Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: 'Chìa khóa' để doanh nghiệp nâng sức cạnh tranh
Triển lãm "Việt Nam những sắc màu văn hóa" / Nhiều hoạt động "Vui Tết Độc lập” tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam
* PV: Thưa ông, văn hóa doanh nghiệp (DN) được coi là giá trị cốt lõi, là tài sản vô hình của mỗi DN. Ông đánh giá như thế nào về thực trạng văn hóa DN ở nước ta hiện nay?
- Ông Hán Hữu Hải: Trong một vài năm trở lại đây, khái niệm về “văn hóa DN” đã trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam. Nhất là từ năm 2016 khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1846/QĐ-TTg lấy ngày 10/11 hằng năm là “Ngày văn hóa DN Việt Nam” để khẳng định vai trò và tầm quan trọng của văn hóa DN. Các DN đã quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng văn hóa DN. Thực tế cho thấy, có rất nhiều DN, tập đoàn lớn đã ý thức được giá trị và có chiến lược xây dựng văn hóa DN bài bản, tiến bộ.
Ông Hán Hữu Hải
Ở đây tôi muốn đề cập đến một yếu tố cốt lõi, quan trọng trong văn hóa DN, đó là đạo đức kinh doanh thể hiện ở sự quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đến lợi ích của người tiêu dùng, cạnh tranh lành mạnh, trách nhiệm xã hội…
Tuy nhiên, đáng tiếc là bên cạnh những DN làm ăn chân chính vẫn còn nhiều DN đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết, bất chấp đạo đức kinh doanh, văn hóa DN. Thực tế, đã có nhiều DN có được vị trí và thương hiệu trên thị trường nhưng đã sụp đổ, phá sản do đánh mất niềm tin của người tiêu dùng, điển hình như vụ việc Công ty KhảiSilk bán sản phẩm của Trung Quốc nhưng lại gắn nhãn mác “Made in Việt Nam”, lừa dối người tiêu dùng, vi phạm pháp luật và đạo đức kinh doanh, văn hóa DN…
* PV: Ông đánh giá như thế nào về giá trị của văn hóa DN đối với sự tồn tại và phát triển của DN?
- Ông Hán Hữu Hải: Văn hoá DN thể hiện ở ý thức làm việc của mỗi một nhân sự trong DN nhằm tạo ra những sản phẩm có giá trị, có ích cho người tiêu dùng, cho xã hội. Từ đó hình thành nên những giá trị về mặt thương hiệu cũng như uy tín của DN trên thị trường.
Có thể thấy, trong một DN, văn hóa DN cũng chính là yếu tố quan trọng gắn kết các thành viên, nhân sự trong DN. Trong một tập thể đa dạng tập hợp những con người khác nhau về trình độ chuyên môn, trình độ văn hóa, mức độ nhận thức… thì văn hóa là chất keo gắn kết tập thể, tạo nên sự đoàn kết, đồng lòng cùng quyết tâm thực hiện mục tiêu mà DN hướng đến. Nói ở góc độ rộng hơn, văn hóa DN cũng liên kết DN với đối tác, khách hàng, liên kết DN với cộng đồng, xã hội.
Đặc biệt, bản chất của văn hóa DN cũng chính là tăng cường tiềm lực, quy tụ được sức sáng tạo của nguồn nhân lực, khích lệ họ sáng tạo ra nhiều lợi nhuận cho DN… Có thể khẳng định, văn hóa DN có vai trò quan trọng đối với sự thành – bại, bền vững của DN.
Việc xây dựng văn hóa DN không bị mâu thuẫn với lợi ích phát triển DN mà tỷ lệ thuận với nhau bởi khi DN có văn hóa tốt thì cộng đồng, thị trường sẽ tôn trọng và tin dùng sản phẩm, dịch vụ của DN, điều này cũng tạo nên lợi thế cạnh tranh cho DN.
Trong bối cảnh hội nhập, các DN không chỉ phải cạnh tranh về thị trường mà còn về vấn đề thu hút nguồn nhân lực, chất xám. Khi có một nền tảng văn hóa DN tốt, DN sẽ có nhiều thuận lợi trong việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao, chuyên môn tốt, tránh tình trạng “chảy máu chất xám” đang phổ biến hiện nay.
Bên cạnh đó, với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, để tồn tại và phát triển các DN phải luôn luôn sáng tạo, đổi mới. Thông qua việc xây dựng văn hóa DN sẽ thúc đẩy nguồn nhân lực sáng tạo, tạo thêm giá trị sản phẩm và lợi nhuận cho DN.
* PV: Đa số DN nước ta là DN nhỏ và vừa với nhiều mặt hạn chế, trong đó có vấn đề về văn hóa DN, thậm chí, đây còn là khái niệm khá mơ hồ đối với nhiều DN. Vậy theo ông, làm thế nào để xây dựng được một nền tảng văn hóa DN có giá trị, có bản sắc và phù hợp với sự phát triển trong bối cảnh hội nhập hiện nay?
- Ông Hán Hữu Hải: Đối với DN nào cũng vậy, bước đầu triển khai vấn đề về văn hóa DN thường gặp nhiều khó khăn vì văn hóa là một thứ vô hình và ban đầu niềm tin của nhân sự của DN về văn hóa DN, về hình thức xây dựng văn hóa DN dường như rất ít ỏi.
Cần lưu ý rằng, văn hóa DN không phải thực hiện trong ngày một ngày hai mà là một chặng đường dài có sự vun đắp của từng cá nhân trong DN. Trước hết phải là ý chí, là sự quyết tâm xây dựng văn hóa của lãnh đạo DN, từ đó thực hiện chia sẻ, tuyên truyền, giáo dục đến các nhân sự với sự quyết tâm, đồng lòng, hợp tác của các bộ phận trong DN.
Bên cạnh đó, khi văn hóa DN được xây dựng, triển khai thường xuyên, hàng ngày thì sẽ thúc đẩy tinh thần làm việc của nhân lực tăng lên và uy tín trong công việc của mỗi cá nhân tăng lên, ví như cấp trên có uy tín với cấp dưới, cấp dưới có uy tín với cấp trên…Từ đó hiệu quả công việc cũng sẽ tăng lên và chắc chắn sản phẩm làm ra cũng sẽ có sức cạnh tranh cao hơn.
Bối cảnh hiện nay đã khác với trước đây, môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh cũng đã khác. Do đó, đã đến lúc các DN Việt Nam, kể cả quy mô nhỏ, siêu nhỏ nên quan tâm đến việc xây dựng văn hóa DN bằng cách ngày một nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, cung cấp những sản phẩm chất lượng nhất tới người tiêu dùng và thực hiện đúng trách nhiệm xã hội của mình.
* PV: Xin cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Quỳnh Nga xuất sắc trở thành Nữ hoàng Bước nhảy hoàn vũ 2024
Động thái đáng chú ý của Phạm Hương giữa tin đồn rạn nứt với chồng đại gia
Vợ chồng Bình An gặp sự cố ‘dở khóc dở cười’ ngày cuối năm, CĐM bình luận ‘kiếp nạn vẫn chưa hết’
Hành trình rực rỡ của Hoàng Yến Chibi tại "Chị đẹp đạp gió 2024"
Nữ ca sĩ nổi tiếng bị ‘yêu râu xanh’ sàm sỡ ngay giữa chốn công cộng, bị ám ảnh tâm lý nhiều năm
Hai chương trình nổi bật của Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng mừng xuân Ất Tỵ 2025
Có một nền tảng văn hóa DN tốt, DN sẽ có nhiều thuận lợi trong việc thu hút nguồn nhân lực có chất lượng cao.