Hỗ trợ doanh nghiệp

Vì sao Toyota và Honda tạm ngưng nhập xe về Việt Nam?

Sau khi truyền thông Nhật Bản đưa tin việc 2 hãng xe Toyota và Honda ngưng xuất khẩu xe sang thị trường Việt Nam, đại diện nhiều hàng xe tại Việt Nam cho biết đã ngưng nhập và kiến nghị, chờ đợi hướng dẫn.

Đại diện truyền thông Toyota Việt Nam cho biết, trong tháng 12-2017, các lô hàng CBU của Toyota Việt Nam vẫn được cập cảng và thông quan theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2018, nghị định 116 có hiệu lực, TMV đã tạm dừng hoạt động nhập khẩu xe.

Toyota cho biết thêm, phần lớn các thành viên VAMA đều gặp khó khăn về vấn đề này và cho đến nay vẫn chưa có giải pháp, ngoài việc tiếp tục kiến nghị Chính Phủ tháo gỡ khó khăn.

Hãng xe Ford Việt Nam cho hay, giống như hầu hết các hãng xe khác đều không thể nhập được xe nguyên chiếc do các rào cản hành chính mà Nghị định 116 đề ra. 

Các hãng cho hay vẫn đang chờ đợi thêm hướng dẫn thêm về nghị định 116 để có thể nhập xe về. Ảnh: Hồng Quý.

"Cùng với Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, Ford đã và đang nêu lên các khó khăn và ảnh hưởng của các quy định mới của Nghị định lên tình hình kinh doanh của toàn bộ hiệp hội", đại diện Ford Việt Nam cho hay.

Honda chưa lên tiếng chính thức, tuy nhiên trước đó chia sẻ từ đại diện hãng này cũng cho biết, vẫn đang chờ đợi thông tư hướng dẫn cụ thể, tất cả vẫn phải chờ. 

Điều đó đồng nghĩa với việc, lô xe CRV-2018 mới nhập về là lô xe cuối cùng của hãng, và chưa biết đến khi nào sẽ có hàng mới nhập về.

Trong khi đó, đại diện Huyndai cho biết, hãng này đã không còn nhập khẩu xe, chuyển toàn bộ sang lắp ráp xe hơi tại Việt Nam. "Chúng tôi không còn nhập khẩu nên không tiện nói về vấn đề này", đại diện truyền thông Huyndai Việt Nam nói.

Hãng xe Volswagen (Đức) trước đó cho biết, đang tiến hành chuẩn bị các giấy tờ theo quy định, tuy nhiên khả năng lô hàng mới nhất cập cảng cũng phải tới quý 2/2018.

 

Nghị Định 116 với tâm điểm là quy định yêu cầu bắt buộc các hãng xe nhập khẩu phải có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô từ nước sản xuất mới được phép nhập khẩu vào Việt Nam đã gây ra nhiều phản ứng trái chiều giữa nhà sản xuất và các doanh nghiệp nhập khẩu.

Cụ thể, theo quy định tại Nghị định 116, doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp được bản sao Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài; bản chính phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài cấp cho từng ô tô; tài liệu về kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nước ngoài đối với nhà máy sản xuất ra kiểu loại ô tô nhập khẩu còn hiệu lực được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.

Việc cung cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi quốc gia sản xuất khiến các doanh nghiệp chạy đôn đáo tìm phương án đáp ứng. Đại diện Volkswagen cho biết, riêng đối với giấy tờ chứng nhận kiểu loại từ nước sản xuất, hiện Volkswagen ở Đức vẫn chưa có, Volkswagen Việt Nam đang yêu cầu công ty mẹ tại Đức chuẩn bị.

Trong khi đó, các hãng cho hay vẫn đang chờ đợi thêm hướng dẫn thêm về nghị định trên.

Theo VAMA, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu không tồn tại ở nhiều quốc gia. 

 

Theo đó, một số quốc gia đang áp dụng chính sách nhà sản xuất tự chứng nhận; trong khi ở một số nơi khác, các cơ quan và tổ chức có thẩm quyền có thể cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại này nhưng hệ thống tiêu chuẩn và đăng kiểm không giống với hệ thống ở Việt Nam.

Nên đọc
Theo Tuổi trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo