Việt Nam: Điểm đến hấp dẫn cho hoạt động ngân hàng đầu tư
Theo nhận định của Credit Suisse Group AG, chi phí ngân hàng đầu tư ở Việt Nam có thể tăng ít nhất 25% trong năm nay do chính phủ thúc đẩy hoạt động bán tài sản và các công ty nước ngoài đẩy mạnh mua vào.
Dù rằng doanh thu của ngân hàng đầu tư ở Việt Nam sụt giảm nhưng giá trị các vụ sáp nhập trong quý đầu năm nay chạm mức cao nhất trong 6 năm.
Chỉ số chứng khoán VN Index đã tăng 29% kể từ đầu năm tính theo giá trị đồng USD, là chỉ số tăng thứ 3 trong số 96 chỉ số quan trọng do Bloomberg theo dõi, bởi lạm phát hạ nhiệt và chính phủ cắt giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, ông Lê Hoài Anh, giám đốc Credit Suisse tại Việt Nam cho biết “Chúng tôi cho rằng Việt Nam là một thị trường có tiềm năng rất lớn”. Credit Suisse đã bắt đầu hoạt động kinh doanh ngân hàng đầu tư ở Việt Nam từ năm 2001.
Chính phủ đã cam kết bán cổ phần tại các doanh nghiệp như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam khi theo đuổi mô hình giảm mức can thiệp của chính phủ với các hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, 8 tháng liên tiếp lạm phát giảm giúp thu hút nhiều hơn những người mua nước ngoài.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứ Freeman & Co. có trụ sở tại New York, chi phí hoạt động ngân hàng đầu tư tại Việt Nam đã tăng 24% trong năm ngoái dù doanh thu tại châu Á giảm gần 10%. Cũng năm trước, Việt Nam đã thu về 46 triệu USD, bằng khoảng 1/10 số tiền Indonesia thu được.
Chang Tou Chen, giám đốc ngân hàng đầu tư khu vực Thái Bình Dương của HSBC nhận xét, lý do các ngân hàng vẫn tiếp tục hoạt động tại Việt Nam không phải vì con số 46 triệu USD, mà “đó là khoản đầu tư cho tương lai”.
KKR & Co. đã đánh dấu hoạt động đầu tư tư nhân lớn nhất ở Việt Nam khi quyết định chi 159 triệu USD để mua cổ phần của tập đoàn Masan hồi tháng 4/2011. Tiếp đó vào tháng 9, ngân hàng Vietcombank cũng thông báo sẽ bán 15% cổ phần cho đối tác Mizuho của Nhật với giá trị 567 triệu USD – đánh dấu thương vụ mua lại lớn nhất trong vòng 1 thập kỷ.
Ông Chang của HSBC cho biết, mỗi năm sẽ có khoảng 1 hoặc 2 thương vụ lớn với giá trị hơn 500 triệu USD liên quan đến các công ty của Việt Nam.
Trong hơn chục năm trở lại đây, Việt Nam chứng kiến hai thương vụ mua bán quan trọng đó là của Vietcombank và của ConocoPhillips với giá trị 1,3 tỷ USD khi bán tài sản tại Việt Nam cho Perenco SA.
Rehan Anwer, giám đốc nhóm nghiên cứu hoạt động ngân hàng đầu tư của Credit Suisse thì nhận xét, “Việt Nam là đại diện cho một cơ hội lớn, giúp chúng tôi trở thành cầu nối cho nguồn vốn và kinh nghiệm quốc tế, giúp hỗ trợ cho khu vực trong nước và chính phủ”.
Mới đây, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đã công bố danh sách 254 doanh nghiệp thuộc diện bán vốn nhà nước trong năm 2012. Trong số này có cả những doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang có vốn điều lệ 128,593 tỷ đồng và Công ty Cổ phần Quốc tế Hoàng Gia có vốn điều lệ 650 tỷ đồng.
Trong 254 doanh nghiệp, có những công ty có tỷ lệ sở hữu cổ phiếu thấp nhất tại SCIC với 0,3%/vốn điều lệ 8.000.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải; 0,4% trên vốn điều lệ 15 tỷ đồng tại Công ty Cổ phần Dịch vụ thương mại công nghiệp và tỷ lệ sở hữu cao nhất tới 90% là tại Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Hưng Yên.
Theo DĐDN
End of content
Không có tin nào tiếp theo