Hỗ trợ doanh nghiệp

Vì sao phải tái cơ cấu Sacombank?

(DNVN) - Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, việc tái cơ cấu NHTMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) nằm trong tổng thể Đề án 254 của Chính phủ đảm bảo lành mạnh hóa, ổn định và phát triển hệ thống.

Tại cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Văn Hưng - Phó chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước - cho biết, trong năm 2017, việc xử lý 3 ngân hàng 0 đồng (OceanBank, GPBank và VNCB) cùng với DongABank và Sacombank sẽ là trọng tâm.

Nói thêm về việc này, ông Hưng cho biết, việc tái cơ cấu ngân hàng này nằm trong tổng thể Đề án 254 của Chính phủ đảm bảo lành mạnh hóa, ổn định và phát triển hệ thống.

Ảnh minh họa.

Sacombank đang xử lý vấn đề tồn đọng yếu kém của NHTMCP Phương Nam sau khi sáp nhập và vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo vị này, không riêng gì Sacombank, NHNN luôn tăng cường theo dõi, giám sát các NHTMCP hình thành sau sáp nhập, hợp nhất, chỉ đạo các ngân hàng xây dựng đề án/phương án tái cơ cấu trong giai đoạn tiếp theo nhằm khắc phục triệt để những tồn tại chưa xử lý dứt điểm trong giai đoạn 2011- 2015.

Ông Hưng cũng cho biết, Theo đề án “Cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011 – 2015 (Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ), tất cả các ngân hàng đều phải tái cơ cấu, trong khi đó Sacombank lại sáp nhập với NHTMCP Phương Nam thì việc tái cơ cấu là điều đương nhiên.

Cũng theo ông Hưng, hoạt động của Sacombank cơ bản ổn định và tiếp tục tăng trưởng, không xảy ra các diễn biến bất lợi ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của Ngân hàng. Tính đến tháng 11/2016, tổng tài sản tăng 12,03% so với cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu 2,22%.

"Hiện tại qua giám sát mọi giao dịch, mọi hoạt động, mọi thanh toán của ngân hàng này đều diễn ra bình thường", ông Hưng cho biết.

 

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo