Hỗ trợ doanh nghiệp

Về Xứ Trà nghe “Bà Chúa chè” kể chuyện

(DNVN)-Xưa nay, nói đến trà Việt, người ta nghĩ ngay đến trà Thái Nguyên với thương hiệu nổi tiếng "Đệ nhất danh trà". Để có cái danh “Đệ nhất” ấy là tâm huyết của bao thế hệ khổ công gây dựng. Một doanh nhân Xứ Trà góp phần làm nức tiếng thêm cho sản vật quê nhà, được nhiều đối tác trong nước, quốc tế biết đến đó chính là bà Nguyễn Thị Hiền (còn có mệnh danh là “Bà Chúa chè”), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chè Hà Thái.

“Bà Chúa chè” và giải Bạc trà quốc tế

Sinh ra là một người con sinh ra trên mảnh đất Đại Từ - Thái Nguyên, bà Hiền đã có 50 năm gắn bó với cây chè. Bà trực tiếp trồng, chăm sóc, chế biến đặc sản chè Thái Nguyên, rồi đem bán ra thị trường và gây dựng dần thành doanh nghiệp có quy mô khá lớn. Với lòng đam mê và tình yêu vô hạn với cây chè, bà Hiền đã thành công đưa thương hiệu Trà Việt vươn tầm thế giới. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo cấp cao đến thăm gian hàng trưng bày Chè Hà Thái tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên 2018.

Tiếp chúng tôi trong không gian thưởng thức trà được bài trí mang đậm nét xưa cổ kính (chõng tre, ấm trà đất, bình hoa sen), bà Hiền chậm dãi kể: Tôi yêu chè lắm, chè ngấm vào máu tôi từ thủa bé, vì vậy cơ duyên, cả cuộc đời, sự nghiệp tôi gắn với cây chè. Ra nước ngoài dự  hội thảo về chè, khi tôi phát biểu tham luận, họ xin phép được ghi hình, ghi âm để làm tài liệu giảng dạy cho sinh viên nước họ. Cái tên ‘Bà Chúa Chè’ cũng xuất phát từ chuyến công tác của Đoàn Việt Nam tham dự Chương trình “Nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam thông qua hệ thống xúc tiến thương mại địa phương” phối hợp với Văn phòng đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tại New York tổ chức. Người khởi xướng tên gọi đó là Ông Peter F.Goggi, Chủ tịch Hiệp hội Chè Mỹ. 

Nói về giải Bạc chè Quốc tế Bắc Mỹ bà Nguyễn Thị Hiền cho biết: Tháng 9/2016, bà đã gửi 2 mẫu sản phẩm của Công ty là chè Đinh và chè Tôm nõn tham dự Cuộc thi chè Quốc tế Bắc Mỹ do Hiệp hội chè Mỹ tổ chức tại Canada. Cả 2 mẫu sản phẩm chè của Công ty Cổ phần Chè Hà Thái đều được Ban Tổ chức Cuộc thi đánh giá cao về chất lượng, trong đó sản phẩm chè Tôm nõn đã đoạt giải Bạc. Tháng 3/2017, Ban tổ chức đã mời bà cùng đoàn Việt Nam sang Mỹ nhận giải.

Doanh nhân Nguyễn Thị Hiền và các trà nương trên vườn chè Công ty Cổ phần Chè Hà Thái.

Trà là “Quốc thủy” bởi mang đậm đà bản sắc văn hóa và tâm hồn người ViệtCầm chén trà nóng tỏa hương thơm đượm, ‘Bà Chúa Chè’ say sưa bộc bạch mọi câu chuyện về trà, cách trồng, chăm bón, chế biến, thưởng trà, văn hóa trà cùng rất nhiều giá trị từ cây chè mang lại. Bà nói: Ngay từ xa xưa, không một ngôi làng Việt Nam nào thiếu quán cóc dưới gốc đa, với một ấm trà, vài chiếc ghế, một ống điếu thuốc lào. Người uống trà có thể nhấm nháp thêm kẹo lạc, kẹo vừng, bánh đậu xanh… Trong mỗi gia đình cũng đều luôn có ấm trà xanh, trà mạn để mời khách đến chơi nhà. 

Nơi quyền quý cao sang như cung đình, các ông vua, bà chúa lại có cách thưởng trà cầu kỳ với trà được ướp hương, nước pha phải là nước sương sớm hay nước đầu nguồn tùy vào từng loại trà. Ở chốn thiền môn, trà lại được xem như vật phẩm tĩnh tọa, nên có câu: “Trà vị, thiền vị, thị nhất vị”, nghĩa là trà và thiền là một. Cách uống trà của thiền môn thể hiện rõ nét những triết lý tu học qua bốn chữ: Hòa (sự hòa hợp của thiên nhiên và con người); Kính (kính trọng sự tồn tại của vạn vật); Thanh (sự thanh khiết của vật chất và tinh thần); Tịnh (sự bình an của tâm hồn). 

Doanh nhân Nguyễn Thị Hiền cùng Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tham quan tại đồi chè La Bằng - Đại Từ - Thái Nguyên.

Từ lâu, trà đã là một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Việt. Từ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cho đến những dịp lễ, Tết, ma chay, cưới hỏi, từ nông thôn cho tới thành thị, đều có sự xuất hiện của những chén trà. Cũng thật hiếm có một thứ đồ uống nào lại vừa có thể sử dụng hàng ngày mà lại mang đầy tính văn hóa nghệ thuật như trà Việt. Văn hóa trà của người Việt đã được đúc kết qua hàng ngàn năm lịch sử đến thế kỷ thứ IX, X dưới thời Lý- Trần, chính thức được công nhận như một “Quốc thủy” của dân tộc. Cây chè dần trở thành nét đặc trưng cho nền văn minh lúa nước của dân tộc Việt Nam. 

 

Nữ doanh nhân với cái tâm nghề

Một doanh nhân thành đạt suốt ngày bận bịu, xoay xở trên thương trường, không ai nghĩ bà Hiền lại uyên thông, tường tận, chi tiết về trà như một nhà nghiên cứu như vậy. Bà nói về chè Thái Nguyên: Chè La Bằng có vị đượm, hương thơm đậm vì nơi đây có thổ nhưỡng đặc biệt, khí hậu mát lành của vùng núi Tam Đảo. Chè Tân Cương có vị thơm tự nhiên của hương cốm, đậm đà bởi vị ngọt chát thanh tao không giống với bất cứ nơi nào. Chè ở mỗi vùng đều có hương vị tự nhiên đặc trưng như thế. Với tôi chỉ cần nhấm một chút hoặc trực tiếp uống là tôi có thể phân biệt chính xác xuất xứ của hầu hết các loại chè, kể cả khi chúng đã được pha trộn với nhau. Bằng cách đó cũng biết được chè có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay không, được hái thời điểm nào, chế biến ra sao… Thật là đáng nể phục “Bà Chúa Chè”…

Doanh nhân Nguyễn Thị Hiền giới thiệu sản phẩm chè Thái Nguyên với khách hàng.

Để có những kiến thức phong phú về chè, bà Hiền chia sẻ: Chính là vì niềm đam mê, tự hào với sản phẩm quê hương. Qua bao năm mày mò, tìm đọc những tài liệu nghiên cứu về cây chè, soạn thành tài liệu cho riêng mình, bà có thể đọc vanh vách thành phần và tác dụng của chè xanh đối với sức khỏe con người. Nhiệt huyết với cây chè chưa bao giờ dừng lại, vì thế nhiều lần bà cất công sang tận Trung Quốc hay các vùng miền của Việt Nam sưu tầm những giống chè quý, chè cổ, chè có giá trị mang về trồng và nhân giống. Bà Hiền luôn tâm niệm rằng, quảng bá, kinh doanh chè không chỉ nhằm duy nhất mục đích kiếm lợi nhuận mà đó còn là việc rất có ích đối với cộng đồng vì qua đó giúp nhiều người biết và sử dụng sản phẩm chè tốt cho sức khỏe.

Tham quan nhiều nơi để học hỏi, từ năm 2009, bà Hiền triển khai mô hình liên kết với các hợp tác xã, hộ sản xuất tại những vùng chè nổi tiếng của tỉnh là Tân Cương và La Bằng. Hợp đồng liên kết giữa 2 bên bao tiêu, sản xuất chè sạch. Để nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất chè sạch chất lượng cao cho các hộ tham gia mô hình, Công ty CP Chè Hà Thái đã mời các chuyên gia đến tư vấn, tập huấn cho họ. Sản phẩm chè của người dân được Công ty lấy mẫu gửi đi kiểm định thường nhật.  

Giờ đây, cái tên chè Hà Thái đã trở thành thương hiệu có tiếng trong nước và quốc tế, tiêu thụ ổn định qua 50 đại lý cấp I được ủy quyền, có mặt ở nhiều siêu thị trong cả nước, xuất khẩu sang Mỹ và một số nước Châu Âu… (tiêu thụ khoảng 6-7 trăm tấn và đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm). Sản phẩm của Công ty đã được các cơ quan chức năng cấp chứng nhận chè sạch, nhiều khách hàng “khó tính” cũng chọn Hà Thái làm đối tác.

 

Với lương tâm nghề nghiệp và tình yêu với cây chè, doanh nhân Nguyễn Thị Hiền vẫn nung nấu nhiều ý tưởng từ chè, mong muốn góp sức nhiều hơn nữa để thương hiệu chè Thái Nguyên mãi bay xa.         

Nên đọc
                                                          
Việt Phương
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo