Việt Nam lập "siêu Ủy ban" quản lý các "ông lớn" Nhà nước
Theo dự thảo tờ trình của Bộ KHĐT, việc xây dựng Nghị định nhằm thể chế hóa chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, đó là tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước; sớm xoá bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, Uỷ ban nhân dân đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp; thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước.
Đồng thời nhằm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp; hoàn thiện và nâng cao hiệu lực quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Dự kiến cơ quan chuyên trách có tên gọi Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ, do Chính phủ thành lập.
Về nhiệm vụ và quyền hạn, đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban có các quyền và trách nhiệm theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tương tự các quyền và trách nhiệm của bộ quản lý ngành hiện nay đang thực hiện với tư cách là cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và phần vốn nhà nước được giao quản lý. Tuy nhiên, Ủy ban không có nhiệm vụ ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước khác đối với doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.
Theo nguyên tắc nêu trên, Ủy ban có các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
Một là, tập hợp, theo dõi và đánh giá danh mục toàn bộ tài sản, vốn đầu tư và từng khoản mục đầu tư cụ thể của nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý; phân tích, đánh giá và dự báo thị trường cho đầu tư nhà nước tại các doanh nghiệp.
Hai là, thực hiện đầy đủ tất cả các quyền của chủ sở hữu nhà nước trong vai trò là chủ sở hữu, là cổ đông và thành viên góp vốn tại các doanh nghiệp tương ứng theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp và quản lý vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp, trừ các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Ba là,trực tiếp hoặc chủ trì phối hợp tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các quyền chủ sở hữu theo quy định tại các Điều 40 và Điều 41 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Sẽ quản lý 30 tập đoàn, tổng công ty
Dự kiến Ủy ban sẽ thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ bộ quản lý ngành về Ủy ban, trừ các doanh nghiệp công ích. Trong đó Ủy ban trực tiếp thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và vốn nhà nước tại 30 doanh nghiệp theo danh mục, bao gồm cả Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Có 9 tập đoàn nằm trong danh mục dự kiến, gồm: Tập đoàn Dệt May Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản, Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Công Nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Bảo Việt.
Các tổng công ty nằm trong danh sách gồm Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Tổng công ty Đường sắt, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Tổng công ty Giấy Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD), Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, Tổng công ty Đầu tư Phát triển đô thị và Khu công nghiệp, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Dược Việt Nam, Tổng công ty Rượu- Bia - Nước giải khát Sài Gòn, Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2015, vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp lên tới 1,2 triệu tỷ đồng, giá trị tài sản là hơn 3,1 triệu tỷ đồng. Như vậy, đây sẽ là một siêu cơ quan quản lý khối tài sản lớn nhất Việt Nam.
Theo dự thảo Nghị định, SCIC trực tiếp thực hiện đầu tư tài chính, và qua đó, trực tiếp thực hiện các quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp và vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao quản lý…
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục được giao trực tiếp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước tại ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng có vốn nhà nước.
Bộ quản lý ngành thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp chính sách, trực tiếp cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công ích mà nhà nước phải đảm bảo cung ứng.
Tuy nhiên, theo Bộ KHĐT, vẫn còn nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau, như về hình thức của cơ quan chuyên trách, về giám sát, đánh giá cơ quan đại diện chủ sở hữu…
End of content
Không có tin nào tiếp theo