Về đâu các quỹ đầu tư?
Cổ đông góp vốn vào các quỹ hẳn không khỏi xót xa khi giá trị tài sản bốc hơi theo thị trường, đặc biệt khi thời điểm giải thể quỹ, thoái vốn cận kề.
Giải thể hay gia hạn?
Quỹ thành viên V2 có quy mô vốn trên 960 tỷ đồng, đầu tư dàn trải: gần 30 mã niêm yết, cổ phiếu OTC kém thanh khoản và cả dự án bất động sản (căn hộ/văn phòng hạng sang) khiến cho thanh khoản kém hiệu quả và giá trị tài sản ròng (NAV) giảm liên tiếp.
Tính đến nay, NAV quỹ này giảm gần 50% so với thời điểm thành lập quỹ. Tính ra cổ đông quỹ này đã thua lỗ một nửa, không kể chi phí cơ hội lãi suất đã từng vượt trên 18%/năm trong giai đoạn 2007-2011.
Tuy còn 2 năm nữa mới đến thời điểm giải thể quỹ V2, nhưng cũng giống như cổ đông của các quỹ khác, các cổ đông của V2 đang nhấp nhổm trước quyết định: tiếp tục gia hạn hay rút vốn/giải thể? Nếu rút vốn, cổ đông chấp nhận mất 50% số vốn và thêm 1 khoản hoàn nhập dự phòng nhỏ.
Nếu tiếp tục, liệu mức độ phục hồi NAV có về được vốn ban đầu không? Mặc dù năm 2012 có nhiều yếu tố thuận lợi cho thị trường chứng khoán (lãi suất hạ, Chính phủ đưa ra gói hỗ trợ doanh nghiệp), nhưng mọi hy vọng chỉ lóe lên nếu cơ cấu tài sản quỹ có tỷ lệ tiền mặt cao để đón đầu cơ hội tăng trưởng.
Đứng từ góc độ lợi ích của công ty quản lý quỹ, thu nhập chính của các công ty này đến từ phí quản lý quỹ (dao động từ 1% - 2%/NAV) và mức thưởng, nghĩa là NAV càng cao thì phí quản lý sẽ tăng và ngược lại. Phí quản lý quỹ VFMVF1 đã giảm 30% xuống còn 33,5 tỷ đồng trong năm 2011 do NAV quỹ này giảm xuống 1.298 tỷ đồng so với 2.126 tỷ đồng năm 2010. Nếu quỹ giải thể thì thu nhập của công ty quản lý sẽ giảm sút nghiêm trọng, hơn thế nữa, danh tiếng của công ty cũng đi xuống.
Do vậy, một vài công ty đã khôn khéo chấp thuận việc một số cổ đông muốn rút vốn, đồng thời thuyết phục các cổ đông khác tiếp tục gia hạn. Như vậy, quỹ sẽ giảm vốn điều lệ nhưng vẫn tiếp tục hoạt động. Thời gian gia hạn phụ thuộc vào niềm tin của khách hàng, bằng cách đưa ra kịch bản thị trường, chiến lược quản lý.
Quỹ TF sắp giải thể trong năm 2012 đang thuyết phục cổ đông tiếp tục gia hạn sau 2 năm sẽ hòa vốn. Sau mỗi năm, cổ đông sẽ đánh giá mức tăng trưởng NAV quỹ so với toàn thị trường để quyết định tiếp tục gia hạn thêm hay không. Trách nhiệm và quyền lợi của công ty quản lý quỹ nằm ở điều kiện then chốt này !
Xung đột trong phân chia tài sản
Đối với các quỹ không được gia hạn, áp lực thoái vốn và chiến lược bán tài sản không hề dễ dàng nếu tài sản có tính thanh khoản kém. Đơn cử như các quỹ của Mekong Capital chủ yếu đầu tư mua vốn cổ phần tư nhân (private equity), cổ phiếu chưa niêm yết (OTC). Còn VOI của Vinacapital thì đầu tư vào các dự án bất động sản.
Để thoái được hết vốn, quỹ cần tìm được đối tác muốn tham gia với tư cách cổ đông chiến lược hay dưới hình thức thâu tóm M&A. Đối với Quỹ đầu tư Y tế Bản Việt (VCHF), lợi thế của quỹ chính là CTCK Bản Việt, đơn vị tư vấn cho nhiều thương vụ M&A lớn trong 2 năm gần đây.
Gần đây, quỹ đã thoái vốn thành công khoản đầu tư vào Công ty CP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (DMC) cho một đối tác dược phẩm nước ngoài với mức giá cao gấp 2 lần giá thị trường. Thuận lợi của quỹ VCHF xuất phát từ liên kết chặt chẽ giữa công ty quản lý quỹ, CTCK và hơn thế nữa là mạng lưới khách hàng tổ chức lớn.
Gần đây, một số công ty quản lý quỹ tung ra một số sản phẩm mới như: quỹ mở, quỹ đầu tư chỉ số VNIndex, quỹ trái phiếu |
Tương phản với VCHF, nhiều quỹ đầu tư phải chấp nhận bán lỗ khoản đầu tư để thu hồi vốn trước áp lực rút vốn của cổ đông. Đối với khoản đầu tư OTC hay vốn tư nhân không thể thanh lý trên thị trường, quỹ sẽ đề xuất cho tổ chức phát hành mua lại cổ phiếu quỹ theo yêu cầu. Nếu không thành công, cổ đông sẽ nhận về số lượng cổ phiếu theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp.
Đối với khoản đầu tư trái phiếu, ngoại trừ trái phiếu chính phủ có thể thanh lý dễ dàng, các khoản trái phiếu doanh nghiệp lợi suất cao trên 20%/năm luôn tiềm ẩn khả năng mất thanh toán nợ gốc. Ngoài ra, khó khăn chồng chất thêm nếu quỹ trót đầu tư vào dự án bất động sản như quỹ V2 đã rót vốn vào một dự án văn phòng cao cấp tại Quận 1, TP.Hồ Chí Minh.
Do tình trạng dư cung của bất động sản, đặc biệt là phân khúc cao cấp, nếu không bán tháo vốn góp, khả năng cổ đông sẽ nhận được sản phẩm bất động sản dang dở hoặc đã hoàn thành. Khi ấy, áp lực thoái vốn quỹ trở nên căng thẳng với việc phân chia lợi ích: bán rẻ để thu tiền mặt hay "cắt bánh" tài sản cho cổ đông?
Câu hỏi về thực lực của các quỹ
Quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ là mô hình đầu tư chuyên nghiệp, được khuyến khích phát triển ở thị trường tài chính thế giới. Tuy vậy, các quỹ đầu tư đã giảm uy tín rõ rệt trong con mắt nhà đầu tư trong thời gian thị trường lao dốc vừa qua. NAV các quỹ giảm không thua kém so với mức sụt giảm chung của thị trường, thêm vào đó, giá các chứng chỉ quỹ niêm yết như VF1, VFA, PRUBF1 chiết khấu 30-50% so với NAV. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra sự yếu kém trong kết quả kinh doanh các quỹ đầu tư?
Phần lớn danh mục các quỹ đầu tư bị dàn trải, thanh hoán kém, tỷ lệ tiền mặt khan hiếm trong giai đoạn thị trường lao dốc. Xét một cách toàn diện, đội ngũ nhân sự của các công ty quản lý quỹ rất mỏng, phụ trách nhiều quỹ khác nhau nên hạn chế tích cực trong giao dịch.
Đơn cử một giám đốc danh mục có thể quản lý 2-3 quỹ khác nhau, sẽ dẫn đến trùng lặp tiêu chí đầu tư từng quỹ, không kiểm soát hết thông tin từ danh mục tài sản.
Thêm vào đó, các công ty quản lý quỹ phản ứng chậm chạp với thị trường, thiếu các quyết định dứt khoát trong thời điểm thị trường biến động : không tạo ra thu nhập hay thanh hoán danh mục. Nghịch lý là công ty quản lý quỹ không chịu bất cứ thua lỗ nào từ quyết định đầu tư và vẫn được hưởng phí quản lý !
End of content
Không có tin nào tiếp theo