Thổ cẩm: “Báu vật” của 54 dân tộc anh em
Hé lộ vụ đưa lối hộ lớn nhất lịch sử phong kiến Việt Nam / Ảnh chiến tranh Việt Nam lọt top ảnh ấn tượng năm 1968
Nếu áo dài, áo tứ thân là trang phục truyền thống của cộng đồng dân tộc Kinh, thì với 53 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có những phục trang rất riêng và độc đáo, thể hiện quan niệm thẩm mỹ cũng như đặc trưng của từng vùng, miền, từng nền văn hóa khác nhau. Mặc dù có đến 54 dân tộc với từng ấy kiểu trang phục truyền thống riêng, mỗi loại là một sắc màu, một tiếng nói, một hơi thở, nhưng tựu chung lại, điều làm nên kho tàng quý giá nhất cho nền văn hóa Việt nói chung và lĩnh vực thời trang Việt nói riêng chính là sắc màu rực rỡ của những vuông thổ cẩm.
Tại công viên đại dương London, phóng viên ghi lại hình ảnh bé Viviene với chiếc áo có hoa văn rất gần với thổ cẩm Việt
Thổ cẩm: “báu vật chung” của 54 dân tộc anh em
Nếu như ở khu vực đồng bằng như đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long với điều kiện địa lý thuận lợi nên thường xuyên có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa, cả trong xu hướng trang phục và thời trang, thì các khu vực trung du, cao nguyên trải dài khắp đất nước nơi sinh sống của 54 dân tộc anh em, do cách biệt về địa hình đồi núi nên hầu như vẫn giữ được những nét đặc trưng rất độc đáo của từng sắc dân, của từng nền văn hóa.
Trang phục là một trong những giá trị văn hóa giúp phân biệt sắc thái giữa các vùng miền trong cộng đồng dân tộc Việt. Mặc dù ở mỗi vùng miền sẽ có đặc trưng riêng về kiểu dáng, màu sắc, như màu chàm là màu độc tôn của người dân tộc cư trú ở vùng núi và cao nguyên; nâu là màu chủ đạo của cư dân sống ở đồng bằng, duyên hải; hay càng về phương Nam, màu sắc lại chuyển hóa thành màu đen; màu sáng là màu của cư dân có nguồn gốc đến từ Nam Đảo – Nam Á – Môn Khmer… Hoặc mỗi dân tộc có những hoa văn trang trí khác nhau, tượng trưng cho từng nhân sinh quan, tôn giáo, tín ngưỡng, nhưng có thể khẳng định, mỗi kiểu trang phục là một công trình nghệ thuật tài hoa về mỹ thuật, hội họa sử dụng màu sắc. Trong đó, thổ cẩm là chất liệu chính góp phần làm nên sắc thái riêng cho từng loại trang phục.
Hầu như có thể tìm thấy hoa văn, màu sắc đặc trưng của thổ cẩm trên bất kỳ trang phục nào của đồng bào dân tộc thiểu số. Và thổ cẩm, chứ không phải bất kỳ chất liệu nào khác, đã trở thành “vũ khí” tô điểm thêm nét đẹp, nét duyên cho các cô gái vùng cao, để một lần được ngắm nhìn các chị, các em xúng xính trong sắc màu thổ cẩm cũng đủ làm say đắm lòng du khách vùng xuôi.
Mỗi sắc màu thổ cẩm, mỗi kiểu dệt, đan, kết hợp trên trang phục tạo nên nét duyên rất riêng cho từng cô gái vùng cao
Thổ cẩm: Riêng – chung giao hòa
Không hẹn mà nên, từ rất lâu đời, thổ cẩm đã trở thành một nét văn hóa chung của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Thổ cẩm đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong trong đời sống xã hội, là thước đo công dung ngôn hạnh của người phụ nữ. Các cô gái trước tuổi trưởng thành đều được bà, được mẹ dạy cách dệt thổ cẩm, bởi không chỉ được tạo ra nhằm phục vụ nhu cầu trong gia đình, thổ cẩm còn là của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng, là một phần để trao đổi hàng hóa.
Thời trước, thổ cẩm chủ yếu được dệt thủ công, nguyên liệu chính được sử dụng là bông vải. Màu sắc trên thổ cẩm thường được nhuộm bằng các chất liệu thiên nhiên với nhiều phương pháp chế biến khá kỳ công như màu đen được tạo ra bằng cách ngâm lá chùm bầu với bùn non, ngâm lá chàm; màu nâu hoặc đỏ sẫm được lấy từ các loại vỏ cây; màu xanh do nung vỏ ốc suối thật khô, ngâm thành vôi rồi trộn với nước lá krum; màu vàng được tạo từ củ nghệ; hay ngâm giấm vỏ cây sủi, đun sôi khoảng ba giờ và làm mát qua đêm, pha thêm phèn rồi ngâm sợi vải ở nhiệt độ 80 độ C để tạo thành màu nâu đỏ v.v…
Các họa tiết trên thổ cẩm được bố trí xen lẫn, nổi lên trên bề mặt vải như thêu. Những hoa văn này đem lại cho bề mặt vải sự tương phản về đường nét, màu sắc, họa tiết v.v… Mặc dù có chung chất liệu thổ cẩm trong việc may thêu trang phục, phụ kiện, nhưng không vì vậy mà thổ cẩm ở mỗi dân tộc lại không có những nét riêng độc đáo. Tùy từng dân tộc, từng vùng miền, thổ cẩm sẽ có những đặc điểm riêng biệt, với những đường thêu, sắc màu, chi tiết trang trí khác nhau đầy tinh tế.
Thiếu nữ dân tộc H’Mông hay chọn những trang phục thổ cẩm với màu sắc rực rỡ, trong khi người Thổ, Nùng, Dao, Mèo hay Chăm
Với người H’Mông, thổ cẩm thường được trang trí bằng các ô đường diềm hình chữ nhật, chữ đinh, kết hợp các ô hình quả trám, tam giác. Người Dao lại chuộng màu đỏ tươi rực rỡ để trang trí cho vuông thổ cẩm, kết hợp với các phụ kiện khác như khăn đỏ, bông đỏ trên ngực áo, cổ áo v.v..., cùng kỹ thuật thêu thoáng để lộ nền đen, nền chàm trong các họa tiết có tác dụng giảm độ rực chói của các màu nguyên sắc. Người Thái Tây Bắc lại chuộng các màu trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím v.v… tạo ấn tượng mạnh với hoa văn, họa tiết đối xứng, phản ánh quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, vũ trụ, triết lý âm dương, ngũ hành … Trong khi đó, màu sắc thổ cẩm Chăm lại thường là màu đen hoặc đỏ, với các họa tiết trang trí phần lớn là dạng hình học.
Đối lập với thổ cẩm của các dân tộc phía Bắc thường được ghép lại bằng những mảng vải màu rồi mới thêu hoa văn lên, thổ cẩm của người Khmer lại tạo hoa văn trực tiếp khi dệt sợi… Vì vậy, chỉ cần cầm trên tay một vuông thổ cẩm, quan sát màu sắc, đường nét và hình thức dệt, cộng với sự am hiểu và tinh ý, bạn sẽ có thể nhận ra ngay bản sắc văn hóa và nhân sinh quan của từng dân tộc. Đó chính là cái hay, nét đẹp của từng vuông thổ cẩm.
Họ cũng thường dùng thổ cẩm như những nét hoa văn trang trí làm cho trang phục thêm nổi bật và rạng ngời sức sống
Thổ cẩm: “Gia tài” của thời trang Việt Nam
Nhà thiết kế Minh Hạnh không hề nói quá khi cho rằng thổ cẩm chính là “gia tài” đầy giá trị, cần được bảo tồn, nâng niu và đáng trân trọng của thời trang Việt Nam. Bằng việc khai thác chất liệu và nguồn cảm hứng từ các sắc màu thổ cẩm, NTK Minh Hạnh, Vũ Thu Giang, Vũ Hoàng ... đã cho ra đời những bộ sưu tập giao hòa tinh tế giữa nét đẹp quyến rũ Đông – Tây, từ những chiếc áo dài cách điệu được may bằng chất liệu thổ cẩm, đến những chiếc váy, bộ âu phục, bộ đầm thổ cẩm đẹp hút hồn …Chính thời trang thổ cẩm qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân và mắt sáng tạo đầy thẩm mỹ của NTK đã góp phần mang thời trang Việt Nam đến với thế giới. Để rồi, lần nào mang BST thổ cẩm “đi đánh xứ người”, NTK Minh Hạnh cũng được người dân tại các nơi từ Châu Âu đến Châu Mỹ nhận diện ra ngay nguồn gốc của mình là người Việt Nam.
Một số kiểu áo dài cách điệu bằng chất liệu thổ cẩm rất độc đáo của NTK Minh Hạnh
Giờ đây, không chỉ trang phục được may bằng thổ cẩm, mà cả những phụ kiện như ví, túi xách, túi khoác, ba lô, khăn tay, khăn choàng bằng thổ cẩm cũng đã chứng tỏ được sức “quyến rũ” của mình với du khách trong và ngoài nước. Những vật dụng bằng thổ cẩm này đã theo chân du khách nước ngoài đến khắp mọi miền thế giới, góp phần quảng bá nét văn hóa độc đáo và nét đẹp thời trang rất riêng có của Việt Nam ra khắp năm châu. Bởi thế nên có lần, giới truyền thông trong nước và quốc tế đã xôn xao khi cô bé Viviene – con gái của cặp đôi quyền lực Hollywood Jolie – Pitt diện một chiếc áo thổ cẩm cực đẹp mang hơi hướng hoa văn thổ cẩm của phụ nữ miền Bắc Việt Nam, vốn là quê hương của anh trai cô bé – Pax Thiên.
Bộ áo dài cách điệu của NTK Thuận Việt dựa trên chất liệu thổ cẩm đã giúp Hoa hậu Diễm Hương tỏa sáng trong cuộc thi Miss Universe năm 2012 và nhận được nhiều lời khen ngợi từ Ban Giám khảo và bạn bè quốc tế
Không những thế, các đường nét hài hòa, tinh tế nhưng không kém phần mạnh mẽ, hiện đại đầy quyến rũ của thổ cẩm đang dần trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhà thiết kế, góp phần tạo nên những bộ trang phục mang tính ứng dụng cao. Chính vì vậy mà thổ cẩm ngày nay đã vượt qua vạn dặm núi đồi để lấp ló xuất hiện khắp mọi nơi, trong các đô thị và thành phố lớn như một phong cách thời trang đầy cá tính tô điểm thêm vẻ đẹp năng động, độc đáo cho chủ nhân của chúng.
Bằng việc hiện đại hóa quá trình dệt vải từ thủ công sang sử dụng các loại máy móc công nghiệp, thổ cẩm đang hứa hẹn một tương lai không xa sẽ trở thành một trong những giá trị văn hóa không thể thiếu của người Việt, chứng minh sức sống mãnh liệt của những vuông vải rực rỡ sắc màu với đời sống thời trang cả trong thời xa xưa lẫn thời buổi hiện đại ngày nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo