Vinalines dẫn đầu các "ông lớn" Nhà nước về thua lỗ
Sáng nay 26/8, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức buổi họp báo để công bố báo cáo kiểm toán chuyên đề khu vực doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) năm 2014.
Tại buổi họp báon Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra rất nhiều vấn đề cân đối ngân sách, tài chính và quản lý vốn tại các doanh nghiệp có vốn của các Tập đoàn, Tổng công ty của Nhà nước.
Theo đánh giá, trong năm 2014, do sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, trong khi yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng cao đã gây áp lực lớn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo kết quả kiểm toán, trong năm 2014, có 5/38 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh thua lỗ; 33 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, bảo toàn được vốn. Đáng chú ý, 5 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước kinh doanh thua lỗ hơn 4.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Vinalines lỗ hơn 3.478 tỷ đồng, Tổng công ty 15 lỗ hơn 471 tỷ đồng, Vinaincon lỗ hơn 131 tỷ đồng, Tổng công ty Mía đường II lỗ hơn 15 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV In Đắk Lắk lỗ 2,95 tỷ đồng.
Cũng theo kiểm toán Nhà nước, nhiều tập đoàn, Tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ dẫn đến nợ phải thu quá hạn, nợ khó đòi lớn. Trong đó, dẫn đầu là MobiFone có 312,8 tỷ đồng (chiếm hơn 30,4% nợ phải thu); Công ty VNPT-Global 14,39 tỷ đồng; Hapro 376 tỷ đồng; Tổng Công ty Hóa chất dầu khí 110 tỷ đồng; Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba) 86 tỷ đồng, Tổng công ty điện lực miền Bắc - EVN gần 50 tỷ đồng…
Bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra nhiều Tổng công ty thực hiện mua sắm ô tô vượt mức cho phép cả tỷ đồng như: Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) - Công ty mẹ mua xe Toyota 4Runner 2,25 tỷ đồng, cao hơn mức tối đa cho phép tới 1,21 tỷ đồng. Công ty CP Xây dựng số một - Việt Nguyên mua xe Mecedes Benz và thanh lý xe Audi không đúng Quy chế tài chính của đơn vị.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước phát hiện hầu hết các tập đoàn, tổng công ty có hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản còn dự án chậm tiến độ (của Vinalines, Habeco, HUD, Tổng công ty Bến Thành…); một số dự án phải dừng triển khai, gây lãng phí, trong đó Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) có 3 dự án, Petro Vietnam 4 dự án, Vinalines 1 dự án…
End of content
Không có tin nào tiếp theo