Hỗ trợ doanh nghiệp

Vinatex dồn dập đổ vốn vào miền Trung

Sau khi đã đầu tư hơn 10 dự án lớn tại Huế, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…, với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đang có kế hoạch xây dựng thêm các dự án mới tại một số tỉnh miền Trung.

 Trong động thái mới nhất, ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Vinatex vừa có chuyến khảo sát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư của Tập đoàn tại Nghệ An, tiến tới cụ thể hóa Chiến lược Phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020 tại các tỉnh miền Trung.

Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế là địa bàn đầu tư chiến lược của Vinatex thời gian tới
Trong 2 năm trở lại đây, chỉ tính riêng một đơn vị thành viên của Vinatex là Tổng công ty cổ phần Dệt may Hà Nội (Hanosimex) đã bỏ khoảng 700 tỷ đồng để đầu tư các dự án mới tại Nghệ An, trong đó có 2 dự án mới đưa vào hoạt động trong tháng 4/2013 là Dự án Nhà máy may hàng dệt kim (công suất 5,1 triệu sản phẩm/năm) và Nhà máy May hàng dệt thoi (công suất 3,6 triệu sản phẩm/năm).
 
Số lượng dự án mà Hanosimex dự tính đầu tư tại Nghệ An dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong một vài năm tới.
 
Ông Nguyễn Song Hải, Phó tổng giám đốc Hanosimex cho biết, Nghệ An, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế sẽ là địa bàn đầu tư chiến lược của Hanosimex trong thời gian tới.
 
Lợi thế về nguồn lao động dồi dào, cùng chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh và chiến lược di dời nhà máy về các địa phương là động lực để Hanosimex đầu tư nhiều dự án lớn tại Nghệ An.
 
Bên cạnh việc đầu tư các dự án thượng nguồn về nguyên phụ liệu là các nhà máy sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất, các tỉnh miền Trung cũng là điểm đến để Vinatex thực hiện đầu tư, nâng cao năng lực ngành may.
 
Tại thời điểm này, Vinatex đang hoàn tất các thủ tục cuối cùng để khởi công Dự án Đầu tư xây dựng Nhà máy May Vinatex Bồng Sơn tại Cụm công nghiệp Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định).
 
Dự án hiện đã thành lập xong pháp nhân là Công ty TNHH May Vinatex Bồng Sơn và UBND Huyện Bồng Sơn đã đồng ý về chủ trương cho thuê đất.
 
Với tổng mức đầu tư 205 tỷ đồng, Nhà máy có quy mô 51 chuyền, trong đó giai đoạn 1 là 17 chuyền, sản phẩm chính là veston và quần âu.
 
Trong khi đó, Hanosimex cũng đang ráo riết hoàn tất thủ tục để ngay trong quý I/2014 có thể khởi công Dự án Đầu tư nhà máy dệt kim dệt vải mộc 4.000 tấn/năm tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) với tổng vốn 152 tỷ đồng.
 
Một doanh nghiệp thành viên Vinatex là Tổng công ty cổ phần May 10 cũng đang triển khai những hạng mục cuối cùng thuộc Dự án Đầu tư mở rộng Xí nghiệp May Hà Quảng tại Quảng Bình, chuyên may sơ mi xuất khẩu.
 
Theo thống kê của Vinatex, trong 6 tháng đầu năm 2013, Tập đoàn đã triển khai xây dựng 46 dự án đầu tư, với tổng vốn gần 6.150 tỷ đồng. Trong đó, có 14 dự án sợi, 4 dự án ngành dệt, 20 dự án may mặc và 20 dự án khác.
 
Dự kiến, cả năm 2013, tổng vốn đầu tư của Vinatex sẽ đạt gần 10.000 tỷ đồng, theo đó, miền Trung vẫn được xác định là điểm đến của nhiều dự án lớn, nhằm tận dụng các lợi thế về ưu đãi của địa phương và lao động.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo