Vì sao đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu dè dặt cho 2018?
Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý IV/2017 vừa mới công bố, Tổng Công ty phân bón & hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ - Mã CK: DPM) có doanh thu thuần giảm nhẹ 9% so với cùng kỳ năm trước ở mức 1.532 tỷ đồng.
Vẫn chưa thấy "mùa xuân"
Doanh thu tài chính trong kỳ tăng 12% lên 65,51 tỷ đồng, chi phí tài chính không đáng kể, chi phí bán hàng tăng nhẹ 13% lên 206 tỷ đồng. Tuy vậy, chi phí quản lý doanh nghiệp trong quý 4 đã tăng tới 90% lên 185,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quý 4, DPM còn ghi nhận hơn 11 tỷ đồng doanh thu khác, chủ yếu đến từ việc thanh lý, nhượng bán TSCD (7,9 tỷ đồng). Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ, DPM ghi nhận 104 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 4, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế năm 2017, DPM đạt doanh thu 7.996 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ còn 708 tỷ đồng, giảm 39%. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 1.532 đồng. Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận năm 2017 giảm sút chủ yếu do các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh so với cùng kỳ.
Được biết, tính tới cuối năm 2017, tổng tài sản DPM đạt 10.264 tỷ đồng, trong đó có hơn 3.000 tỷ tiền và các khoản tương đương. Giá trị hàng tồn kho chiếm 1.223 tỷ đồng – tăng 300 tỷ so với đầu năm.
Từ năm 2012 đến nay, doanh thu thuần của Đạm Phú Mỹ (DPM) đã giảm đáng kể từ 13.321 tỷ đồng năm 2012 xuống còn 7.996 tỷ đồng năm 2017. Trong đó, năm 2016 được cho là năm khó khăn nhất từ trước đến nay của DPM trong nhiều năm lại đây.
Bước đi dè dặt
HĐQT Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (mã chứng khoán DPM) vừa thông qua kế hoạch SXKD năm 2018 với chỉ tiêu khá khiêm tốn với tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 8.577 tỷ đồng, tăng 7,3% so với doanh thu đạt được năm 2017. Tuy nhiên kế hoạch lợi nhuận trước thuế ước đạt 442 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 371 tỷ đồng, giảm sâu 47,6% so với lợi nhuận đạt được năm 2017.
Về kế hoạch đầu tư, tổng nhu cầu vốn là 1.571 tỷ để đầu tư XDCB và mua sắm tài sản, trang thiết bị, đầu tư tài chính. Nguồn vốn lấy từ vốn chủ sở hữu (756 tỷ) và vốn khác (815 tỷ).
Về kế hoạch sản xuất, năm 2018 Đạm Phú Mỹ đặt mục tiêu sản xuất 800.000 tấn Đạm Phú Mỹ, 170.000 tấn NPK, 55.500 tấn NH3 và khoảng 13.500 tấn UFC 85/Formaldehyde. Kế hoạch tiêu thụ, ước tính năm 2018 đạt 820.000 tấn Đạm Phú Mỹ, khoảng 150.000 tấn NPK, 225.000 tấn phân bón khác…
Giữa tháng 8/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thay mặt Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN) thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, giai đoạn 2017 - 2018, Nhà nước sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại Đạm Phú Mỹ từ 61,3% xuống còn 51%. Đây được xem là hy vọng mới giúp Đạm Phú Mỹ có bước chuyển mình tích cực hơn trong thời gian tới, ít nhất là trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, nếu chính sách thuế VAT đầu ra với phân bón mà Bộ Công thương vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ được thông qua thì đây sẽ là thông tin tích cực cho DPM khi giúp làm giảm chi phí và gia tăng lợi nhuận, giá mục tiêu của cổ phiếu DPM có thể tăng 10-15%.
Mặc dù hưởng lợi từ Luật thuế GTGT mới, song DPM vẫn còn đó những “nỗi lo” cho năm 2018. Điển hình là giá khí đầu vào dự kiến tiếp tục tăng mạnh, đồng thời việc rút ngắn thời gian khấu hao nhà máy NPK/NH3 mới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất hoạt động. Đây có thể là lý do mà Đạm Phú Mỹ khá dè dặt khi đặt mục tiêu cho năm 2018.
End of content
Không có tin nào tiếp theo