |
- Trong mắt nhiều người cuộc sống Thanh Bùi ở tuổi gần 40 đủ đầy với vợ giỏi, con ngoan và sự nghiệp vững vàng, còn anh định nghĩa sự thành công của mình thế nào?
Tôi hay nói đùa với mọi người để có cuộc sống như hôm nay mình đã tu 10 kiếp trước rồi (cười). Nói đùa thế nhưng thực ra không có cái gì là tự nhiên cả. Tất cả đều phải trải qua quá trình, sự tích lũy theo thời gian. Tôi đã sống, trải nghiệm, thậm chí vấp ngã và vượt qua nhiều điều để có được hôm nay.
Tất nhiên sẽ có những trăn trở, vất vả, chỉ là cố gắng sống và hoàn thiện bản thân mình hơn mỗi ngày. Và suy nghĩ rằng có được thì cũng mất được, không có gì là mãi mãi. Ở tuổi gần 40, mái tóc tôi đã bạc đi nhiều, trán thêm vài nếp nhăn nhưng với tôi đó chính là những dấu vết đẹp mà cuộc sống để lại cho mỗi người.
Tôi không phải là người trong showbiz!
- Tâm huyết với giáo dục nghệ thuật, anh đánh giá thế nào về thị trường văn hóa - giải trí tại Việt Nam hiện nay?
Nghệ thuật Việt Nam đang trên một bước đà rất tốt. Đơn cử như nhạc Rap có sự phổ biến như hiện nay nếu đổi lại 10 năm trước tôi chắc chắn sẽ không ai dám nghĩ đến. Dòng nhạc Rap, Indie hay Underground đã tìm được chỗ đứng và sức hút rất riêng. Nhưng rõ ràng tất cả đều cần thời gian.
Một thực tế tôi phải thừa nhậnthị trường chúng ta dù rất đa dạng nhưng đang thiếu chiều sâu. Các ca khúc hit trên thị trường âm nhạc hiện nay liệu 10 năm sau người ta còn nghe hay không? Điều chúng ta cần ở âm nhạc trẻ là sự kết nối giữa trào lưu hiện tại với nền tảng quá khứ để từ đó định hướng cho tương lai. Đó là lý do vì sao giáo dục rất quan trọng. Bởi nó còn là tư duy thẩm mỹ, làm nên giá trị một người nghệ sĩ trong nghệ thuật. Bản thân tôi hiện cũng đặc biệt quan tâm và hỗ trợ các bạn nghệ sĩ múa Ballet phát triển.
-Ballet đã du nhập vào Việt Nam từ rất lâu nhưng vẫn chưa nhận được sự đón nhận rộng rãi từ công chúng. Các phụ huynh có thể bỏ nhiều tiền cho con học nhạc, học đàn nhưng ít người sẵn sàng cho con theo đuổibộ môn này. Anh nhìn nhận thế nào về thực tế trên?
Chứng chỉ, bằng cấp trong bộ môn nhảy múa hiện nay rất hiếm. Bởi ở Việt Nam, phụ huynh chưa nhìn nhận sâu về sức khỏe của trẻ nên sân chơi chưa phát triển như nước ngoài. Chỉ khi mọi người hiểu được tầm quan trọng của việc tập luyện hình thể mới đầu tư cho con.
Tôi nghĩ múa là môn dễ dàng giúp trẻ em phát triển cơ thể. Bất cứ nơi nào, dù là ở nhà, trường học, bạn đều có thể múa. Điều quan trọng, các em sẽ được truyền cảm hứng về nghệ thuật, cách sống, cách theo đuổi đam mê... Nếu hội tụ những điều ấy, các bạn có thể trở thành nghệ sĩ múa, nhảy chuyên nghiệp.
20 năm làm nghề, tôi thấy rõ sự kỳ diệu của nghệ thuật ảnh hưởng rõ đến các đứa trẻ như thế nào. Một thời gian sớm nhất có thể, tôi mong tất cả các trẻ em Việt Nam có thể tiếp cận với nghệ thuật chứ không chỉ riêng những gia đình có điều kiện. Đó cũng là điều mang đến một định hướng mục tiêu sâu hơn, rộng hơn cho sự phát triển của mỗi con người.
- 10 năm từ thời điểm anh quyết định rẽ hướng từ âm nhạc sang môi trường sư phạm. Thanh Bùi thu hoạch được gì khi nhìn lại chặng đường đã qua?
Sư phạm cho tôi những trải nghiệm đắt giá trên hành trình làm nghệ thuật. 10 năm trước, phụ huynh đưa con đến và hỏi tôi con họ mất bao lâu để có thể trở thành thiên tài như Beethoven hay Mozart, tôi không biết trả lời thế nào. Nhưng hiện tại, tôi thấy vui vì nhận ra được công việc của mình có ý nghĩa. Nó phần nào mang lại giá trị cho nghệ thuật, cho nền âm nhạc nước nhà.
Khi đứng trên sân khấu, làm một người ca sĩ mang lại cho tôi cảm giác khác. Còn khi là giáo viên, đứng trên bục giảng, tôi lại muốn truyền lửa và năng lượng cho các học sinh. Tôi hiểu được tư duy, cách nhìn nhận vấn đề và sự tâm huyết của từng em nhỏ. Nhìn các bé tiến bộ mỗi ngày, tôi vui và hào hứng hơn với công việc “người lái đò”.
-Thanh Bùi miệt mài với lĩnh vực giáo dục là điều rất đáng trân trọng nhưng một người có nghệ sĩ tính cao như anh sẽ thật tiếc nếu không còn hoạt động, tạo ra nhữnggiá trịâm nhạc mới?
Nhiều anh chị đồng nghiệp thỉnh thoảng gặp lại cũng hỏi tôi rằng: “Thanh giờ nghỉ hát luôn rồi à?”. Tôi chỉ nghĩ mình đâu phải là người trong showbiz. Tôi quan niệm nghệ sĩ không phải là nghề, đó là thuộc về tư duy, bản năng. Hơn nữa, sáng tạo không chỉ có trong nghệ thuật mà còn ở rất nhiều lĩnh vực khác.
Con người trong mỗi giai đoạn cuộc đời sẽ tìm cho mình một mục tiêu và lý tưởng sống phù hợp với hoàn cảnh. Tôi từng làm việc với nhiều nghệ sĩ quốc tế như: Tata Young, nhóm BTS... Chính sự cọ xát ấy cho tôi những suy nghĩ bản thân đã đến lúc cần phải tìm cho mình mục tiêu lớn hơn trong âm nhạc. Vậy trong thời gian ấy, tôi muốn mang nghệ sĩ tính của mình vào những công việc khác.
End of content
Không có tin nào tiếp theo