Văn hóa

Triển lãm đồ cổ chủ đề “Di sản và Ký ức - Bức tranh từ những mảnh ghép"

DNVN - Từ ngày 28/8 đến 30/10, tại TP Hồ Chí Minh, sẽ diễn ra Triển lãm đồ cổ chủ đề “Di sản và Ký ức - Bức tranh từ những mảnh ghép", với mặt gần 170 hiện vật tiêu biểu của 27 nhà sưu tập đến từ nhiều tỉnh, thành phố.

Triển lãm điêu khắc “Con giống” đến Đà Nẵng / Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam” tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng

Đây là cuộc trưng bày về gốm sứ với quy mô lớn, lần đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh. Với gần 170 hiện vật của 27 nhà sưu tập, được tuyển chọn và trưng bày thể hiện thông điệp từ quá khứ đã được lưu giữ đến hiện tại. Qua đó, giúp cho công chúng và những người yêu cổ vật tìm thấy những ký ức của mình qua những câu chuyện từ hiện vật, để hiểu thêm về những tri thức lịch sử văn hóa được chuyển tải bởi “những mảnh ghép di sản”.

Không gian khách tham quan đồ cổ.

Chiếm số lượng nhiều nhất trong trưng bày lần này là các hiện vật gốm sứ với các loại hình sản phẩm rất đa dạng như gốm gia dụng (bát, dĩa, nậm rượu, bình trà, chóe…), gốm thờ cúng (tượng thờ, bộ ngũ sự, lư hương…), gốm trang trí (quần thể tiểu tượng, tượng linh vật, bình hoa…).

Những hiện vật này được chia thành 2 nhóm chủ đề lớn gồm Gốm sứ Việt Nam với các dòng gốm và sản phẩm mang màu men đặc trưng của thời Lý, thời Trần, thời Lê); và chủ đề Gốm sứ Việt Nam đặt hàng Trung Quốc, Pháp sản xuất.

Bên cạnh đó, triển lãm cũng trưng bày các sản phẩm như gốm Bát Tràng, gốm Cây Mai – Sài Gòn (thời Nguyễn), gốm sứ Trung Quốc với các loại hình như gốm men xanh ngọc thời Tống, Nguyên; gốm men xanh trắng thời Minh, Thanh.

Chóe - Trung Quốc (thế kỷ 18 - 19).

Với kỹ thuật chế tác tinh xảo cùng vẻ mỹ thuật riêng có, mỗi hiện vật đã góp phần ghép nên bức tranh di sản văn hóa. Qua đó, người xem có thể tiếp cận với những giá trị truyền thống thông qua hiện vật cùng nhiều câu chuyện thú vị có liên quan.

TS Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh, chia sẻ, vào thời Nguyễn (1802-1945), bên cạnh những lò gốm của triều đình chuyên sản xuất gạch ngói, gạch trang trí để phục vụ cho việc xây dựng kinh thành Huế, ở các địa phương cũng tồn tại nhiều làng gốm đáp ứng nhu cầu sử dụng rộng rãi của người dân.

Khu vực miền Nam có sự xuất hiện của các dòng gốm mới như: Sài Gòn, Lái Thiêu (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai). Các dòng gốm này có màu men đa dạng và kỹ thuật thể hiện sự kết hợp giữa nghệ nhân gốm Việt Nam và Trung Quốc. Các loại hình sản phẩm của ba dòng gốm này rất phong phú, như: gốm gia dụng (chén, bát, đĩa, siêu, khạp, lu, hũ…), gốm thờ cúng (lư hương, lư trầm, tam sự, ngũ sự, tượng thờ) và gốm trang trí mỹ thuật (đôn, chậu, tượng trang trí, quần thể tiểu tượng…). Tất cả đã tạo nên bức tranh đa sắc màu về nghệ thuật gốm Việt Nam thời Nguyễn”.

Dĩa gốm sứ Chu Đậu, thời Lê - thế kỷ 15.

Triển lãm “Di sản và ký ức – Bức tranh từ những mảnh ghép” dự kiến diễn ra từ ngày 28/8 đến ngày 30/10/2023 tại Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1, TP Hồ Chí Minh).

 

Lê Hoa - Quang Thắng
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm