Việt Nam sẽ được gì khi Airbus chọn sản xuất linh kiện?
Cụ thể Công ty Nikkiso sẽ tiến hành sản xuất xà dọc bằng composite của cánh máy bay và các tấm chắn của thiết bị đầu cánh Sharklet. Đây là những thiết bị giúp tiết kiệm nhiên liệu và là đặc điểm tiêu chuẩn nổi bật được sử dụng trên máy bay A320 bán chạy nhất thế giới.
Theo giới chuyên môn, trước hết đây là một tín hiệu mừng khi một thương hiệu lớn lựa chọn Việt Nam để sản xuất linh kiện sẽ tạo thêm công ăn việc làm, nguồn thu... Song cũng không ít ý kiến băn khoăn giống như trước đây khi Samsung vào Việt Nam.
Hiện tại Việt Nam, Samsung đã đầu tư lớn trong lĩnh vực sản xuất điện thoại di động với hai nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, tổng vốn đã đăng ký lên tới 4,5 tỷ USD.
Các công ty này hiện được đánh giá là kinh doanh rất phát đạt ở Việt Nam. Cụ thể năm 2012, Công ty Samsung Electronics Việt Nam (SEV) xuất khẩu đạt kim ngạch 12,5 tỷ USD, trong khi giá trị nhập khẩu là 11,3 tỷ USD. So với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước trong năm 2012 là 228 tỷ USD.
Bước sang năm 2013, tình hình hoạt động của SEV vẫn rất trôi chảy. Chỉ trong 2 tháng đầu năm, doanh thu xuất khẩu của SEV đã đạt trên 3 tỷ USD, tương đương với con số nhập khẩu. Dự kiến cả năm, kim ngạch xuất nhập khẩu của SEV sẽ lên tới 30 tỷ USD, tăng khoảng 6 tỷ USD so với năm 2012.
Một doanh nghiệp họ Samsung khác cũng được đánh giá tốt là Công ty TNHH Samsung SDI Việt Nam. Trong 2 tháng đầu năm nay, công ty này đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 75 triệu USD, nhập khẩu hơn 86,3 triệu USD. Dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm của Samsung SDI Việt Nam sẽ đạt trên 1 tỷ USD. Không những vậy, Samsung còn tiếp tục mở rộng hoạt động của mình tại Việt Nam với việc khởi công xây dựng tổ hợp thứ 2 có quy mô trên 2 tỷ USD tại KCN Yên Bình thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Tuy nhiên, trái ngược với mức tăng trưởng hết sức ấn tượng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phần đóng góp cho ngân sách quốc gia của nước sở tại thông qua các khoản thuế của các doanh nghiệp họ Samsung lại chẳng đáng là bao.
Thống kê của cơ quan hải quan, nơi đảm nhiệm thu các loại thuế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, gồm thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT) hay bảo vệ môi trường cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2012, SEV nộp được 80,4 tỷ đồng tiền thuế. Bước sang 2 tháng đầu năm 2013, số thu ngân sách thông qua các loại thuế trên đã giảm mạnh, chỉ còn 429 triệu đồng tiền thuế bảo vệ môi trường.
Với Công ty TNHH Samsung SDI Việt Nam tình hình cũng tương tự. Trong 2 tháng đầu năm 2012, số thu thuế của doanh nghiệp này là 80 tỷ đồng, nhưng trong 2 tháng đầu năm nay chỉ còn là 3,2 tỷ đồng, tức chỉ bằng 4% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên do của việc giảm nguồn thu lớn từ các doanh nghiệp họ Samsung trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh là bởi các doanh nghiệp này đã chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp chế xuất kể từ tháng 9/2012. Do vậy, theo qui định, họ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế hơn so với trước đây.
Việt Nam vốn được nhiều hãng lớn lựa chọn còn được cho là có nguồn nhân lực giá rẻ. Song giới chuyên môn cũng cho rằng đã đến lúc cần tính toán lại. Nói như PGS TS. Nguyễn Hoàng Ánh - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và thương mại quốc tế, Đại học Ngoại thương Hà Nội: khi hoạch định chính sách Nhà nước phải tính toán công bằng giữa việc thu hút doanh nghiệp nước ngoài và bảo vệ quyền lợi của đất nước.
"Trong một thời gian dài, chúng ta quá ưu đãi doanh nghiệp nước ngoài, đến nỗi đã có những lời phàn nàn là doanh nghiệp nước ngoài vừa có nhiều vốn, vừa có kinh nghiệm hơn nhưng lại được ưu đãi hơn doanh nghiệp nội địa", bà Ánh nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo