Hỗ trợ doanh nghiệp

Vốn đầu tư 6 tháng – Kết quả và vấn đề đặt ra

Không có đầu tư thì không có tăng trưởng. Nhưng bao nhiêu, từ đâu, vào đâu và hiệu quả là những nội dung cần được xem xét, đánh giá kết quả và đặt ra những vấn đề cần giải quyết.

Bao nhiêu là câu hỏi được xét dưới hai góc độ, đó là quy mô vốn, thể hiện ở tỷ lệ vốn đầu tư/GDP và tốc độ tăng vốn đầu tư.
 

 
Về tỷ lệ vốn đầu tư/GDP, theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm của cả nước đạt 431,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34,5% GDP.
 

 
Theo đó, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP trong 6 tháng đầu năm 2012 đã nói lên nhiều điều.
 
 

Một, tỷ lệ này tuy còn cao hơn chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2012, nhưng đã thấp hơn tỷ lệ của cùng kỳ năm trước (38,3%) và tỷ lệ bình quân của các thời kỳ từ 2001 đến 2010, đã dần trở về với tỷ lệ bình quân của thời kỳ 1996- 2000.

 
 
Hai, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thấp trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012 là một trong những yếu tố góp phần vào việc thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong 6 tháng đầu năm 2012.
 
 
 
CPI đã tăng thấp từ tháng 10/2011, mang dấu âm vào tháng 6/2012, theo dự đoán của nhiều chuyên gia, CPI tính theo năm sẽ tiếp tục chậm lại, đạt mức đáy vào tháng 9 tới, dù có tăng lên trong các tháng tiếp theo nhưng đến tháng 12 cũng chỉ ở mức trên dưới 6%.

 
 
Nhập siêu 6 tháng đầu năm đã giảm so với cùng kỳ năm trước cả về kim ngạch tuyệt đối, cả về tỷ lệ so với xuất khẩu; theo dự đoán của các chuyên gia có thể ở mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. Cán cân thanh toán được cải thiện; dự trữ ngoại hối tăng đáng kể; tỷ giá ổn định (sau 6 tháng vẫn còn giảm 0,8%) thể hiện lòng tin vào đồng tiền quốc gia bước đầu được củng cố.

 
 
Thứ ba, mặc dù tăng trưởng kinh tế quý II cao hơn quý I (4,66% so với 4%), nhưng tính chung 6 tháng đầu năm nay đã bị suy giảm so với tốc độ của cùng kỳ trong 2 năm trước (4,38% so với 5,63% và 6,18%). Việc suy giảm tăng trưởng kinh tế do nhiều nguyên nhân, trong đó có yếu tố đầu tư bị co lại.
 

 
Thứ tư, đây là tỷ lệ phù hợp với chủ trương đang được khởi động là cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó có cơ cấu lại vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư công; là chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng, từ số lượng (dựa chủ yếu vào các yếu tố số lượng, như vốn đầu tư, lao động đông và rẻ...) sang chiều sâu, sang chất lượng.
 

 
Về tốc độ tăng vốn đầu tư, nếu tính theo giá thực tế, 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước tăng 10,1%.
 
 
 
Nếu tính theo giá so sánh, tức là loại trừ yếu tố tăng giá thì tốc độ tăng vốn đầu tư sẽ mang dấu âm, đặc biệt đối với nguồn từ khu vực nhà nước còn giảm sâu hơn vì tính theo giá thực tế chỉ tăng 6,8%, riêng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (đầu tư công) tính theo giá thực tế chỉ tăng 4,3%, thì còn giảm sâu hơn nữa.
 
 
 
Chính sự sụt giảm về vốn đầu tư là một nguyên nhân quan tọng làm cho tăng trưởng kinh tế vị suy giảm, bởi vốn đầu tư là yếu tố vật chất trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế.
 
 

Từ đâu là câu hỏi liên quan đến nguồn vốn. Vốn đầu tư toàn xã hội được thu hút từ ba nguồn: khu vực nhà nước, khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

 
 
Nguồn vốn từ khu vực nhà nước tính theo giá thực tế đạt 158,8 nghìn tỷ, tăng 6,8%, thấp hơn tốc độ tăng chung; nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì thực chất đã bị giảm nhiều hơn của tổng số. Tỷ trọng trong tổng số của nguồn vốn này trong 6 tháng đầu năm nay giảm so với các thời kỳ trước (6 tháng năm nay là 36,8%, cùng kỳ năm trước là 37,9%, cả năm 2011 là 38,9%, bình quân 2006- 2010 là 38,7%, bình quân 2001- 2005 là 51,8%, bình quân 1996- 2000 là 54,3%).
 
 
 
Sự sụt giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước vừa phù hợp với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, vừa phù hợp với chủ trương cơ cấu lại kinh tế với hai trong ba trọng điểm là đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước.

 
 
Nguồn vốn khu vực nhà nước có 3 nguồn cụ thể là từ ngân sách nhà nước, từ vay, từ doanh nghiệp nhà nước. Nguồn từ ngân sách đạt tỷ lệ thấp so với kế hoạch năm (42,5%) và tăng thấp so với cùng kỳ năm trước (4,3%), trong đó do địa phương quản lý đạt và tăng thấp  hơn do trung ương quản lý (tương ứng đạt 42,3% so với 43,3% và tăng 3,7% so với 5,9%).
 
 

Một số Bộ, ngành, địa phương đạt thấp hơn tỷ lệ chung, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương; Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Lào Cai, Thừa Thiên- Huế, Hưng Yên, Long An, Ninh Thuận... Một số địa phương thực hiện 6 tháng năm nay bị giảm so với cùng kỳ năm trước, như Đà Nẵng, Hậu Giang, Quảng Ninh, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Lào Cai...
 
 
 
Nguồn từ doanh nghiệp nhà nước trong 6 tháng đầu năm chịu tác động bởi hai yếu tố. Lợi nhuận đạt thấp, nên phần để tái đầu tư không nhiều, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn bị lỗ, chẳng có lợi nhuận tái đầu tư, đến nỗi không dám khấu hao đủ, khấu hao nhanh để tái đầu tư. Nhiều doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện chủ trương thoái vốn ở các lĩnh vực ngoài chuyên môn chính.
 
 

Nguồn vốn từ khu vực ngoài nhà nước ước 6 tháng đạt 163 nghìn tỷ đồng, tăng 18,1%, cao nhất trong 3 nguồn, cao hơn tốc độ tăng trưởng chung; dù có loại trừ yếu tố giá, thì nguồn vốn từ khu vực này vẫn tăng trưởng dương.
 
 
 
Tỷ trọng của nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của 6 tháng năm nay đã cao hơn các kỳ trước (6 tháng năm nay đạt 37,7%, cao hơn số 35,2% của cùng kỳ và của cả năm 2011, cao hơn tỷ trọng bình quân 2006- 2010 là 36,0%, BQ 2001- 2005 là 32,5%, BQ 1996- 2000 là 24,1%).
 
 
 
Đây là kết quả tích cực nhằm khai thác nguồn lực của các thành phần kinh tế, lại có lợi thế là hiệu quả đầu tư cao hơn, nên vừa bù đắp cho sự sụt giảm của hai khu vực khác, vừa góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư chung.
 

 
Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư từ khu vực nhà nước hiện cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng khó khăn do lãi suất cao, do khó đáp ứng được điều kiện vay vốn (nhất là tài sản thế chấp),...
 
 
 
Có một lượng vốn không nhỏ đang chạy lòng vòng qua các kênh đầu tư có độ rủi ro cao, trong khi các kênh đầu tư này thời gian qua hoặc bị sụt giảm kéo dài (như bất động sản), hoặc trồi sụt bất thường (như chứng khoán), hoặc bị sụt giảm (như vàng, ngoại tệ),... Lượng vàng còn tồn động trong dân theo dự đoán hiện ở mức rất lớn (lên tới 300-400 tấn, tương đương với khoảng 22,5 tỷ USD, bằng khoảng 18,8% GDP của cả nước năm 2011).
 

 
Nguồn vốn của khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tính theo VND đạt 110 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ trọng của nguồn vốn này trong tổng số, tuy thấp hơn tỷ trọng của cùng kỳ năm trước, nhưng đã cao hơn các thời kỳ 2011, so với 25,3 của bình quân 2006-2010, 15,7% của bình quân 2001-2005, 21,6% của bình quân 1996-2000).
 
 

Việc thu hút và thực hiện FDI kỳ này có một số diễn biến đáng lưu ý.  So với cùng kỳ năm trước, vốn đăng ký bị sụt giảm mạnh (đạt 6,4 tỷ USD, giảm 27,3%, trong đó đăng ký mới đạt 4,76 tỷ USD, giảm 25%, đăng ký bổ sung 1,62 tỷ USD, giảm 64,5%). Vốn thực hiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng nhẹ (1,8%).
 

 
Theo ngành, ngành công nghiệp chế biến đạt cao nhất chiếm 65%, tiếp đến là nhóm ngành dịch vụ 34%, trong đó kinh doanh bất động sản (chiếm 24,7%). Theo địa phương, cả nước có 27 tỉnh, thành phố có dự án mới, đứng đầu là Bình Dương, tiếp đến là Hải Phòng, Đồng Nai, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Tiền Giang, Hà Nội,…
 
 
 
Trong 28 nước và vùng lãnh thổ có vốn FDI mới trong 6 tháng qua, cao nhất là Nhật Bản, tiếp đến là Hồng Kông, Hàn Quốc, Singapore, Hà Lan,…
 

Nhân đây cũng xin thông tin sơ bộ, tính từ 1988 đến tháng 6/2012, lượng vốn FDI đăng ký đạt 235,3 tỷ USD, còn hiệu lực khoảng trên 204 tỷ USD, trong đó có 21 nước và vùng lãnh thổ đạt từ 1 tỷ USD trở lên, trong đó có 7 nước và vùng lãnh thổ đạt trên 10 tỷ USD, đứng đầu là Nhật Bản, tiếp đến là Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Quốc đảo Vigin, Hoa Kỳ, Hồng Kông,... có 24 tỉnh, thành phố đạt từ 1 tỷ USD trở lên, có 5 tỉnh, thành phố đạt trên 10 tỷ USD, đứng đầu là TP Hồ Chí Minh, tiếp đến là Bà Rịa – Vũng Tàu, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương.

 
 
Mặc dù lượng vốn đăng ký giảm so với các năm, nhưng trong điều kiện kinh tế thế giới phục hồi chậm, có khu vực còn bị suy thoái, tăng trưởng bị sụt giảm và với chủ trương nâng cao chất lượng FDI, thì việc đạt được kết quả như trên là đáng ghi nhận.
 
 
 
Hơn nữa, khả năng lượng vốn thực hiện cả năm sẽ đạt được như năm trước (11 tỷ USD) và đây là điểm đáng lưu ý: lượng vốn đăng ký giảm mạnh, nhưng lượng vốn thực hiện vẫn được giữ vững, tức là có thể 5 năm liền nếu tính bằng tỷ USD, thì đều đạt 2 chữ số. Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư của nguồn vốn này không cao; tình trạng chuyển giá khá phổ biến. Đã đến lúc cần chuyển mạnh hơn nữa từ số lượng sang chất lượng.
 
 

Có nguồn rồi, có lượng rồi, nhưng điều quan trọng là đầu tư vào đâu?
 
 

Nghị quyết 13 của Chính phủ đã đưa ra một số ngành, lĩnh vực ưu tiên. Trong các lĩnh vực đó, cần đặc biệt quan tâm đến tam nông, đến doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ.
 
 

Hiệu quả đầu tư, được biểu hiện ở hệ số ICOR thông thường phải xét trong thời gian dài, nhưng việc tạm xét trong 6 tháng cũng cần thiết để cảnh báo.
 
 
 
Nếu 6 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP là 38,3%, tốc độ tăng GDP là 5,63%, suy ra ICOR là 6,8 lần, thì 6 tháng đầu năm nay, các con số tương ứng là 34,5%, 4,38% và 7,9 lần. Như vậy, hiệu quả đầu tư có dấu hiệu giảm. Mà hiệu quả đầu tư giảm là yếu tố tiềm ẩn của lạm phát. Đây là cảnh báo cần thiết.
 
 
 
 
Theo KTĐT

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo