Tuổi trẻ Bình Phước làm phim ngắn tri ân thương binh, liệt sỹ
Bình Phước: Thanh niên xung kích lập nên "lá chắn thép" tại các chốt chống dịch / Tuổi trẻ Công an Bình Phước "vượt nắng, thắng mưa", chung tay đẩy lùi COVID-19
Phim ngắn có tên "Kim cương đen", chịu trách nhiệm chính về nội dung và sản xuất là đạo diễn trẻ Kizzik (tên thật là Trần Tuấn Anh, sinh năm 1992).
Đạo diễn Kizzik (bìa phải) trao đổi cùng diễn viên Đức Ty - vai Kim Cương thời trẻ (người đồng đội đã hy sinh để ông Hùng được sống) và diễn viên Kim Chi (bìa trái) - vai nữ du kích - mối tình đầu đầy thơ mộng của ông Hùng
Phim kể về hành trình của ông Hùng - một cựu chiến binh cùng con trai nuôi đi tìm hài cốt liệt sỹ. Xuyên suốt từ đầu đến nửa cuối phim, với cốt truyện độc đáo, “Kim cương đen” làm khán giả vẫn luôn nghĩ cả hai bố con ông Hùng đang đi tìm một kho báu kim cương.
Nhưng rồi tất cả như vỡ òa khi biết thứ mà hai bố con ông đang tìm còn quý hơn cả kim cương. Đó chính là hài cốt của người đồng đội đã hy sinh thân mình để ông Hùng được sống cho đến hôm nay.
Bối cảnh chính của phim là đồi Xương Rồng và phía Bắc khu rừng nguyên sinh Mã Đà, chiến khu D, thuộc xã Tân Hòa (huyện Đồng Phú). Ngoài ra, ekip làm phim đã thực hiện một cảnh quay tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bình Phước và một cảnh ở hồ thủy lợi thuộc phía Bắc của huyện Đồng Phú.
Với đạo diễn Kizzik, đây là phim ngắn đầu tay. Kizzik chia sẻ: “Sinh ra và lớn lên ở huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, tôi luôn mong làm các bộ phim trên chính mảnh đất quê hương. Khi chọn đề tài và xây dựng kịch bản phim, tôi đã nghiên cứu nhiều mẩu chuyện của những cựu chiến binh và rất xúc động, tự hào khi nghe chính những bậc cha anh kể lại.”
“Vì đây là phim ngắn nên chưa thể tải hết những nội dung mà tôi đúc kết từ những câu chuyện ấy. Tôi rất tâm huyết với đề tài này và sẽ tiếp tục làm các dự án phim về cựu chiến binh để lan tỏa nhiều câu chuyện thực tế đã diễn ra trong thời chiến khốc liệt”, Kizzik bày tỏ thêm.
Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Bình Phước (trái) và phía Bắc khu rừng nguyên sinh Mã Đà, H.Đồng Phú (phải) là nơi thực hiện các cảnh quay trong bộ phim.
Trong quá trình tác nghiệp, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, ekip làm phim chỉ gồm 6 người; cả ekip đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Sau khi bấm máy xong, bộ phim bước vào giai đoạn xử lý hậu kỳ mất khoảng hơn một tháng gồm xử lý hiệu ứng, kỹ xảo 3D và âm thanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo