Hỗ trợ doanh nghiệp

Vicem Sông Thao muốn mở rộng khai thác nguyên liệu tại Phú Thọ

Để tạo nguồn nguyên liệu, phụ gia ổn định cho sản xuất xi măng tại Nhà máy Vicem Sông Thao, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng về việc mở rộng thăm dò, khai thác mỏ đá vôi xã Ninh Dân và mỏ cao silic tại xã Yên Nội, xã Thanh Xá, huyện Thanh Ba của Công ty CP Xi măng Vicem Sông Thao.

Bộ Xây dựng vừa có công văn số 461/BXD-VLXD gửi các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Quốc Phòng… xin ý kiến về bổ sung mỏ đá vôi xã Ninh Dân và mỏ cao silic tại xã Yên Nội, xã Thanh Xá, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam cho Nhà máy Xi măng Vicem Sông Thao.

Nhà máy Xi măng Vicem Sông Thao, tỉnh Phú Thọ công suất 0,91 triệu tấn xi măng/năm đi vào hoạt động từ cuối năm 2009, nguồn nguyên liệu đá vôi, phụ gia đã được quy hoạch và cấp phép khai thác bao gồm: mỏ đá vôi tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, diện tích khai thác 20ha, trữ lượng khai thác 19.894.626 tấn (giấy phép khai thác số 907/GP-BTNMT ngày 14/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) và mỏ cao silic tại xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, diện tích khai thác 7,53ha, trữ lượng khai thác 2.267.000 tấn (giấy phép khai thác số 1663/GP-BTNMT ngày 21/8/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường).

Nhà máy Xi măng Sông Thao muốn mở rộng thăm dò, khai thác mỏ đá vôi xã Ninh Dân và mỏ cao silic tại xã Yên Nội, xã Thanh Xá, huyện Thanh Ba, Phú Thọ.

Theo báo cáo của Công ty CP Xi măng Vicem Sông Thao và UBND tỉnh Phú Thọ, mỏ đá vôi đã được cấp phép còn lại khoảng 11.393.432 tấn không đủ chất lượng làm nguyên liệu sản xuất xi măng, đá vôi đảm bảo làm nguyên liệu sản xuất xi măng trữ lượng còn lại khoảng 2.225.534 tấn chỉ đáp ứng được nhu cầu sản xuất xi măng trong 02 năm. Mỏ cao silic đã khai thác đến tháng 7 năm 2017 là 583.110 tấn, còn lại là 1.683.890 tấn.

Tuy nhiên, việc khai thác mỏ cao silic gặp nhiều khó khăn do mỏ cao silic từ cao độ + 27m đến +25m ở dạng khối rắn, gần Di tích lịch sử quốc gia đền Ghè không khai thác được bằng nổ mìn, trữ lượng khai thác bằng máy xúc thủy lực còn lại là 209.322 tấn chỉ đáp ứng được nhu cầu sản xuất xi măng trong 2,5 năm.

Để tạo nguồn nguyên liệu, phụ gia ổn định cho sản xuất xi măng tại Vicem Sông Thao, UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản số 496/UBND-KTN ngày 07/02/2018 gửi Bộ Xây dựng về việc mở rộng thăm dò, khai thác mỏ đá vôi xã Ninh Dân và mỏ cao silic tại xã Yên Nội, xã Thanh Xá, huyện Thanh Ba của Công ty CP Xi măng Vicem Sông Thao.

Để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung mỏ đá vôi xã Ninh Dân và mỏ cao silic tại xã Yên Nội, xã Thanh Xá, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam, đảm bảo nguyên liệu đá vôi, phụ gia cao silic cho Nhà máy xi măng Sông Thao hoạt động ổn định, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ, ngành có liên quan xem xét cho ý kiến đối với đề nghị của UBND tỉnh Phú Thọ theo quy định của Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 và Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản để Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Công ty CP Xi măng Vicem Sông Thao tiền thân là Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao được thành lập năm 2003, với 3 cổ đông sáng lập là Tổng Cty Đầu tư triển Nhà và Đô thị (HUD), Tổng Cty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) và Công ty CP Xi măng Phú Thọ. Ngày 22/11/2009, nhà máy Xi măng Sông Thao đã chính thức đi vào hoạt động, với công suất thiết kế 2.500 tấn clinker/ngày, tương đương 910.000 tấn xi măng/năm.

 

Với 4 sản phẩm chính là clinker thương phẩm CPC50, xi măng poóclăng PC40, PCB40, PCB30 của Công ty đã được hợp quy, hợp chuẩn và có mặt trên thị trường suốt gần 10 năm qua.

Thực hiện Quyết định số 376/QĐ-BXD ngày 27/4/2017 của Bộ Xây dựng về việc chuyển giao quyền đại diện vốn của Tổng Công ty đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) tại Xi măng Sông Thao về Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), ngày 14/6/2017, công tác chuyển giao quyền đại diện vốn đầu tư đã hoàn tất, và Tổng Công ty công nghiệp xi măng Việt Nam (VICEM) chính thức trở thành cổ đông chi phối 80,79% vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao.

Qua đó, Xi măng Sông Thao chính thức trở thành đơn vị thành viên của Tổng Công ty VICEM.

Tháng 9/2017, Công ty đã chính thức cho ra đời các sản phẩm mang thương hiệu Xi măng VICEM Sông Thao.

Nên đọc
Theo Báo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo