Viettel biến “nghèo” thành lợi thế cạnh tranh
Ngay từ thời điểm quyết định dấn bước đầu tư ra nước ngoài, Viettel đã xác định “là con nhà nghèo” nên sẽ thực hiện chiến lược đầu tư theo cách của mình.
Những ngày đầu tháng 4/2013, cái tên Viettel một lần nữa lại nóng lên trên truyền thông quốc tế bởi 3 sự kiện: Viettel đang thâm nhập mạnh mẽ thị trường Tây Phi, tham gia đấu thầu tại thị trường Myanmar và bắt đầu kinh doanh dịch vụ di động tại Đông Timor. Đó là chưa kể, Viettel đang có kế hoạch đầu tư vào 3-4 quốc gia khác, doanh thu dịch vụ viễn thông ở thị trường nước ngoài trong năm 2012 đạt hơn 600 triệu USD và là một doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đạt hiệu quả vượt cả kỳ vọng.
Thời gian qua, Việt Nam đã chứng kiến việc nhiều tập đoàn viễn thông quốc tế sa lầy khi đầu tư vào Việt Nam, như Sfone (tập đoàn viễn thông hàng đầu của Hàn Quốc), Beeline (đối tác lớn đến từ Nga).
So với Sfone, Beeline, hay các đại gia tại 7 thị trường nước ngoài của Viettel như O2, Vodafone, Telefonica, America Movil, Beeline, Singtel, Telecom Malaysia…, Viettel chỉ là “người tý hon” bên “gã khổng lồ”, nhưng vẫn chiến thắng. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Viettel, Viettel chiến thắng các đối thủ lớn và thành công ở các thị trường lớn ở nước ngoài nhờ… Viettel là con nhà nghèo. “Nghèo cũng là một lợi thế cạnh tranh, là vũ khí của Viettel”, ông Hùng nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, những tập đoàn viễn thông lớn của thế giới đầu tư ở Lào, Campuchia, Haiti, Mozambique… thường quen với thị trường giàu, có doanh thu trung bình của một thuê bao di động (ARPU) là hàng chục USD/tháng. Khi vào những thị trường mà mức tiêu thụ bình quân chỉ ở mức 10 USD/tháng, thậm chí dưới 5 USD/tháng, họ sẽ gặp khó khăn lớn. Trong khi đó, Viettel đã quen cạnh tranh và thành công ở Việt Nam, nơi có mức tiêu thụ trên mỗi thuê bao dưới 5 USD/tháng, thậm chí có nơi chỉ 1-2 USD/tháng.
Triết lý “con nhà nghèo” nghe có vẻ chẳng liên quan gì đến đầu tư, nhưng trên thực tế, nhờ việc giảm chi phí, giảm giá thành mà Viettel đã thành công ở nhiều thị trường. Trong khi đó, bản chất của cạnh tranh là giảm chi phí, tăng doanh thu.
Ví như ở Haiti, hồi Viettel đầu tư vào thị trường này, thì nhiều đại gia khác như Singtel, Telecom Malaysia, Vodafone cũng đã nhòm ngó thị trường này, nhưng họ không thể triển khai được vì không cử được người sang, vì những chuyên gia của họ không chấp nhận được mức sống ở đó. “Lính” Viettel thì khác, đã quen kham khổ, nên không ngại khổ. Ttrong khi nhân viên các hãng viễn thông của Mỹ sang công tác ở Haiti đi máy bay hạng sang, ở khách sạn 5 sao, lương gấp đôi lương ở Mỹ…, thì người Viettel đến Haiti với vé máy bay economy, 10 người thuê ở chung một căn nhà và cùng nấu cơm chung…
Thêm nữa, viễn thông là một ngành có lợi nhuận cao, vì vậy, các công ty viễn thông thường mắc phải “bệnh nhà giàu”, trong đó tiêu biểu là bệnh “outsourcing” (thuê ngoài). Bệnh này xuất hiện khi doanh nghiệp đã phát triển, quá nhiều tiền, nên lười vận động, lười suy nghĩ, ởbất cứ công đoạn nào cũng nghĩ tới “thuê ngoài”, từ xây lắp trạm đến phát triển thuê bao, đại lý thu cước, thậm chí cả ở một mảng quan trọng như IT. Viettel thì ngược lại, làm tất nên dù doanh thu thấp mà vẫn lãi lớn.
Nhật Minh
Theo Đầu tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo