Hỗ trợ doanh nghiệp

Vì sao đại gia Nga từ bỏ ý định "thâu tóm" Lọc dầu Dung Quất?

(DNVN) - Chủ tịch Tập đoàn Gazprom Neft (Nga) ông Alexander Valeryevich Dyukov mới đây đã tiết lộ lý do ngừng đàm phán mua 49% cổ phần của nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Theo đó, vị này cho biết: "Vẫn như trước đây, Gazprom Neft sẵn sàng tham gia vào nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhưng hiện thời công ty không thỏa mãn với các điều kiện mà phía Việt Nam đề xuất".

"Thoạt đầu, các điều kiện giả định lợi nhuận thích hợp với khoản đầu tư. Bây giờ phía Việt Nam chưa sẵn sàng cung cấp cho dự án này những ưu đãi mà chúng tôi trông đợi, tương ứng với mức sinh lợi thấp hơn. Chúng tôi không thể đi tới đầu tư có chuẩn nội bộ sinh lợi thấp hơn, người ta không hiểu chúng tôi, cả các vị cũng như các cổ đông của chúng tôi", ông Dyukov nói với tờ Sputnik.

"Tuy nhiên điều đó không ngăn cản chúng ta trở lại vấn đề này trong tương lai. Chúng tôi sẵn sàng tham gia dự án này, nhưng đối với chúng tôi điều quan trọng là thành tựu phân định được các chỉ số hiệu suất.  Thời điểm hiện tại, chúng tôi thấy chưa đồng ý với những đề xuất mà phía Việt Nam đưa ra. Do đó, khi nào phía đối tác sẵn sàng cung cấp những điều kiện mà chúng tôi thấy xác đáng thì chúng ta có thể thông qua quyết định", ông kết luận.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Trước đó, ngày 21/8/2015, Gazprom Neft đã gửi thư kiến nghị tới các cơ quan thẩm quyền của Việt Nam gồm Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cơ chế ưu đãi, điều kiện để GPN tham gia hợp tác với Công ty TNHH 1 thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và triển khai dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Ngay sau đó vào tháng 11/2015 Bộ Công Thương đã gửi thư phúc đáp thư kiến nghị về cơ chế ưu đãi dầu tư vào BSR của Gazprom Neft, với nội dung: Các ưu đãi về thuế nhập khẩu đối với sản phẩm sẽ không được áp dụng cho Công ty BSR sau thời điểm năm 2018; các ưu đãi khác về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng… yêu cầu tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam.

Đến ngày 7/12/2015, PVN đã có thư gửi Gazprom Neft thông báo về việc hết hiệu lực các ràng buộc giữa PVN và GPN theo Thỏa thuận Khung (HOA) đã ký ngày 6/4/2015 về hợp tác chuyển nhượng 49% phần vốn góp tại BSR, đồng thời thông báo kế hoạch triển khai cổ phấn hóa BSR để mời Gazprom Neft tham gia với tư cách cổ đông chiến lược.

Tuy nhiên, đến ngày 29/12/2015 thì Gazprom Neft đã có thư gửi PVN, thông báo chính thức dừng việc đàm phán chuyển nhượng 49% phần vốn góp của PVN tại BSR và sẽ nghiên cứu cơ hội tham gia mua cổ phần của BSR trong tương lai.

Được biết, Gazprom Neft là một trong những công ty dầu khí hàng đầu của Nga. Gazprom đang sở hữu trên 70 giấy phép khai thác dầu ở Nga với sản lượng đạt trên 60 triệu tấn/năm và có 5 nhà máy lọc dầu với công suất 40 triệu tấn/năm.

 

Nên đọc






 
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo