Hỗ trợ doanh nghiệp

Vinamilk hiện thực hóa chiến lược ngành sữa

Sau hơn một năm thi công, cuối tháng 4-2013, nhà máy sữa lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á tại Bình Dương với số vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, công suất 54.000 tấn mỗi năm được Vinamilk bấm nút vận hành. Việc đưa vào sử dụng siêu dự án nhà máy sữa này nằm trong kế hoạch trở thành một trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới, với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017.
Với dự án trị giá lớn này, Vinamilk góp phần hiện thực hóa "Chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam giai đoạn 2020-2025", phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm phục vụ tiêu dùng, khai thác hiệu quả nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước. Hiện nay, sản phẩm sữa của Vinamilk đã có mặt tại 26 quốc gia trên thế giới; 50% sản lượng sữa bột của Vinamilk được xuất khẩu, chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng sữa của hãng.
 
Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Vinamilk cho biết, bên cạnh sản phẩm chủ lực sữa bột cho trẻ em, nhà máy còn sản xuất các dòng sữa bột đặc thù dành cho người lớn tuổi, người bị tiểu đường, loãng xương... 
 
Dự kiến, khi nhà máy hoạt động góp phần giúp Vinamilk đạt doanh số năm 2013 khoảng 33.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.200 tỷ đồng… Vận hành nhà máy lớn vào giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế là một áp lực đối với doanh nghiệp, song Vinamilk đã chủ động nguồn nguyên liệu từ trước nên công ty không bị ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào khi nguyên liệu thế giới biến động. 
 
Cũng theo bà Liên, từ những năm 1990, doanh nghiệp đã đặt nền móng cho chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững. Hiện tại, Vinamilk có 90 trạm lạnh phủ khắp cùng 5 trang trại bò sữa lớn giúp công ty luôn chủ động cho quá trình sản xuất. Vinamilk đã xây dựng quy trình sản xuất khép kín, nhất là kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu và quy trình chế biến sữa. Vinamilk đang là doanh nghiệp thu mua tới hơn 60% sản lượng sữa của nông dân, với lượng sữa tươi ngày càng tăng cao cả về chất lượng và số lượng. Để bảo đảm đầu ra cho nông dân, khuyến khích nông dân nuôi bò sữa, Vinamilk đã liên kết với hơn 5.000 hộ nông dân. 
 
Ngoài đầu tư, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi để có sản phẩm cao nhất, tốt nhất về chất lượng, Vinamilk còn cho đầu tư phát triển 5 trang trại với khoảng 8.000 con bò sữa (bò nhập ngoại, trong đó có 50% bò vắt sữa), cho 90 tấn/ngày cộng với 61.000 con bò sữa của nông dân với 460 tấn sữa/ngày. Vinamilk vẫn kiên định việc duy trì đồng thời hai nguồn cung cấp sữa bò tươi nguyên liệu (đầu tư khai thác sữa nguyên liệu từ những trang trại do Vinamilk làm chủ và thu mua sữa bò tươi nguyên liệu từ các hộ dân) nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sữa tươi nguyên liệu chất lượng cao, vừa tạo việc làm cho nông dân, vừa góp phần xây dựng ngành chăn nuôi bò sữa Việt Nam phát triển theo hướng ổn định và bền vững. 
 
Thời gian tới, Vinamilk tiếp tục đồng hành cùng người chăn nuôi bò sữa Việt Nam với chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng con giống, tăng năng suất và phát triển nhiều mô hình chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp để phát triển bền vững. Trong đó, có chương trình hỗ trợ bán bò giống, cung cấp tinh bò sữa chất lượng cao do Vinamilk nhập khẩu từ các hãng danh tiếng thế giới. Bên cạnh việc thu mua sữa, Vinamilk cũng kiểm soát chất lượng sữa tươi nguyên liệu thu mua từ hộ dân một cách nghiêm ngặt từ khâu khai thác, bảo quản, vận chuyển rồi giao sữa từ hộ chăn nuôi đến trạm trung chuyển và đến nhà máy.
 
Từ giữa năm qua, giá nguyên liệu sữa thế giới liên tục tăng, các nhà sản xuất, kinh doanh sữa trong và ngoài nước đã phải điều chỉnh giá bán sản phẩm. Nhưng, riêng Vinamilk do có kế hoạch dự trữ nguyên liệu tốt, nên đã không tăng giá bán suốt cả năm kể cả những mặt hàng không tham gia chương trình bình ổn để chia sẻ một phần khó khăn với người tiêu dùng. Sau một năm cố gắng duy trì giá bán ổn định cho người tiêu dùng, từ trung tuần tháng 2-2013 Vinamilk đã phải điều chỉnh giá bán một số nhóm sản phẩm khoảng 7% để bù đắp một phần chi phí nguyên liệu đầu vào nhập khẩu đã tăng hơn 20% từ giữa năm 2012.
 
Tuy nhiên, với những mặt hàng đang tham gia bình ổn giá như một số loại sữa nước, sữa bột cho trẻ em, người già và người bệnh, Vinamilk vẫn thực hiện đúng theo cam kết của chương trình bình ổn giá cho đến ngày 1-4-2013. 
 
Như vậy, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng trong 5 năm gần đây Vinamilk vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm. Giá trị vốn hóa trên thị trường đạt khoảng 5 tỷ USD. Tại thị trường trong nước, Vinamilk chiếm 75% thị phần sữa đặc có đường, 90% thị phần sữa chua, 50% thị phần sữa tươi và 30% thị phần sữa bột. 
 
 
 
 
Nhật Minh
Theo HNM
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo