Hỗ trợ doanh nghiệp

Vì sao Pizza Hut chưa thể mở thêm cửa hàng ở Hà Nội?

Nút thắt được ông Alain Cany chỉ đích danh là đang nằm ở Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội.

Câu chuyện Công ty TNHH Pizza Việt Nam chưa thể mở thêm cửa hàng Pizza Hut tại một số địa điểm ở Hà Nội mà không rõ lý do một lần nữa được ông Alain Cany, Chủ tịch Liên minh doanh nghiệp Việt Nam (VBF) nêu lên tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng gặp gỡ các doanh nghiệp diễn ra ngày 28/4 tại Hà Nội.

Nút thắt được ông Alain Cany chỉ đích danh là đang nằm ở Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Đây là một trong những điển hình cho việc "quyết tâm cải cách ở trên thì hăng hái, nhưng càng xuống dưới càng giảm đi, tới nhân viên thì lại như không có gì xảy ra", như chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã nói lời xin lỗi với nhân dân, trước các Phó thủ tướng, các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương và đại diện gần 300 doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp có mặt tại Hội nghị nói trên.
 
 Ông Alain Cany cho hay, ngày 11/4/2014 vừa qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho biết có 2 cơ quan đã cho ý kiến về việc mở thêm cửa hàng trong chuỗi cửa hàng Pizza Hut. Tuy nhiên, cùng với thông tin này, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng yêu cầu doanh nghiệp này cung cấp hồ sơ mới", ông Alain Cany nói tại Hội nghị.
 
Gần đây nhất, vào năm 2013, theo ông Alain Cany, việc mở thêm 2 nhà hàng của Pizza Hut cũng gặp khá nhiều thủ tục, song Công ty TNHH Pizza Việt Nam cũng đã vượt qua với sự can thiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương
 
."Khi hoàn tất 2 giấy phép mở nhà hàng này trong vòng 14 tháng, thay vì 2 tuần như 30 cửa hàng mở trước tháng 12/2010, chúng tôi tin rằng, quá trình mở cửa hàng mới sẽ diễn ra êm đẹp. Nhưng khi nộp hồ sơ xin mở thêm cửa hàng vào tháng 2/2014, khó khăn lại bắt đầu, cho dù Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu cung cấp giấy tờ nào là chúng tôi đều đáp ứng", ông Alain Cany kể.
 
"Chúng tôi muốn đưa một ví dụ cụ thể để Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng biết được thực tế những trở ngại, phiền hà về thủ tục hành chính đang cản trở doanh nghiệp như thế nào", ông Alain Cany nói.
 
Cần phải nói thêm rằng, trong số hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, chắc chắn Công ty TNHH Pizza Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất gặp những phiền hà, vướng mắc về thủ tục hành chính như trên. Vấn đề là, các doanh nghiệp có đủ dũng cảm, chấp nhận đối mặt với những khó khăn vô hình đang đón đợi ở phía trước, nếu nói thẳng những vướng mắc, phiền hà mà mình gặp phải hay không?
 
Doanh nghiệp nào dám để đồng vốn chôn ở đó, chấp nhận các kế hoạch kinh doanh nằm im ở đó, chấp nhận các đơn hàng bị hủy, kéo theo những thiệt hại kinh tế, để theo đuổi những minh bạch mà họ đáng được hưởng?
 
Lâu nay, nếu có những trường hợp doanh nghiệp dám đứng ra "tố" những tiêu cực, thái độ sách nhiễu, phiền hà, "hành" doanh nghiệp ở đâu đó từng được dư luận biết tới, thường thì cũng chỉ là những doanh nghiệp đã chấp nhận đường cùng. Khi đó, câu quen thuộc vận vào họ ít khi chệch, là "được vạ thì má đã sưng", được giấy phép, được mở cửa hàng thì cơ hội kinh doanh cũng trôi qua, bản thân doanh nhân, doanh nghiệp đó cũng khó tránh khỏi ít nhiều sứt mẻ.
 
Người viết bài này bỗng liên tưởng tới nhiều trường hợp chống tiêu cực trong thi cử của ngành giáo dục, từng làm dậy sóng dư luận xã hội những năm qua, như thầy giáo Đỗ Việt Khoa (ở Thường Tín, Hà Nội) hay sau đó là thầy giáo Nguyễn Danh Ngọc (huyện Lục Nam, Bắc Giang), từng được cả nước biết đến trong việc phanh phui sai phạm ở "vụ Đồi Ngô" (trường THPT Dân lập Đồi Ngô gian lận thi cử năm 2012).
 
Dù sau khi các clip gian lận thi cử do thầy Ngọc thực hiện và công bố, ngành giáo dục vào cuộc và ngày 11/8/2012, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang có quyết định cách chức, hủy chức danh, kỷ luật khiển trách, phạt tiền đối với 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên vi phạm quy chế trong kỳ thi tốt nghiệp cấp 3 năm đó, nhưng cũng như "người đương thời" Đỗ Việt Khoa nhiều năm trước nay đã thành "người quá vãng", "Người hùng Đồi Ngô" hai năm trước giờ đã phải rời xa bục giảng, lao vào ôn luyện tiếng Nhật, chấp nhận xuất ngoại, tha phương cầu thực, tìm kế sinh nhai.
 
Lý do đơn giản là, dù việc thầy Ngọc làm là đúng, nhưng không còn nơi nào dám nhận thầy Ngọc về làm việc, họ đều nhìn con người dám đứng lên chống tiêu cực đó với ánh mắt dò xét. "Người hùng", người dám nói lên sự thật bỗng chốc thành người không còn chốn dung thân.
 
Một doanh nghiệp thì khác một cá nhân. Một doanh nghiệp thì không lo bị từ chối một cơ hội làm việc. Nhưng một doanh nghiệp không thể sản xuất, kinh doanh có thể khiến hàng chục, hàng trăm, thậm chí nhiều hơn thế lao động không có việc làm.
 
Vì thế, cũng dễ hiểu nếu doanh nghiệp chấp nhận nín nhịn, im lặng, đánh đổi những chi phí khác để có được cơ hội làm ăn. Nhưng ngay cả khi một doanh nghiệp dám đứng lên, chỉ ra nút thắt của sự việc, như Công ty TNHH Pizza Việt Nam, thì cũng chưa ai dám chắc, liệu nút thắt ấy có thể được gỡ bỏ? Nên nhớ rằng, chính Công ty Pizza Việt Nam từng được gỡ nút thắt trong năm 2013 với sự can thiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Công thương, thì tới đầu năm 2014, họ lại mắc ở Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội như đã nêu.
 
Đó là chưa kể, Công ty TNHH Pizza Việt Nam đã may mắn hơn rất nhiều doanh nghiệp khác, khi có cơ hội nêu lên vướng mắc của mình trong một sự kiện chính thức, có sự hiện diện của người đứng đầu Chính phủ, như tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ doanh nghiệp ngày 28/4 vừa qua.C
 
òn với những doanh nghiệp khác, phải nêu ý kiến của mình bằng văn bản, phải theo các quy trình hành chính được tính theo ngày, theo tuần, theo tháng..., thì hẳn là, họ đã được rèn luyện sự kiên nhẫn đến mức tuyệt vời.
 
Và vì thế, nếu câu chuyện mở thêm cửa hàng của Công ty TNHH Pizza Việt Nam cũng lại chìm vào quên lãng như câu chuyện "người hùng Đồi Ngô" của ngành giáo dục, thì rõ ràng, những nỗ lực tạo sự minh bạch trong môi trường kinh doanh mà cả hệ thống chính trị đang dồn sức thực hiện đang phải đứng trước lực cản ghê gớm.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo