Hỗ trợ doanh nghiệp

Việt Nam thành 'chiến trường' mới của Amazon và Alibaba

Hai thế lực bán lẻ, một từ phương Tây và một từ phương Đông đều mong muốn mở rộng tầm ảnh hưởng, chiếm lĩnh những thị trường mới và Việt Nam đang trở thành sàn đấu của hai ông lớn.

Thông tin Amazon gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 3 làm nhiều tín đồ mua sắm trong nước đứng ngồi không yên, nhất là khi người Việt còn đang dựa vào các kênh không chính thức để săn hàng từ nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ.

Tuy nhiên, đó chỉ là tin đồn, đại diện Amazon cho biết hãng này đang tìm kiếm các nhà xuất khẩu tại chỗ chứ chưa phân phối sản phẩm tới thị trường Việt Nam.

Thông tin Amazon gia nhập thị trường Việt Nam đã khiến không ít tín đồ mua sắm đứng ngồi không yên. Ảnh: Getty.

Có thể nói Amazon đã chậm chân tại thị trường 90 triệu dân, bởi thị trường thương mại điện tử của Việt Nam đã có dấu chân của những ông lớn tới từ Trung Quốc.

Điều gì chờ đón Amazon?

Thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam đang là một trong những thị trường có sức tăng trưởng hấp dẫn nhất thế giới. Theo số liệu từ Bộ Công Thương, thương mại điện tử tại Việt Nam dự báo sẽ đạt quy mô 10 tỷ USD vào năm 2020, gấp đôi mức 5 tỷ USD vào năm 2016.

Tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, thu nhập bình quân đầu người đang tăng dần và hiện ở mức 4.000-5.000 USD một năm, cùng với đó là lượng người sử dụng Internet và smartphone tăng nhanh.

Đây là những con số cho thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam trong mắt Amazon. Có thể thấy, dù gã khổng lồ bán lẻ Mỹ phục vụ chuyển hàng tới hơn 100 quốc gia nhưng người dùng Việt vẫn gặp quá nhiều khó khăn để mua hàng Amazon dù nhu cầu là không hề nhỏ.

 

2018 sẽ là thời điểm thuận lợi để Amazon mở rộng về phía bên kia bán cầu, và động thái hợp tác cùng Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) để tìm kiếm các nhà xuất khẩu Việt, cho thấy ông lớn này đã bắt đầu để mắt tới thị trường thương mại điện tử đang lên tại Việt Nam.


Tiềm năng là vậy nhưng chắc chắn Amazon sẽ không "một mình một sân".

Không khó để người dùng nhận ra cứ khoảng hơn 10 sản phẩm từ các nhà bán lẻ Việt Nam trên Lazada được hiển thị, lại xen lẫn những sản phẩm tên tiếng Anh và xuất xứ từ Trung Quốc, Hong Kong.

Tháng 4/2016, Lazada thông báo gã khổng lồ bán lẻ Trung Quốc là Alibaba đã mua lại lượng cổ phần chi phối và chính thức trở thành ông chủ mới của trang thương mại điện tử này.

Theo Bloomberg, giới quan sát nhận định thương vụ có giá trị khoảng 1 tỷ USD, một động thái mạnh mẽ cho thấy quyết tâm thâu tóm thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng của Alibaba.

 

Cụ thể, sau thương vụ đình đám, tập đoàn của Jack Ma nắm 83% cổ phần tại Lazada và hiện theo thống kê của Nikkei, trang thương mại điện tử này nắm 30% thị phần tại Việt Nam.

Những gã khổng lồ Trung Quốc tới trước

Không chỉ mang sản phẩm của mình tới với khách hàng Việt, Alibaba còn mang văn hóa mua sắm trực tuyến Trung Quốc tới Việt Nam. Ngày 11/11/2017, các trang thương mại điện tử lớn, mà điển hình là Lazada đưa ra nhiều chương trình khuyến mại nhân ngày "lễ độc thân", một ngày lễ không có trong văn hóa người Việt.

Ngày 11/11 không chỉ là ngày "lễ độc thân" mà tại Trung Quốc, đây được xem là dịp mua sắm trực tuyến lớn nhất trong năm. Alibaba đã bỏ túi 25,38 tỷ USD trong ngày 11/11/2017 tại thị trường Trung Quốc, bỏ rất xa con số 7,14 tỷ USD mà Amazon thu về trong ngày Black Friday nổi tiếng tại Mỹ.

Không chỉ bước chân vào thị trường Việt, Alibaba còn mang theo văn hóa mua sắm trực tuyến Trung Quốc tới Việt Nam. Ảnh: China Daily.

Nhưng Alibaba không phải là gã khổng lồ bán lẻ duy nhất của Trung Quốc để ý tới thị trường Việt Nam.

 

Một cái tên không xa lạ là Shopee, với công ty mẹ chính là gã khổng lồ Internet Trung Quốc Tencent của tỷ phú Ma Huateng. Sở hữu Shopee thông qua startup SEA, Tencent đã có những dấu ấn đầu tiên tại thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam, thông qua chiến lược miễn phí vận chuyển cho khách hàng.

Dù Amazon hiện là thế lực lớn nhất thế giới về bán lẻ trực tuyến, tại thị trường Việt Nam, hãng vẫn sẽ là kẻ đến sau khi Alibaba và các đối thủ Trung Quốc đều đã có vị trí và thị phần nhất định, đó là chưa kể đến Facebook, chợ mạng khổng lồ của người Việt, một đối thủ không chính thức của cả Amazon và Alibaba.

Trong tương lai gần, Việt Nam gần như chắc chắn sẽ là sàn đấu của hai gã khổng lồ là Amazon, doanh nghiệp trị giá 768 tỷ USD và Alibaba, doanh nghiệp trị giá 510 tỷ USD.

Nên đọc
Theo Zing
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo